Aa

Giải "bài toán" ùn tắc giao thông: Sửa sai!

Thứ Tư, 21/11/2018 - 09:30

Trong xu thế phát triển đô thị hiện đại, để sử dụng đất một cách hợp lý, tránh ùn tắc giao thông, giảm tải áp lực hạ tầng cơ sở..., thì phát triển hệ thống giao thông tĩnh là việc làm cần thiết. Điều này không chỉ liên quan đến đời sống người dân mà còn trở thành thách thức đối với các cơ quan quản lý và điều hành giao thông đô thị.

Tại phiên họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra vào giữa tháng 7/2018, ông Tô Văn Hùng (lúc đó đang là Trưởng ban Đô thị HĐND, hiện là Giám đốc Sở TN-MT) cho biết, toàn Đà Nẵng có hơn 950 ngàn phương tiện cá nhân; trong đó có hơn 865 ngàn xe máy, hơn 6 ngàn xe máy điện và gần 74 ngàn ô-tô.

Đáng chú ý, hiện nay, số lượng phương tiện cá nhân đăng ký mới tiếp tục tăng, nhất là ô-tô. Theo tính toán, mỗi ngày có trên 50 ô-tô đăng ký mới, mỗi tháng Đà Nẵng có thêm hơn 1,5 ngàn ô-tô. Ước tính đến năm 2020, toàn TP có 120 ngàn ô-tô, 1,2 triệu phương tiện giao thông cá nhân. So với dân số hơn 1 triệu người, trung bình mỗi người có 1,2 xe.

Với đà này, Đà Nẵng đối mặt với vấn đề áp lực hạ tầng giao thông công cộng không đáp ứng được lưu lượng phương tiện giao thông, dẫn đến việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, diện tích bến, bãi đỗ xe hiện nay chỉ đáp ứng được 8-10% tổng nhu cầu đỗ xe trong khu vực nội thành; khoảng 90% còn lại tập trung tại các điểm đỗ xe trong khu đô thị, khu chung cư, sân cơ quan, công sở, trường học, khu đất trống... Trong số đó, có không ít phương tiện phải đỗ dưới lòng đường, vỉa hè; nhiều tòa nhà xây dựng dù không đủ chỗ chứa xe nhưng vẫn tận dụng mặt bằng để kinh doanh đẩy phương tiện ra vỉa hè... gây lộn xộn, mất trật tự giao thông.

Theo ông Hùng, giải pháp cho vấn đề đô thị "nóng" này là cần đưa hệ thống giao thông công cộng trở thành lựa chọn của người dân; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo nguyên tắc "không cấm sở hữu phương tiện nhưng hạn chế sử dụng", chẳng hạn khoanh vùng cấm và có lộ trình cấm xe máy, sở hữu ô-tô có điều kiện, thu phí chống ùn tắc giao thông hay giới hạn số lượng ô-tô đăng ký lưu hành...

Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có một số bãi đỗ xe công cộng nằm trong các khu đô thị, trung tâm thương mại. Một số bãi đỗ xe công cộng ngầm dưới các khu vực quảng trường, vườn hoa, đường phố theo quy hoạch cũng đã được kêu gọi đầu tư và chấp thuận cho một số nhà đầu tư triển khai nghiên cứu thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn đang trong tình trạng ì ạch.

Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh đến năm 2020, TP sẽ có 158 bãi đỗ xe, trong đó 17 bãi đỗ đã và đang đầu tư. Q. Sơn Trà quy hoạch 25 bãi đỗ nhưng mới triển khai được 2 dự án. Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án xây dựng bãi đỗ xe, ngoài chuyện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, vướng nhiều thủ tục thì kinh phí đầu tư ban đầu cho các bãi đỗ xe là khá lớn... nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà. Chưa kể, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế nhưng vẫn đề xuất nghiên cứu dự án để giữ đất chứ chưa thật sự triển khai.

Để giải được bài toán thiếu điểm đỗ xe, Đà Nẵng cần phải có quy hoạch, khai thác tối đa quỹ đất hiện có, cùng với đó tạo cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong việc áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý. TP cần có chính sách quản lý và giám sát việc triển khai thực hiện xây dựng các bãi đỗ xe thông minh sao cho hợp lý, góp phần giảm tải cho hạ tầng giao thông vốn đang trở nên rất ngột ngạt trong những năm gần đây.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP, trong những năm qua tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang tạo ra áp lực lớn về hạ tầng, nhà ở, văn phòng, giao thông và không gian công cộng. Quỹ đất bề mặt của TP gần như cạn kiệt, không gian xanh, không gian công cộng ngày một thu hẹp, do vậy việc phát triển đô thị phải hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả về chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị. Nhưng hiện nay, TP chưa thật sự quan tâm nhiều đến vấn đề không gian ngầm nên đã dẫn đến nhiều bất cập trong việc phát triển không gian đô thị. Do chưa có quy hoạch tổng thể cũng như các quy định về quản lý phát triển không gian ngầm nên khi triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng các công trình ngầm (metro ngầm, bãi đỗ xe ngầm...) đã và đang phát sinh hàng loạt các vấn đề về quy hoạch, làm đau đầu các nhà tư vấn, các nhà quản lý đô thị cũng như các nhà đầu tư và khai thác.

Để phát triển bền vững hệ thống GTVT TP, theo lãnh đạo Sở GTVT, trước hết cần phải dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh phải đạt bình quân  15-20% đất đô thị. Bên cạnh đó, cần quy hoạch phát triển giao thông ngầm đồng bộ với quy hoạch phát triển không gian ngầm của TP nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ và các công trình phục vụ lợi ích công cộng.

Cũng theo Sở GTVT, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, việc kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình dưới mặt đất là để đô thị được phát triển hài hòa và bền vững. Việc sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai cũng như bố trí hợp lý các công trình dưới mặt đất sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống người dân và giúp sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất xây dựng đô thị để xây dựng các công trình tiện ích khác đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị...

Từ mục tiêu này, Sở GTVT TP đưa ra đề xuất về công tác quy hoạch và quản lý không gian ngầm và giao thông ngầm cho Đà Nẵng. Cụ thể, trong quy hoạch xây dựng đô thị, các phương án về kết cấu đô thị và tổ chức phân khu chức năng cần phải kết hợp xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm và hướng sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại trung tâm chính đô thị và các khu vực, các vùng dân cư tập trung và dọc các trục đường phố chính.

Quy hoạch xây dựng ngầm phải chủ ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn và giá trị của công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẵn có để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top