Giải mã hiệu ứng tâm lý và vấn đề khôi phục niềm tin nhà đầu tư trên thị trường tài chính

Giải mã hiệu ứng tâm lý và vấn đề khôi phục niềm tin nhà đầu tư trên thị trường tài chính

Thứ Sáu, 11/11/2022 - 06:24

Việt Nam đang là điểm sáng khi nền kinh tế duy trì tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái. Tuy nhiên, trái ngược với những khởi sắc trong kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính Việt Nam đang trải qua thời kỳ biến động mạnh, chứng khoán sụt giảm, trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, theo đó, thị trường bất động sản cũng rơi vào trạng thái trầm lắng.

Tâm lý hoang mang, lo lắng bao trùm, nhà đầu tư bắt đầu có những phản ứng thái quá khiến thị trường có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế đang tắc nghẽn khiến "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp bị suy yếu. Vấn đề khôi phục niềm tin, tái lập thanh khoản cho thị trường tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhằm đưa tới độc giả những thông tin phân tích chuyên sâu, khoa học từ các chuyên gia kinh tế - tài chính về vấn đề khủng hoảng niềm tin, nhận diện nguyên nhân, hệ lụy, cũng như tìm ra giải pháp ứng phó kịp thời, Reatimes triển khai tuyến bài "Khôi phục niềm tin nhà đầu tư trên thị trường tài chính"

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đang là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khi GDP quý I/2022 đạt 5.03%, quý II đạt 7.72%, quý III đạt 13.67% và sau 3 quý là 8,83%. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Bất chấp các biến số kinh tế vĩ mô ấn tượng, thị trường chứng khoán vẫn chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, bất động sản trầm lắng. Tâm lý tiêu cực, mất niềm tin đang bao trùm lên các thị trường. 

Nhiều chuyên gia nhận định, để đưa thị trường vượt qua khủng hoảng, song hành với việc giải quyết các bất cập nội tại là vấn đề khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Hơn lúc nào hết, việc lấy lại lòng tin, đảm bảo lợi ích trên hết của nhà đầu tư trong một thị trường tài chính an toàn, lành mạnh và bền vững là điều mà mọi chủ thể trên thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đang mong chờ.

Để giải mã hiệu ứng tâm lý trong cuộc khủng hoảng niềm tin này và góp phần tìm ra giải pháp đối phó hiệu quả, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Đại Nam, kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Lendbiz.

 NHIỀU BIẾN ĐỘNG TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

PV: Những biến động của lãi suất và tỷ giá tác động như thế nào đến thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản ở Việt Nam, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Ngày 2/11, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ tư liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008, dẫn đến lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 3,75 - 4%, nhằm mục tiêu trên hết là kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh sau đại dịch, nhiều nền kinh tế trên thế giới rơi vào bất ổn. Với đặc thù của nền kinh tế quy mô nhỏ, độ mở cao và dễ bị tổn thương, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng khi FED tăng lãi suất. Như vậy, kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm % trong các phiên họp chính sách vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.

Nền kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực khá mạnh từ diễn tiến lạm phát cả ở trong và ngoài nước. Cuối tháng 3 năm nay, nguy cơ lạm phát rất rõ đến từ cú sốc tăng giá xăng dầu - nguồn cung nguyên liệu đầu vào tối quan trọng của nền kinh tế. Trong khi Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu dầu thô, nhập về 65 - 70% sản phẩm hóa dầu nên tác động của vấn đề này rất lớn.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên độ mở cửa cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài, nhất là các ngành xuất khẩu như da giày, dệt may, nông sản,... Khi đứt gãy chuỗi cung ứng kết hợp giá cả đầu vào tăng cao khiến áp lực lạm phát trong nước tăng đáng kể. Yếu tố lạm phát kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp vẫn khá cao, dẫn đến xu hướng đẩy dòng tiền vào lưu thông, tiêu dùng, đầu tư hay mua hàng lưu kho phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh. Như vậy, áp lực lạm phát tiếp tục bị đẩy lên buộc Ngân hàng Nhà nước (SBV) phải tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát. Mặt khác, tỷ giá cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên, hiện đang ở mức gần 25.000 VNĐ/USD khi nới biên độ từ +-3% lên +-5%. Với sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, kết quả rất đáng khích lệ là chỉ số lạm phát đang được kiểm soát ở mức hợp lý.

