Tập trung giải pháp ngắn hạn và dài hạn
Tại các đô thị, đường giao thông là yếu tố quan trọng kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các đô thị và vùng miền khác. Nếu nhìn một cách tổng quan, Hà Nội vốn dĩ được mệnh danh là vùng đất chật người đông, bởi vậy giao thông về lâu dài chỉ có thể mở rộng vươn lên cao hoặc xuống dưới lòng đất. Tương tự những tuyến đường nội đô khác chỉ có thể mở rộng diện tích mặt đường bằng mọi cách để dành hoàn toàn cho phương tiện giao thông.
Với cách thức tổ chức này, tính đến thời điểm hiện tại, trong khi các dự án đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… đang được tiến hành xây dựng thì Hà Nội vẫn đang nỗ lực triển khai một hệ thống giao thông hữu hiệu với các giải pháp nhằm giảm ùn tắc.
Cụ thể là nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 4 cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống với tổng mức đầu tư khoảng hơn 35.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, đến năm 2021, 4 cây cầu mới là cầu Tứ Liên - cầu Đuống 2 - cầu Trần Hưng Đạo và cầu Giang Biên sẽ được xây mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT hoặc BOT.
Bên cạnh đó, mới đây Hà Nội thống nhất với phương án của Ban Cán sự Đảng UBND TP bổ sung 3 dự án xây dựng cầu vượt vào danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Gồm dự án xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường 2,5), sử dụng ngân sách thành phố; dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường 2,5 với đường Giải Phóng (QL 1A cũ), sử dụng ngân sách thành phố và dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư 3 dự án khoảng trên 1,7 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội cũng đã quyết định cắt xén dải phân cách tại đường Nguyễn Chí Thanh để mở rộng các làn đường. Kế hoạch hứa hẹn đến trước Tết nguyên đán 2018 sẽ hoàn thành để giảm ùn tắc cho tuyến đường này.
Chia sẻ với Reatimes, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải cho hay: “Việc xén hè, xén dải phân cách là những giải pháp tổ chức giao thông. Giải pháp này thì có thể thay đổi liên tục hôm nay xén, hôm sau mở rộng, sau cùng cũng có thể làm lại hoặc dùng các dải phân cách linh động bằng nhựa và bê tông... Chuyện đó là bình thường, cũng là giải pháp trước mắt để giảm ùn tắc giao thông của một đoạn phố đó.
Thực tế là dải phân cách không có nhiều chức năng, mà dải phân cách giữa thì không có chức năng nhiều lắm, chức năng dự trữ đất, ngăn cách giữa hai luống trái chiều nhưng thường thì ở các đường cao tốc mới cần dải phân cách lớn còn những đường trong nội thành thì không bắt buộc. Cây xanh thường là để trang trí đô thị, thành phố, nếu không quá cần thiết thì cũng có thể bỏ”.
Ưu tiên phát triển giao thông tĩnh
Theo các chuyên gia đánh giá, giao thông tĩnh tại Hà Nội là một bộ phận quan trọng của tổ chức giao thông đô thị, là một loại hình dịch vụ, phục vụ không thể thiếu của mỗi đô thị. Theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là có thể giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu về giao thông tĩnh, khả năng kết nối với hệ thống giao thông công cộng đưa vào khai thác trước năm 2020.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66% mỗi năm, ô tô 16,15% mỗi năm, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 983.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Cùng với phát triển hạ tầng, tăng cường đầu tư cho mạng lưới giao thông tĩnh là một yêu cầu bức thiết.
Bởi vậy những năm trở lại đây, trong quá trình xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng, văn phòng hay trung tâm thương mại đều có quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe ngầm với có đủ chỗ cho người dân sống hay làm việc trong mỗi tòa nhà. Thường thì sẽ có 2 đến 3 tầng hầm để xe được phân thành các khu đỗ xe máy, xe ô tô. Thậm chí bãi đỗ xe tầng hầm đã trở thành điều kiện bắt buộc cho các chủ đầu tư mỗi khi trình thiết kế xây dựng công trình.
Với những biện pháp này, phần nào đã đáp ứng tối đa nhu cầu dừng đỗ xe của người dân, cả ở nơi sinh sống, nơi làm việc và nơi vui chơi, giải trí. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia Hà Nội vẫn đang quá tải về giao thông tĩnh.
Theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, để tránh tắc nghẽn giao thông cần có giải pháp tránh tạo ra các luồng giao thông tập trung. Phân tán các luồng giao thông sẽ giảm đáng kể xung đột, khắc phục sự cố của hạ tầng, hệ thống quản lý và người điều khiển phương tiện sẽ cải thiện đáng kể tình hình giao thông ở đô thị.
Nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cho người dân Thủ đô, Hà Nội đang nỗ lực nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nổi; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý và điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng... Nhưng, để giải quyết căn cơ "bài toán" này, về lâu dài, cần quyết tâm và kiên trì thực hiện giải pháp xử lý từ gốc là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân.