Quản lý thu phí tốt hơn
Mới đây, tại cuộc làm việc với Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội về công tác khóa sổ, quyết toán Ngân sách Nhà nước 2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội có 600.000 ôtô, nếu thu 1 triệu đồng mỗi xe một tháng thì thành phố phải thu được 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản thu này hàng năm chỉ chưa đến 100 tỷ đồng.
Theo ông Chung, để khắc phục tình trạng thất thoát phí trông giữ ôtô, từ ngày 1/1/2018, Hà Nội sẽ triển khai hệ thống tìm kiếm điểm đỗ và thanh toán phí qua di động (iParking) tại các quận nội thành và đến tháng 6/2018 sẽ nhân rộng ra toàn thành phố.
Được biết, tính đến 1/1, dịch vụ tìm kiếm điểm đỗ xe trên thiết bị di động thông qua ứng dụng iParking đã chính thức được triển khai trên địa bàn 9 quận nội thành Hà Nội bao gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Long Biên và Cầu Giấy. Đơn vị đầu tiên triển khai iParking trên địa bàn Thủ đô là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội với 151 điểm trông giữ, tổng diện tích 84.451m2, đáp ứng được 4.542 chỗ đỗ dành cho ô tô các loại.
Trả lời trước báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Vũ Văn Viện cho hay, 100% giao dịch qua iParking không thực hiện bằng tiền mặt. Hơn nữa, khi khách hàng chuyển tiền phí gửi xe vào hệ thống, 30% số tiền sẽ được tự động chuyển thẳng đến kho bạc Nhà nước. Điều này sẽ giúp minh bạch và thuận tiện tối đa cho cả người dân, đơn vị trông giữ cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên chủ nhiệm bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng (Đại học xây dựng Hà Nội) chia sẻ với Reatimes: “Hà Nội không có hệ thống quản lý bãi gửi xe và trật tự bãi đỗ xe cũng biến đổi liên tục. Nếu tổ chức cố định các bãi đỗ xe là chưa thực sự linh hoạt và phù hợp, nếu quản lý được bãi đỗ xe linh động, người gửi xe có thể biết được bãi gửi xe nào còn chỗ trống, hay việc thanh toán qua thẻ tín dụng hay tin nhắn giúp công khai, minh bạch hơn, giải pháp ứng dụng được thì tuyệt vời”.
Cũng trao đổi với Reatimes, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải cho hay: “Đây chỉ là một mảng nhỏ trong hệ thống giao thông thông minh. Là cách thu phí giữ xe qua ngân hàng điện tử, nó có vai trò quản lý doanh thu tốt hơn, tránh thất thoát. Trước đây, chúng ta quản lý bằng việc cho doanh nghiệp thuê vỉa hè, thuê bãi giữ xe sau đó họ sẽ thu tiền vé từ người dân mà chúng ta cũng không biết là họ thu về được bao nhiêu và cũng rất khó để có thể kiểm tra được. Sử dụng iParking là một trong những phương án để tránh thất thoát”.
Bước đệm xây dựng hệ thống giao thông thông minh
Ứng dụng iParking trước mắt cho kết quả tốt, nhiều quan điểm cho rằng các thành phố lớn nên sớm nhân rộng các tính năng công nghệ cao, qua đó hướng tới một hệ thống giao thông thông minh để có thể giải quyết những vấn đề đang gặp phải như ùn tắc, tai nạn giao thông... Tuy nhiên, liệu vấn đề hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực đã đủ khả năng phát huy hệ thống giao thông này hay chưa? Liệu những lỗi hệ thống, sai sót quản lý công nghệ có thể dẫn đến rắc rối hay không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng: “Thực ra phần mềm được ứng dụng tương đối rộng rãi, không khó để quản lý. Quan trọng là việc cung cấp các điểm bãi đỗ xe như thế nào để người dùng có thể theo dõi được thông tin nhanh và tiện. Bất kỳ một hệ thống công nghệ nào cũng có quản lý nghiêm khắc. Tôi cho rằng, nếu có chuyện xảy ra như lỗi hệ thống, lỗi mạng cũng không dẫn đến những rủi ro lớn.”
Chuyên gia giao thông đô thị, TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng có cùng quan điểm rằng, áp dụng trông giữ xe thông minh qua ứng dụng iParking là một động thái rất đang hoan nghênh từ phía các nhà quản lý. Đây là giải pháp giúp dân có thể gửi xe nhanh và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, ứng dụng này mới chỉ giải quyết một vấn đề nối kết giữa người gửi xe và người trông xe, trong khi hoàn toàn không có mối liên hệ nào đến yếu tố hạ tầng. Việc gửi xe này vẫn chỉ là tận dụng các vỉa hè hoặc lòng đường mà không phải là những bãi đỗ xe lớn để giải quyết câu chuyện vỉa hè.
TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Một hệ thống giao thông thông minh là đảm bảo tương xứng cả ba yếu tố công nghệ, phương tiện và hạ tầng để tạo ra lợi ích tối đa. Bản chất của giao thông thông minh cũng là kết nối giữa con người, phương tiện, cơ sở hạ tầng để có thể giúp giải quyết những vấn đề mà một hệ thống giao thông truyền thống khó có thể làm. Theo tôi, chúng ta phải căn cứ vào hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện tại từ đó xây dựng một kế hoạch áp dụng và triển khai những công nghệ vào hệ thống giao thông để có thể đạt hiệu quả cao nhất”.
Chia sẻ về lợi ích của hệ thống giao thông thông minh, TS. Đinh Thị Thanh Bình cho biết: “Tổ chức giao thông trên thành phố hiện nay vẫn là theo mệnh lệnh là chủ yếu, không linh hoạt kịp thời theo thực trạng được. Trong khi đó, hệ thống giao thông thông minh là quản lý giao thông nhận dạng được phương tiện, xử phạt, tổ chức giao thông... Một hệ thống giao thông thông minh phải quản lý kịp thời thực trạng giao thông, không gây lãng phí, có thể nhận biết chỗ nào ùn tắc để tránh. Theo đó, giúp giảm ùn tắc, làm cho giao thông thông suốt hơn và đem lại một loạt các hiệu quả về kinh tế khác”.