Những biến động về lãi suất và tỷ giá kéo theo biến động của thị trường tài chính, nhất là lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm nhưng chức năng cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của thị trường vốn chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế này đặt gánh nặng lên vai các ngân hàng thương mại, dẫn đến dư nợ tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh.

Hiện tại, room tín dụng đang cạn, cộng với lãi suất tăng đang gây áp lực cực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Từ nay đến cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục tăng vào cuối năm nay. Kịch bản này sẽ tác động rất mạnh và trực tiếp đến các bên liên quan và làm suy giảm nghiêm trọng tính thanh khoản trên thị trường.

PV: Bất chấp những chỉ số vĩ mô lạc quan, cổ phiếu vẫn lao dốc, nhà đầu tư quay lưng với trái phiếu doanh nghiệp, còn thị trường bất động sản đang trầm lắng. Ông có thể lý giải rõ hơn về hiện tượng này và hệ lụy nếu có?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Việt Nam đang là điểm sáng về kinh tế do chúng ta xử lý bài toán chính sách khá tốt, đánh đúng và trúng vào điểm nghẽn, ngoại trừ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Diễn tiến thị trường chứng khoán và bất động sản đang ngược lại so với bối cảnh kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề với cách tiếp cận động thì sẽ nhận ra tính logic nhất định.

Khi kinh tế tăng trưởng thì các doanh nghiệp sẽ hút vốn vào quá trình sản xuất kinh doanh, phần nào làm giảm lượng vốn chảy vào thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản. Lãi suất huy động tăng lên và việc điều chỉnh tỷ giá dẫn đến dòng tiền thực vào các thị trường trên giảm xuống. Mặc dù thị trường chứng khoán có vốn ngoại, nhưng quy mô không lớn và tỷ trọng không cao.

Riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều nghịch lý vẫn đang tồn tại. Trong khi kinh tế Việt Nam chưa chắc chắn trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong 5 - 7 năm nữa, thì thu nhập của hộ gia đình vẫn luôn không theo được giá nhà đất. Lĩnh vực bất động sản còn khắc nghiệt ở chỗ sóng diễn ra ngắn, dù tần suất không cao như chứng khoán nhưng lại có sự chênh lệch lớn giữa giá thấp nhất và cao nhất trong một chu kỳ, điều này tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt lớn, kéo các nhà đầu tư không chuyên vào cuộc chơi. Hơn nữa, với một thị trường có tỷ suất đầu tư cao buộc hầu hết nhà đầu tư phải dùng đòn bẩy tài chính. Vốn vay càng nhiều, rủi ro càng cao khi thị trường đi xuống. Với mặt bằng lãi suất tăng cao như hiện nay, nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ sâu và đau đớn rút lui khỏi thị trường, nhà đầu tư tiềm năng từ bỏ ý định tham gia thị trường là nguyên nhân chính khiến thị trường trầm lắng.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quay lưng sau những thông tin thiếu tích cực trên thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay các yêu cầu của Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư thì mất niềm tin nên trái phiếu có phát hành cũng không giao dịch được. Bên cạnh đó, đa phần trái chủ còn nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành với bảo lãnh thanh toán, hay xem trái phiếu như một sản phẩm tiết kiệm nên thường dựa vào lãi suất để mua, nếu không tìm hiểu kỹ thêm về doanh nghiệp thì dễ thành “trái đắng”, mất niềm tin. Vòng luẩn quẩn này đang tạo những áp lực khó khăn lên thị trường.

