Phải khẳng định rằng, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cho đến nay, diện mạo đô thị Đà Nẵng đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Riêng lĩnh vực giao thông, cùng với đầu tư xây dựng mới một số công trình giao thông trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường và các nút giao thông đã được cải tạo, mở rộng... góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại... Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là khu vực trung tâm Đà Nẵng đang chịu một áp lực ngày càng gia tăng, nảy sinh tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm. Đã đến lúc "bài toán" kẹt xe, ùn tắc giao thông được đặt ra và cần sớm tìm lời giải!
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng, đến năm 2016, dân số Đà Nẵng đã là 1,05 triệu người, trong đó gần 40% tập trung chủ yếu ở 2 quận Thanh Khê và Hải Châu (hơn 403 ngàn người). Mật độ đường cấp khu vực chỉ mới đạt từ 6,15-7,25 km/km2, còn thấp so với quy định (10,5 - 14,5 km/km2). Trong khi đó, nhu cầu đi lại trên 2 địa phương này là rất lớn, do đây là nơi tập trung nhiều hoạt động hành chính, thương mại dịch vụ.
Trong vài năm trở lại đây, bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm; tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính như Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh, 2 tháng 9, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Bạch Đằng,... xảy ra thường xuyên, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Do vậy, nếu không có các chính sách nhằm cải thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất đô thị theo hướng tích hợp, hay các chính sách về quản lý giao thông và nhu cầu giao thông phù hợp thì tình trạng ách tắc, an toàn giao thông của thành phố sẽ trở thành vấn đề nan giải. Chính vấn đề này sẽ góp phần làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo dự báo, mạng lưới đường hiện trạng Đà Nẵng sẽ rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng trước năm 2020.
Thực tế cho thấy, Đà Nẵng hiện có nhiều nút giao thường xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, điển hình là nút giao phía tây cầu sông Hàn, cầu Rồng, nút cầu Trần Thị Lý (đường Duy Tân và đường 2 Tháng 9), nút phía tây cầu Tiên Sơn, nút Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đình Lý, nút Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành, nút Hải Phòng - Hoàng Hoa Thám... Điều này tạo ra nỗi lo đối với những người thường xuyên phải di chuyển hằng ngày tại những tuyến đường có nút giao.
Anh Nguyễn Ngọc Nam, (nhà ở Q. Sơn Trà), công tác tại một doanh nghiệp có trụ sở đóng tại Q. Hải Châu cho biết: "Mỗi lần, nhất là vào các giờ tan tầm buổi chiều lưu thông qua các nút giao này thực sự là cả vấn đề, thậm chí nhiều lúc cảm thấy khá áp lực khi phải di chuyển để kịp thời gian đón con đi học về".
Không chỉ tại các nút giao thông giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng kẹt xe, ngay khu vực trung tâm các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh..., việc tìm ra chỗ để đậu đỗ xe trong giờ hành chính cũng là vấn đề nan giải, nhiều lúc còn có cả yếu tố... may mắn. Anh Nguyễn Văn Cường (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cho biết: Mỗi lần có việc phải qua khu vực trung tâm thành phố (cụ thể là Q. Hải Châu) có việc với anh là mỗi lần cực hình. Đi xe máy thì xa, mà đi ô-tô thì không biết gửi chỗ nào. Có lần anh đi ô-tô đến đường Hoàng Diệu nhưng lòng vòng mấy dãy phố không tìm được nơi đỗ xe, cuối cùng phải "gửi tạm" trước cửa nhà dân cách đó khoảng 100 mét rồi đi bộ đến điểm cần đến. Sau lần ấy, mỗi khi cần qua trung tâm thành phố, anh Cường cho biết "đều đi taxi hoặc xe máy cho tiện".
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài các tuyến đường trung tâm người dân thường phải "ăn cắp" diện tích của giao thông tĩnh để dừng, đỗ xe, thì tại các nút giao thông nói trên đã quá tải với lưu lượng xe ngày càng tăng vào giờ cao điểm, đặc biệt từ 17-19 giờ. Đây là các nút giao với nhiều luồng xe giao cắt phức tạp gồm nhiều hướng vào và ra.
Theo Sở GTVT thành phố, về cơ sở hạ tầng giao thông, có một thực trạng hiện nay là tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, phân bố không đều giữa các quận trung tâm và các quận vùng ven. Tỷ lệ diện tích dành cho giao thông trung bình chỉ khoảng 4,2%, trong đó khu vực trung tâm là 10,3%. Mạng lưới đường phân bố không đều, chưa có hệ thống đường vành đai và xuyên tâm hoàn chỉnh để kết nối thuận lợi vùng ngoại ô với trung tâm thành phố.
Tình trạng kỹ thuật của mạng lưới đường không đồng đều, một số tuyến có tiêu chuẩn hình học thấp và các chỉ tiêu khai thác chưa đạt yêu cầu. Quy mô hầu hết các tuyến đường trong nội đô còn nhỏ hẹp và chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại, khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn nên ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ di chuyển của các loại phương tiện. Cụ thể, nút giao phía tây cầu Rồng có đến 7 ngã giao với đường Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, đường 2 Tháng 9, đường Trần Phú, đường Bạch Đằng, đường Trưng Nữ Vương. Song song đó, nút giao đường Duy Tân với đường 2 Tháng 9, nút giao phía tây cầu Tiên Sơn có nhiều dòng xe từ các nhánh tập trung vào nút lớn tạo thành các điểm giao cắt phức tạp, hình thành những "điểm nóng" về giao thông.
Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho đậu đỗ xe trong nội đô còn thấp, chỉ chiếm 0,2% diện tích đất đô thị và mới đáp ứng 2,6% nhu cầu; ô-tô và xe máy đậu trên đường và vỉa hè đã lấn chiếm một phần làn đường và gây khó khăn cho người đi bộ.
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng nhìn nhận, vài năm trở lại đây, sự phát triển vượt bậc về lượng phương tiện cá nhân, cả ô tô và xe máy, cộng với lượng xe du lịch tập trung đón, chở khách tại khu vực trung tâm khiến giao thông nội đô càng trở nên bức bách. Các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông mà các ngành chức năng thành phố triển khai thời gian qua, nhất là tại các nút giao thông trọng điểm như tổ chức giao thông theo dạng hình xuyến tự điều chỉnh với các đảo xuyến, đảo hướng dẫn, phân luồng bằng đảo mềm lắp ghép để có thể thay đổi theo yêu cầu giao thông thực tế chỉ là giải pháp tình thế. Đã đến lúc cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để giải quyết "bài toán" này, trước khi quá muộn.