Aa

Giấc mơ về một thành phố thông minh của bà chủ Tập đoàn BRG

Thứ Tư, 04/12/2019 - 06:06

Bằng một bản lĩnh thép và tinh thần của người đi tiên phong tràn đầy tâm huyết, người phụ nữ đứng đầu Tập đoàn BRG đang không ngừng góp phần thay đổi bộ mặt của những tỉnh thành bà đi qua...

Đầu tháng 10 năm nay, dự án thành phố thông minh với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD chính thức được Liên danh BRG và Tập đoàn Sumitomo động thổ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Tại lễ động thổ, nữ tướng BRG Nguyễn Thị Nga với một quyết tâm mãnh liệt đã cam kết với Thủ tướng “hoàn thành tiến độ từng giai đoạn, không sai một lời”.

Dù đưa ra lời hứa một cách chắc nịch nhưng rõ ràng, những thách thức mà người phụ nữ ấy phải đối mặt cũng không hề nhỏ bởi dự án có quy mô rất lớn, lĩnh vực bất động sản không những đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp. Tuy nhiên, sự tự tin của bà Nga không hình thành ngẫu nhiên vì những lời hứa tương tự trước đây đã được bà thực hiện một cách trọn vẹn.

Bản lĩnh thép và niềm tự hào dân tộc

Còn nhớ gần hai năm về trước, bà chủ tịch Tập đoàn BRG từng khiến chính quyền địa phương và bạn bè quốc tế phải ngả mũ thán phục khi chỉ trong 14 tháng thi công, tổ hợp dự án khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng Resort đã kịp cán đích để tổ chức Gala Dinner, một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 như cam kết.

Một năm hai tháng chạy đua căng thẳng với dự án, bà và đội ngũ liên tục đối mặt với những thách thức lớn. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có thể khai trương vào tháng 4/2017 nhưng do quá trình thi công gặp mùa mưa kéo dài hơn dự kiến nên thời gian xây thô phải điều chỉnh. Thời gian gấp rút với khối lượng công việc khổng lồ nhưng mọi công tác phải đảm bảo chuẩn chỉ, chính xác để đáp ứng được đòi hỏi khắt khe cho tiêu chuẩn sang trọng phục vụ APEC.

Để xuất sắc cán đích vì niềm tự hào dân tộc và màu cờ sắc áo của Tổ quốc, Tập đoàn BRG đã phải huy động tổng lực cùng với 21 nhà thầu thi công liên tục 3 ca/ngày, lúc cao điểm mỗi ngày có gần 5.000 công nhân trên công trường căng sức làm việc.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga

Với bà Nga và đội ngũ, trong suốt quãng thời gian đầy áp lực thì tháng 6 có 90 ngày, tháng 8 có 62 ngày khi đại công trường luôn rực sáng ánh đèn. Chiến thuật, chiến lược được cập nhật từng ngày, tất cả cán bộ được bổ sung đúng lúc, đúng chỗ để cùng chạy tiếp sức. Bản thân bà vào thời điểm đó phải thường xuyên làm việc đến 12 giờ đêm, có những lúc phải thức đến 3 giờ sáng gặp gỡ trực tiếp, sát sao với anh em công nhân để động viên kịp thời cũng như khơi gợi trong họ niềm tự hào chung nhịp đập trái tim cùng APEC.

Ông Karl Hudson, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Marriott đã nhận xét: “Nếu không có tầm nhìn và niềm đam mê của bà Nguyễn Thị Nga thì không thể có một tổ hợp đẳng cấp sang trọng, bề thế như vậy. Marriott chỉ trao thương hiệu Sheraton Grand cho các khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn cao nhất sau khi đã kiểm tra nghiêm ngặt”.

Xuất phát điểm không liên quan nhiều đến lĩnh vực xây dựng nhưng người đàn bà thép của BRG lại vô cùng cứng rắn và quyết tâm để hoàn thành dự án đúng tiến độ như lời đã hứa.