Nhìn chung, ở Việt Nam, số lượng nhà đầu tư lướt sóng chiếm tỷ lệ lớn. Họ thường không quan tâm đến báo cáo tài chính hay các chỉ số vĩ mô cơ bản, mà quyết định mua hay bán chủ yếu bị dẫn dắt bởi các hiệu ứng của tài chính hành vi. Sự lao dốc của các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều điểm tương đồng, là đều chịu ảnh hưởng của những thông tin thiếu chính xác hay những tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội. Dường như xu hướng tâm lý đám đông tiêu cực đang phủ bóng lên khắp các thị trường. Điều này có thể lý giải từ góc độ những hiệu ứng tâm lý khác nhau.

"SỨC MẠNH" CỦA TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG TIÊU CỰC

PV: Ông có thể lý giải rõ hơn, hiệu ứng tâm lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường bất động sản, chứng khoán như thế nào?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Có nhiều hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến hành vi của nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, hiệu ứng tự tin thái quá, hiệu ứng đám đông, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), sợ thua lỗ có sức ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường chứng khoán, bất động sản, đặc biệt khi lý thuyết thị trường hiệu quả không phát huy tác dụng. Tổ hợp của những hiệu ứng trên kết hợp với thông tin không hoàn hảo sẽ khuyếch đại tâm lý thị trường có thể lên đến mức khủng hoảng.

Các hiện tượng tương tự cũng diễn ra trên thị trường bất động sản. Không ít nhà đầu tư kiếm được bạc tỷ trong một thời gian ngắn tạo ra ma lực hấp dẫn giống như thời kỳ đầu của vàng hay chứng khoán. Vì vậy khi giá đất tăng, người ta lao vào mua vì cho rằng giá sẽ còn tăng nữa. Chính vì hiệu ứng FOMO mà giá đất nhiều khu vực tăng chóng mặt. Hệ lụy thị trường trầm lắng bây giờ một phần cũng do giá đất bị neo quá cao so giá trị thực.

Có thể nói, các hiệu ứng trên đã và đang tác động mạnh, góp phần tạo ra những biến động lớn trên thị trường tài chính Việt Nam. Trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, xu hướng tâm lý đám đông tiêu cực là một trong những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt và giải quyết nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường bất động sản, chứng khoán và cả trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

PV: Đúng là trước những chỉ số vĩ mô lạc quan, hoặc có bằng chứng rõ ràng về những tin đồn liên quan đến thị trường tài chính trên mạng xã hội là vô căn cứ thì các nhà đầu tư vẫn mang tâm lý tiêu cực, tại sao lại thế, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Điều này có liên quan đến một trong những hiệu ứng tâm lý, đó là hiệu ứng mỏ neo. Tâm trí con người thường bị neo ở thông tin đầu tiên, từ đó ra quyết định thiếu tỉnh táo. Khi tiêu cực, lo lắng, hoang mang là hiệu ứng tâm lý phổ biến, khả năng ra quyết định của các nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, những chỉ số vĩ mô có thể tốt với những nhà đầu tư có tổ chức, quy mô lớn, chuyên nghiệp, còn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mối quan tâm của họ là những diễn tiến sát thực trên thị trường. Đơn cử như nhà đầu tư chứng khoán quan tâm giá cổ phiếu đang nắm giữ lên hay xuống trong phiên giao dịch, nhà đầu tư bất động sản quan tâm đến tài sản hiện đang nắm giữ vẫn sinh lời tốt, tính thanh khoản cao chứ không quan tâm đúng mức đến xu hướng của thị trường trong trung hạn. Các nhà đầu tư cá nhân thường bị cảm xúc chi phối, trong khi đó, ảnh hưởng của cảm xúc vào quyết định đầu tư càng lớn, xác suất thua lỗ càng cao.

 PV: Như vậy, nguyên nhân các thị trường lao dốc hay trầm lắng không chỉ đến từ chính bản thân thị trường mà còn bị trầm trọng thêm do suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, vô hình trung nhà đầu tư đang đào sâu thêm khủng hoảng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 TS. Nguyễn Hoàng Nam: Đúng là nội tại của hai thị trường này đã và đang gặp nhiều yếu tố bất lợi. Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tình trạng vừa thừa vừa thiếu trên thị trường bất động sản. Cụ thể, phân khúc nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp và trung bình đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, trong khi phân khúc cao cấp dành cho người giàu đang tương đối dư thừa.

