Aa

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ

Thứ Năm, 03/12/2020 - 11:10

Nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2020.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo riêng về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng) (cùng kỳ năm 2019 đạt 53,96% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 58,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó vốn nước ngoài là 20.586,26 tỷ đồng (đạt 40,21% kế hoạch).

Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020 đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch.

“Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11 năm 2020. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30 tháng 11 năm 2020 đạt trên 75%, trong đó 09 Bộ, cơ quan trung ương và 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn.

Một dự án đầu tư công tại TP.HCM đang thi công. Ảnh: SGGP

Tuy nhiên, có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 07 Bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến ngày 25/11, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 7.864,712/10.828,276 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch năm 2020), đạt 72,6%.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành kém tích cực hơn. Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018 - 2020 là 18.195,035 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỷ đồng).

Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt các Sở ban ngành tích cực triển khai, thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay là 4.096,052 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực xây dựng cảng Hàng không (5.000ha) và sẽ giải ngân toàn bộ số vốn năm 2020 đã được giao.

Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tại Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định giao 932 tỷ đồng cho dự án. Đến nay, dự án đã giải ngân được 634 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch.

Phải bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, phân tích trong các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, tại các Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới một số nguyên nhân chủ yếu như công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chưa sát với thực tế, khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công, đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ đầu tư chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng. Thời tiết bão, lũ thất thường, mưa bão tại các địa phương miền Trung ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi…

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, còn các nguyên nhân khác như thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn; các quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp...

Chỉ còn 2 tháng là kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công năm năm 2020, trong khi số vốn ngân sách nhà nước còn lại, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn lại tương đối lớn. Để phấn đấu giải ngân hết số vốn ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cần tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; các văn bản của VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ với tốc độ giải ngân trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. 11 tháng đạt gần 80% kế hoạch năm, tăng trên 34 % so với cùng kỳ năm trước. Tháng 12 này là tháng dấu ấn để chúng ta thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ bản. Với khối lượng vốn lớn nhất cần thực hiện là ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết giải ngân 100%. Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng cam kết sẽ giải ngân gần 100%.

“Đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí”, Thủ tướng yêu cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top