Từng mạnh tay chi hàng triệu đô để mua lại các khách sạn lớn từ các công ty và quỹ đầu tư nước ngoài như Hilton Hanoi Opera, InterContinental Hanoi Westlake hay Sedona Suites Hanoi nhưng có thể nói những công trình lớn như Sheraton Grand Đà Nẵng hay Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội mới là thách thức khổng lồ đối với người phụ nữ đam mê golf và cũng chính là người đầu tiên kinh doanh sân golf như bà Nga.

Năm 2000, bà chủ BRG gây ngạc nhiên cho giới doanh nhân Việt Nam khi quyết định mua lại sân golf Đồng Mô thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Thời điểm đó bà từng thừa nhận không biết gì về golf, chưa bao giờ cầm gậy golf và thậm chí còn băn khoăn liệu những người đam mê môn thể thao này bất chấp mưa nắng có bị “khùng” hay không.

Golf lúc đó là môn thể thao cao cấp và có rất ít người chơi. Đồng Mô cũng là sân golf đầu tiên của miền Bắc do liên doanh giữa một doanh nghiệp trong nước và đối tác Thái Lan đầu tư. Do khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, nhà đầu tư Thái Lan gặp khó khăn và buộc phải bán tài sản ở Việt Nam. Đang kinh doanh thương mại, trong đó làm đại lý cho hãng Honda, bà Nga đã quyết định mua lại sân golf Đồng Mô.

Sau khi tìm hiểu, bà Nga nhận thấy golf là loại hình kinh doanh tiềm năng vì “sân gôn thì đẹp còn người chơi thì đam mê” và tự tin “đây sẽ trở thành một dịch vụ không sợ ế”. Kể từ quyết định mang tính bước ngoặt đó, bà đã lần lượt mua lại và phát triển thêm các sân golf mới để đến thời điểm hiện tại, BRG là tập đoàn sở hữu và vận hành nhiều sân golf đẳng cấp nhất trên cả nước, cả về chất lượng sân lẫn dịch vụ trên sân. Riêng tổ hợp sân golf Đồng Mô đã có ba sân 18 hố, trong đó sân thứ ba mang tên King's Course được thiết kế bởi đích thân Jack Nicklaus 2, Chủ tịch của công ty thiết kế sân gôn số 1 thế giới Nicklaus Designs và cũng là con trai cả của huyền thoại gôn số 1 thế giới Jack Nicklaus.

Chính huyền thoại golf người Mỹ này đã phải kinh ngạc trước sự liều lĩnh của bà bởi kinh doanh sân golf mà không bán biệt thự thì chắc chắn không có lãi. Nhưng gạt bỏ sang một bên chuyện lời lãi, bà Nga cảm thấy tự hào khi lá cờ Việt Nam được cắm trên bảo tàng golf của Jack Nicklaus ở Ohio (Mỹ) như biểu tượng cho nỗ lực của bà trong việc đưa golf Việt Nam lên bản đồ thế giới.

Dường như đây cũng là tầm nhìn của bà với việc phát triển dự án thành phố thông minh. Đó không phải là thành phố của thệ hệ hiện nay mà sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này. Tại đây, năng lực của người Việt sẽ thực sự được kích hoạt và phát huy một cách tối đa; từ đó tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng.

Một thành phố thông minh, hiện đại, với rất nhiều công trình công cộng, tiện ích nhằm phục vụ người dân, trở thành điểm đến an cư, thu hút đầu tư, hỗ trợ đắc lực cho chủ trương giãn dân nội đô của Hà Nội, là đích đến của dự án thành phố thông minh ở phía Bắc Sông Hồng. Nhưng ít người biết để đến được lễ động thổ dự án mới đây, một hành trình vô tiền khoáng hậu đã bắt đầu tư hơn 10 năm trước.

