Aa

Kỳ 8: Thời vận và thời cơ của lớp doanh nhân mới

Thứ Tư, 30/10/2019 - 06:00

Trong khói lửa chiến tranh, đau thương kéo dài, chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, tinh thần kinh doanh phát triển kinh tế của người dân vẫn được nuôi dưỡng bền bỉ.

Từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX ghi nhận sự hình thành và phát triển đông đảo tầng lớp tư sản và tiểu tư sản yêu nước. Sau đó, do điều kiện và hạn chế lịch sử, đất nước liên tục kinh qua những cuộc chiến tranh dằng dặc hy sinh gian khổ. 

Đến nay, sau một thế kỷ, là thời vận mới cho việc hình thành đội ngũ doanh nhân mới. Đây cũng là thời cơ lớn lao để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng như ước vọng của dân tộc ta bao nhiêu đời nay.

Những cuộc vượt thoát bao cấp để Đổi mới

Sau khi thành lập chính quyền công nông, trở thành quốc gia độc lập đầu tiên ở vùng Đông Nam Á, Việt Nam lại phải bước vào các cuộc kháng chiến kéo dài suốt 30 năm. Trong khói lửa chiến tranh, đau thương kéo dài, chống thực dân Pháp là “trường kỳ kháng chiến”, chống đế quốc Mỹ là “chiến tranh có thể kéo dài mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn nữa”, tinh thần kinh doanh phát triển kinh tế của người dân vẫn được nuôi dưỡng bền bỉ.

Trong kháng chiến chống Pháp, tinh thần ấy được kết tinh thành khẩu hiệu “Kháng chiến, Kiến quốc”, là biểu hiện trong các hoạt động thương mại, hàng quán vẫn mở ra để phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các nẻo đường chiến dịch.

Trong khói lửa chiến tranh, đau thương kéo dài, tinh thần kinh doanh phát triển kinh tế của người dân vẫn được nuôi dưỡng

Trong chống Mỹ cứu nước là chủ trương xây dựng miền Bắc thành “Hậu phương lớn”, với tinh thần “Hậu phương thi đua với Tiền phương”. Giữa những đợt máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, là nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch cải tạo, phát triển kinh tế để tự lực, tự cường, chứ không hoàn toàn trông chờ vào viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới đã bắt đầu nguồn mạch từ thời chống Mỹ với chính sách “khoán hộ” trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Quá trình thực hiện chủ trương “khoán hộ” được thể hiện trong Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc do ông Kim Ngọc đứng đầu, đã táo bạo “xé rào” đề ra. 

Chủ trương “khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn để hình thành Chỉ thị 100 năm 1981 và Nghị quyết 10 năm 1988, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Từ đầu những năm 80, trước những khó khăn gay gắt của thời kỳ hậu chiến, lạm phát phi mã kéo dài, kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng. Từ thực tiễn, tại các địa phương, những dấu hiệu của đổi mới tư duy trong chỉ đạo phát triển kinh tế đã hình thành và phát huy tác dụng. Những bài học về giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, về tự chủ sản xuất kinh doanh, xóa bỏ bao cấp, để phát triển kinh tế, xóa bỏ chính sách “ngăn sông cấm chợ” đã hình thành ở Long An, TP.HCM, Hải Phòng và các địa phương khác trong cả nước.

Đổi mới đã bắt đầu nguồn mạch từ thời chống Mỹ với chính sách “khoán hộ” trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc do ông Kim Ngọc đứng đầu, táo bạo “xé rào” đề ra

Rất nhiều những câu chuyện với những con người và chi tiết cụ thể đã được ghi lại trên sách báo. Đấy là những sáng tạo phi thường để vượt thoát khỏi bảo thủ, vượt thoát khỏi cơ chế đã lỗi thời không còn phù hợp với quy luật phát triển, để mở ra một thời kỳ mới.

Việc hình thành, phát động và đẩy mạnh công cuộc Đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế trong vòng hơn 30 năm qua đã đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, một vị thế mới.

Thời cơ và thời vận

Với rất nhiều nỗ lực chính trị và sáng tạo ngoại giao, kiên trì đường lối đối ngoại nhằm xây dựng các quan hệ quốc tế đa phương đa dạng, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên phương châm hợp tác cùng phát triển, Việt Nam đã bình đẳng quan hệ ngoại giao với các quốc gia từ năm 1995. Sau đó là một quá trình bền bỉ củng cố niềm tin chính trị và vị thế quốc tế, để đạt đến một vai trò chủ động toàn cầu như ngày hôm nay.

Cùng với quá trình ấy, là một hành trình đổi mới, hoàn thiện về đường lối, chủ trương và chính sách, nhằm phát triển kinh tế, bắt đầu từ năm 1986. Nhà nước đã có đạo luật riêng là Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh và bảo hộ cho hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp. Đảng đã có nghị quyết riêng về Doanh nhân là Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (2011). Vào tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trong quá trình Đổi mới, cùng với việc đề ra và hoàn thiện những chủ trương và chính sách nhằm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã càng ngày càng nêu cao vai trò và động lực của doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.

