Aa

Giải bài toán số lượng và chất lượng lao động ngành xây dựng

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Bảy, 08/07/2017 - 06:00

Trong bối cảnh ngành xây dựng Việt Nam hiện nay đang thiếu về số lượng công nhân và yếu về chất lượng, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có nhiều ngày làm việc với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản để đưa công nhân xây dựng Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập, nâng cao tay nghề.

Xây dựng là một trong những ngành có chỉ số nhân lực tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2005, lao động ngành xây dựng có gần 2 triệu người, chiếm 4,63% lực lượng lao động trong nền kinh tế thì đến năm 2010, con số này đã là 3,1 triệu người, chiếm 6,34%, tăng 1,57 lần về số lượng. 

Tính đến năm 2013, tổng số công nhân lao động ngành xây dựng là 204.097 người, trong đó công nhân xây dựng chiếm tỷ lệ 40,54%, công nhân lắp máy: 13,64%, công nhân sản xuất vật liệu xây dựng: 20,27%, công nhân cơ khí: 11,72% và lao động phổ thông: 13,82%. Tuy nhiên, số lượng công nhân có trình độ cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, công nhân có tay nghề bậc cao (bậc 5, 6, 7 và vượt khung) chỉ chiếm 16,84% còn lại thợ bậc 1, 2 và lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ cao. 

Mặt khác, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, điều kiện sống của người lao động còn nhiều thiếu thốn đã ảnh hưởng đến cường độ và năng suất lao động. Đội ngũ công nhân ngành xây dựng còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Số lượng lao động có trình độ trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật được đào tạo có xu hướng giảm, trong khi đội ngũ thợ bậc cao, lành nghề, chuyên biệt tuổi đời ngày càng cao chậm được bổ sung. Tỷ lệ lao động thủ công, lao động nông nhàn chưa qua đào tạo còn nhiều. Mức độ thành thạo, tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Do đó, nhiều nơi, nhiều lúc một bộ phận lao động ngành xây dựng chưa đáp ứng với yêu cầu trình độ công nghệ và tốc độ phát triển sản xuất của ngành. 

Công nhân lao động ngành xây dựng tại Việt Nam hiện nay đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng

Công nhân lao động ngành xây dựng tại Việt Nam hiện nay đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (ảnh minh họa)

Trước thực trạng này, thực hiện Nghị quyết của Đảng và hính phủ, ngành xây dựng đã chủ động xây dựng, triển khai các chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2020 gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của ngành.

Trong đó, Bộ Xây dựng tập trung thực hiện đồng bộ nhiều công việc quan trọng như quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo thuộc ngành, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Tập trung phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp, xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao trong các lĩnh vực…

Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề ở trình độ sơ cấp nghề, khuyến khích người học lựa chọn danh mục nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đồng thời có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng lao động đã qua đào tạo. 

Góp phần giải quyết bài toán về chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng, với vai trò của mình, Hiệp hội BĐS Việt Nam – VNREA – đã có những hoạt động cụ thể với mục đích tìm kiếm và đưa các cơ hội được học tập, làm việc tại nước ngoài đến với công nhân xây dựng Việt Nam.

Cụ thể, đầu năm 2017, VNREA đã có các phiên làm việc với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản (MLIT) cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản về nội dung xoay quanh hợp tác dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài". Dự án nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo cho các công nhân xây dựng Việt Nam trước khi sang Nhật Bản làm việc, đồng thời tìm kiếm cơ hội việc làm cho tu nghiệp sinh từ Nhật Bản về Việt Nam.

VNREA đã có buổi làm việc với đại diện Bộ bàn về chương trình hợp tác

VNREA đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản bàn về chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài

Theo đại diện MLIT, phía Nhật Bản luôn đánh giá cao tu nghiệp sinh và người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng, bởi họ luôn chăm chỉ và làm việc nghiêm túc. Tuy nhiên, sẽ là tốt nhất nếu các tu nghiệp sinh, trước khi sang Nhật Bản làm việc, được trải qua các lớp đào tạo về ngôn ngữ, kỷ luật lao động, an toàn lao động và cả văn hóa của Nhật Bản để có thể bắt tay vào làm việc luôn. 