Một tầm nhìn dài hạn

Năm 2009, bà Nga báo cáo với các cơ quan cấp trên, bày tỏ mong muốn tự bỏ kinh phí làm chủ đầu tư lập quy hoạch dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Tháng 5/2009, BRG được nhận nhiệm vụ. Kể từ đó, bà Nga và cộng sự đã bước vào hành trình thực hiện giấc mơ về một Hà Nội cho thế hệ tương lai với vô vàn thách thức.

Khi nhà thầu quy hoạch quốc tế yêu cầu phải có khảo sát bình đồ 50cm cho toàn bộ 2.080 ha, để biết chỗ nào là nhà, chùa, đường hay trường học, bà Nga, với kinh nghiệm của dân tài chính, đã thấy rõ kinh phí sẽ phải đổ ra bên cạnh những thách thức về thời gian và tính khả thi. Nhưng bà quả quyết: “Không thể không làm”.

Giải pháp được bà đưa ra lúc đó là hợp tác với các đơn vị quân đội, dù phải bỏ ra không ít chi phí. Đến khi họ “trả bài”, mọi người kinh ngạc khi nhìn đống tài liệu ngút ngàn chất đầy trên mấy bàn làm việc.

Bà Nga sẽ không bao giờ quên được hơn 25 cuộc họp với các sở ban ngành của Hà Nội, của Chính phủ, thậm chí là những cuộc trao đổi, thảo luận thâu đêm với các nhà tư vấn quốc tế.

“Nhiều khi ý tưởng của nhà quy hoạch kiến trúc nước ngoài và cơ quan quản lý không thống nhất, có những công trình phải nâng lên đặt xuống nhiều lần. Lắm lúc mệt, cảm thấy rất cô đơn, tưởng chừng không có ai hiểu và đồng hành với mình, trong khi còn bộn bề bao công việc khác của Tập đoàn”, bà kể lại.

Phối cảnh khu trung tâm dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

Nhưng với tình yêu dành cho Hà Nội, để người dân có môi trường sống mới chất lượng, để Thủ đô không bị phá nát bởi những dự án nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch mà phải trở thành một thành phố hiện đại, sánh ngang và thậm chí vượt các thành phố phát triển khác, bà Nga và BRG đã nỗ lực để đi đến được những chặng đường cuối cùng. Tháng 12/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bản đồ án quy hoạch được thành phố Hà Nội chính thức thông qua.

Sau khi hoàn tất quy hoạch chi tiết bàn giao cho thành phố, Tập đoàn BRG tiếp tục theo đuổi dự án về một thành phố thông minh và đã không ngừng tìm kiếm đối tác để cùng hợp lực triển khai. Khi chia sẻ về kế hoạch này, nhiều lần bà Nga nhắc tới yêu cầu về những đối tác đủ tâm, đủ tầm và cùng chung tầm nhìn phát triển bền vững, chỉ có như vậy mới tạo nên một thành phố mang tính biểu tượng cho sức sống mới, mang đến các tiêu chuẩn sống hiện đại và đẳng cấp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong tương lai.

Và Tập đoàn Sumitomo, một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, đã chính thức đồng hành cùng Tập đoàn BRG phát triển dự án này.

Bắt kịp xu hướng thời đại

Cuối tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó định hướng đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Chỉ ít ngày sau đó vào ngày 6/10/2019, Dự án thành phố thông minh phía Bắc Sông Hồng được động thổ.

Trên thực tế, nhu cầu đầu tư, xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam đã xuất hiện trong vòng 5 năm trở lại đây với các kế hoạch được công bố của chính quyền thành phố Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… song chưa có nhiều động thái cụ thể.

Nay với Dự án thành phố thông minh phía Bắc Sông Hồng, diện mạo một thành phố hiện đại trong tương lai đã có thể được định hình khá rõ nét. Với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD, Dự án có quy mô gần 272 ha, được chia làm năm giai đoạn kết nối chặt chẽ và đồng bộ.

Các tính năng thông minh được thể hiện bao trùm sáu khía cạnh gồm năng lượng thông minh, giao thông thông minh, cộng đồng thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, y tế thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Song song với thiết kế thành phố thông minh, dự kiến liên doanh BRG – Sumitomo cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về ứng dụng công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain.