Một đội ngũ doanh nhân của thời kỳ mới đã hình thành, càng ngày càng phát triển. Ngày Doanh nhân 13/10 hằng năm đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, góp phần giáo dục, khơi mở và nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho bản thân và xã hội của lớp trẻ. Đây chính là một thời kỳ mới với rất nhiều hội tụ, cả thiên thời và địa lợi, cả nhân hòa và tiềm lực để mở ra một thời vận và thời cơ mới cho doanh nhân Việt.

Trong vòng mấy thập niên vừa qua, đất nước đã phát triển và thay đổi rất nhiều với sự đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân. Đằng sau sự thay đổi lớn lao ấy, có thể còn tồn tại nhiều vấn đề phải bàn định và điều chỉnh, nhưng dấu ấn và xu thế phát triển là không thể phủ nhận. Những thay đổi ấy làm cho nhân dân vững tin vào chính nội lực phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Nhiều doanh nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay đã lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú của thế giới, đóng góp vào thế giới những thành tựu mới về phát triển kinh tế, rất đáng ngưỡng mộ. Những tên tuổi hàng đầu ấy lại là những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão, kiên định việc dốc hết vốn liếng của mình để đầu tư phát triển ở ngay tại đất nước của mình. Họ mang lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Họ sẽ là những người dẫn đầu trong tiến trình hình thành một đội ngũ doanh nhân dân tộc của đất nước. 

Chính đội ngũ doanh nhân này sẽ là những trụ cột chắc chắn cho công cuộc kiến tạo, truyền cảm hứng, dẫn dắt và sáng nghiệp cho nhân dân trên con đường nỗ lực phát triển, làm nên thịnh vượng cho quốc gia, tạo nền tảng văn minh và dân chủ cho xã hội.

Doanh nhân và Doanh nhân dân tộc

Khi dân gian truyền tụng câu “Phi thương bất phú” trong thời gian dài thì nghĩa của danh từ thương nhân đồng nghĩa với doanh nhân ngày nay.

Vào thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784), với những tri thức và nhận định mẫn tiệp, khi bàn về quy luật thịnh suy của đất nước, đã viết: “Phi nông bất ổn/Phi công bất phú/Phi thương bất hoạt/Phi trí bất hưng”. 

Lê Quý Đôn đã nhận định về sự liên kết vai trò của 4 thành phần xã hội là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức làm rường cột phát triển kinh tế và xã hội. Từ đây mà ngẫm nghĩ để thấy rằng doanh nhân thời nay có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự hưng thịnh của quốc gia. Doanh nhân không chỉ đơn thuần là thương nhân, là người buôn bán nữa. Doanh nhân ngày nay là người tổ chức sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, là người tạo nên thương hiệu và phát triển thị trường. Nhiều doanh nhân ngày nay là những trí thức lớn hoặc là những người trẻ có học thức cao, được đào tạo kỹ càng từ các trường học danh tiếng trong nước và quốc tế. Doanh nhân ngày nay là “4 trong 1”. Họ là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức gộp lại trong một con người, với những hàm nghĩa rộng rãi và hiện đại.

Thời gian gần đây, xuất hiện một danh xưng mới, đó là “Doanh nhân dân tộc”. Đây là một khái niệm đồng nghĩa hoặc tích hợp các khái niệm “nhà tư sản dân tộc”, “đại doanh gia” của cách đây hơn một thế kỷ, mặc dù bây giờ mới xuất hiện. Khái niệm “dân tộc” được gắn với “doanh nhân” như một phẩm tính, một hàm nghĩa tự hào. “Doanh nhân dân tộc” là những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng lớn, lan tỏa mạnh mẽ, là tấm gương hướng đến công cuộc khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu, hướng đến cộng đồng trong phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế.

Phải có những đóng góp, những phẩm chất như thế nào thì có thể gọi ra rằng đó là một “Doanh nhân dân tộc”? Chắc là còn cần nhiều bàn định và thảo luận. Cùng với thời gian và quá trình phát triển đất nước trong thời kỳ tới đây, định nghĩa “Doanh nhân dân tộc” rất đáng tự hào này sẽ được hoàn thiện và tôn vinh trong tình cảm yêu mến và quý trọng của người dân.

“Doanh nhân dân tộc” là những người có sự nghiệp kinh doanh thành công hàng đầu ở tầm cỡ quốc gia. Bằng thành công của mình và doanh nghiệp của mình, doanh nhân ấy trở nên có vị thế lớn, có tác động và ảnh hưởng tới xu thế phát triển kinh tế cũng trong tầm cỡ quốc gia. Ngoài việc làm nên danh tiếng, của cải, tiền bạc cho mình và doanh nghiệp của mình, “Doanh nhân dân tộc” là những người biết chia sẻ lợi nhuận vì những lợi ích của cộng đồng, có đóng góp lớn lao vào sự phát triển thể chất, sáng tạo, tinh thần, văn minh của người Việt và mang lại niềm tự hào đích thực cho người Việt. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top