Bởi vậy, đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản hy vọng có thể làm việc với VNREA để xây dựng được một chương trình đào tạo cho lao động Việt Nam với những tiêu chuẩn đồng bộ. Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện để các lao động Việt Nam nhận được chứng chỉ đào tạo, một trong những yếu tố quan trọng trong việc xác định nâng cao tay nghề cũng như mở ra khả năng thăng tiến nghề nghiệp.

Trong đó, việc xây dựng giáo trình tiếng Nhật không chỉ đảm bảo nội dung dễ hiểu, diễn đạt rõ ràng mà quan trọng nhất là phải giúp cho lao động Việt Nam hiểu rõ các khái niệm, từ ngữ chuyên môn trong quá trình lao động, tên dụng cụ lao động, vật liệu xây dựng và các từ ngữ sử dụng trong bản vẽ hay quy trình và tiến độ công việc.

Ngoài ra, để người lao động Việt Nam tự đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của mình, VNREA và đại diện MLIT Nhật Bản cũng bàn bạc đến việc đưa vào giáo trình các quy định về an toàn lao động và vệ sinh đối với cả quá trình lao động, dụng cụ lao động và bản thân người lao động.

Giáo trình sẽ hướng tới việc đưa ra nội dung giải thích các công đoạn của một công việc, có những bước thế nào, kèm hình ảnh chi tiết để diễn giải cho các lao động dễ hình dung. 

Đại diện VNREA cũng đề xuất và nhận được sự đồng thuận từ phía Nhật Bản về việc lập một cuốn từ điển chuyên ngành cho lao động ngành xây dựng Việt Nam có thể học tiếng Nhật một cách thuận tiện nhất và VNREA sẽ hỗ trợ phía Nhật Bản xây dựng cuốn từ điển này.

Phó chủ tịch VNREA ông Phan Hữu Thắng, ông Đoàn Văn Bình và Tổng thư ký VNREA Trần Ngọc Quang

Phó chủ tịch VNREA ông Phan Hữu Thắng, ông Đoàn Văn Bình và Tổng thư ký VNREA Trần Ngọc Quang

Đặc biệt, trong quá trình làm việc với đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản, lãnh đạo VNREA nhiều lần khẳng định rằng việc 2 bên hợp tác cần hướng tới giải quyết vấn đề việc làm cho lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Nhật Bản trở về nước.

Ông Trần Ngọc Quang – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam – đề xuất cần xây dựng được cơ sở dữ liệu cho lao động Việt Nam khi về nước. Cơ sở dữ liệu này sẽ là đầu mối giúp các doanh nghiệp muốn tìm kiếm nhân lực và giúp lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Nhật Bản trở về có thể tìm kiếm công việc một cách dễ dàng và phù hợp với trình độ của mình, không lãng phí quãng thời gian học tập, lao động tại Nhật Bản.

Sau nhiều lần làm việc, bàn bạc kỹ lưỡng, đại diện VNREA và đại diện MLIT Nhật Bản đã thống nhất việc xây dựng giáo trình đào tạo cho công nhân xây dựng Việt Nam, trong vòng 4 tháng phải đạt tối thiểu trình độ N5, 6 tháng đạt N4. Việc này đảm bảo cho công nhân xây dựng Việt Nam có được trình độ tiếng Nhật tối thiểu để sinh sống và làm việc an toàn, hiệu quả tại nước Nhật.

Hiện, VNREA và MLIT đang thường xuyên trao đổi, làm việc cùng nhau để xây dựng giáo trình, cuốn từ điển chuyên ngành xây dựng Việt - Nhật, cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, phục vụ cho việc học tập của công nhân Việt Nam và đảm bảo công việc cho công nhân Việt Nam sau khi đi làm việc tại Nhật Bản trở về.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top