Điều doanh nghiệp lo ngại vào thời điểm này không chỉ là công nợ, mà là vấn đề đứt gãy dòng tiền. Đối với một số doanh nghiệp điều này có thể đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản trị vận hành, thậm chí ảnh hưởng mạnh đến điểm tín dụng, đến uy tín của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư tiềm năng đang nghe ngóng, e dè; nhà đầu tư hiện tại đang muốn thoát ra, hàm ý thị trường đang đi xuống. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư đang suy giảm khiến thị trường đầu tư tài chính vốn nhạy cảm sẽ càng nhạy cảm hơn, đôi chỉ chỉ một tin đồn vô căn cứ cũng làm rung lắc toàn thị trường. Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán và bất động sản đều rơi vào tình trạng trầm lắng. Dường như khủng hoảng niềm tin đang lan rộng, mà nếu không quản trị kịp thời thì kết cục có thể sẽ còn xấu hơn nữa.

VỰC DẬY NIỀM TIN ĐỂ KHÔI PHỤC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

PV: Vâng thưa ông, kết cục xấu là điều không ai mong muốn. Ở thời điểm khó khăn này, việc khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn đến từ bản thân thị trường, việc khôi phục niềm tin để nhà đầu tư hiện tại ở lại thị trường và nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng tham gia là việc có ý nghĩa lớn để vực dậy các thị trường ở thời điểm này. Những thông tin chính thống, chính xác được đăng tải kịp thời là rất quan trọng để thị trường có điểm tựa, nhà đầu tư bình tĩnh và hành động sáng suốt thay vì đổ xô cắt lỗ sâu hay quay lưng với thị trường.

PV: Ông nhận xét gì về hoạt động đối phó với những tin đồn trên mạng của cơ quan chức năng?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Hiện tại, các chính sách của Chính phủ cũng đang hướng đến vấn đề khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư dành cho thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý đang phản ứng nhanh và mạnh trước những tin đồn vô căn cứ trên mạng. Mới đây, tại phiên họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Tô Ân Xô đã lên tiếng phủ nhận những tin đồn liên quan đến một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một vài nhân vật có ảnh hưởng trên mạng đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến thị trường cũng bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí là khởi tố hình sự.

PV: Ông kỳ vọng gì vào việc tháo gỡ thanh khoản của thị trường trong năm 2023? Việc điều hành chính sách có vai trò gì trong việc tháo gỡ những nút thắt hiện có, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Sẽ còn rất ít dư địa cho đầu cơ bất động sản trong năm 2023 khi khung pháp lý ngày càng chặt chẽ, hướng đến sự minh bạch. Hiện tượng lướt sóng sẽ ngày càng trở nên ít đi. Ở lại thị trường là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư dài hạn, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý. Biên lợi nhuận sẽ giảm mạnh so với các năm 2021, 2022. Nếu không có khả năng tự doanh thì các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ có thể gửi vốn vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Đây là những tổ chức có hoạt động đầu tư bài bản, đặc biệt là các quỹ này tận dụng được lợi thế để lập và quản trị danh mục đầu tư nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho các bên liên quan.

Hiện tượng cắt lỗ sâu đã tương đối phổ biến trên cả hai thị trường chứng khoán và bất động sản. Nhà đầu tư cần có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, thị trường sẽ không thể và không nên phục hồi như trước, mà sẽ dựa trên nền tảng minh bạch, bền vững. Nhà đầu tư dài hạn cần đặt niềm tin vào việc các cơ quan quản lý đang sửa đổi khung pháp lý để tạo điều kiện cho các thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các chủ thể tham gia thị trường./.

- Xin cảm ơn ông!

Thế Công
11/10/2022 15:55
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top