Đặc biệt, thành phố thông minh và trung tâm Hà Nội sẽ được kết nối đồng bộ thông qua tuyến đường sắt đô thị số 2 với điểm đầu tuyến từ phố Trần Hưng Đạo.

Trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, đầu tư xây dựng các thành phố thông minh không chỉ trở thành một xu thế mà còn trở thành một động lực mới cho phát triển các đô thị. Nhìn ra khu vực, các nước Asean và nhiều nền kinh tế mới nổi đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng. Chẳng hạn, Singapore đi tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh, Myanmar cũng đang xây dựng thành phố lớn thứ hai nước này. New Clark City, Philippines hướng tới thành phố xanh công nghệ cao với xe không người lái, robot. Còn Thái Lan đặt mục tiêu có 100 thành phố thông minh vào năm 2022, triển khai trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, năng lượng, quản lý đến con người và môi trường.

Với thành phố thông minh phía Bắc sông Hồng, Việt Nam đã bắt kịp với xu thế khu vực và thế giới. Với bà Nguyễn Thị Nga và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh giữa BRG và Sumitomo, xây dựng thành phố thông minh là xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này. Dự án này sẽ không sao chép hình mẫu của bất cứ thành phố nào, mà sẽ là một dự án thật đẹp, áp dụng những công nghệ 4.0 mới nhất, cùng đem đến chất lượng sống mới cho người dân.

Bà Nga cho biết, Thành phố này sẽ là cửa ngõ của Việt Nam với thế giới, là những hình ảnh và ấn tượng đầu tiên về đất nước, con người Việt Nam hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc . Đây cũng sẽ là nơi kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tại thành phố này, thiên nhiên và văn hóa truyền thống của vùng đất Đông Anh như di tích thành Cổ Loa hay nghệ thuật múa rối nước được hoà quyện với các tính năng hiện đại của các sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao.

Một trong những điểm mà bà Nga đặc biệt yêu thích là sự xuất hiện của Hồ Ngọc trai tại trung tâm Thành phố, một phiên bản của hồ Hoàn Kiếm bất diệt, của tháp tài chính cao 108 tầng với cảm hứng thiết kế từ đóa hoa Sen có vai trò là trung tâm tài chính của Hà Nội và cả khu vực Đông Nam Á. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người khi nói chuyện với bà đã gọi thành phố này với cái tên rất đơn giản nhưng đầy thân thương là Hà Nội mới.

Thành phố này với bà chủ BRG không chỉ là một đại dự án mà còn là một dự án chưa từng có tiền lệ hay khuôn mẫu ở Việt Nam. Không ít lần, đích thân bà phải lăn lộn vào hàng chục khu làng mạc để khảo sát, tìm ra một giải pháp dung hòa giữa yêu cầu của quy hoạch nhưng vẫn giữ được không gian làng xóm hiện hữu, cảnh quan cây xanh thiên nhiên.

Hay việc tìm kiếm đối tác thực hiện dự án cũng là thách thức. Có được Sumitomo – tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, một trong số ít các tập đoàn có kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố thông minh thành công là thành quả sau vô vàn nỗ lực.

Thách thức nhiều, nhưng bà Nga cho biết nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, từ các cơ quan khi triển khai dự án. Bà cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt thành để năm giai đoạn của Dự án trên quy mô gần 272 ha được hoàn thành vào năm 2028 theo đúng kế hoạch đã đặt ra, cũng như giữ đúng lời hứa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành sau 24 tháng kể từ ngày Công ty CP Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh của BRG và Sumitomo được bàn giao mặt bằng.

“Chúng tôi đã lập kế hoạch và có một lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn của dự án. Tôi cũng mong sớm được sống trong Hà Nội mới - thành phố thông minh đáng sống bậc nhất của đất nước và khu vực ASEAN”, bà Nga hào hứng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top