Quyết liệt chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải ngân đầu tư công
Tại Hội nghị, các báo cáo và ý kiến phát biểu đều thống nhất đánh giá: ngay từ đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao và đồng bộ đối với công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một trong những điểm nhấn là việc hoàn thiện thể chế đầu tư công, nổi bật với Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Luật này mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc tăng cường phân cấp, phân quyền.
Các quy định mới đáng chú ý bao gồm: Tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; Trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản với các dự án nằm trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về phân cấp, phân quyền, nhiều thẩm quyền quan trọng đã được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và sát thực tiễn hơn: Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ; Phân cấp thẩm quyền gia hạn bố trí vốn ngân sách Trung ương từ Thủ tướng cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; Phân cấp thẩm quyền phân bổ, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép doanh nghiệp nhà nước được làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thể hiện quyết tâm ngay từ đầu năm, ngày 08/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh yêu cầu có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và kịp thời để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm và chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Chỉ thị, 3 Công điện cùng nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các công điện, chỉ thị về phát triển kinh tế cũng đều tích hợp nội dung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công như một giải pháp quan trọng.
Cùng với đó, đã tổ chức 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và lĩnh vực đường sắt. Các nội dung liên quan đến đầu tư công luôn được đưa vào chương trình làm việc của các phiên họp Thường trực Chính phủ, Chính phủ thường kỳ và các cuộc họp chuyên đề của các bộ, ngành, thể hiện rõ tính xuyên suốt, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành.
Đặc biệt, 7 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Song song đó, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động thành lập Tổ công tác riêng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị mình.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ
Theo các báo cáo và ý kiến tại hội nghị, ngay từ ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan và địa phương với tổng số vốn gần 829.400 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ. Việc giao vốn sớm thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Tính đến ngày 30/4/2025, ước giải ngân vốn đầu tư công trên phạm vi toàn quốc đạt 128.500 tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy tỷ lệ này thấp hơn mức 16,64% cùng kỳ năm 2024, nhưng giá trị tuyệt đối cao hơn khoảng 18.000 tỷ đồng – cho thấy quy mô đầu tư lớn hơn và tiến độ giải ngân được đẩy mạnh theo hướng thực chất.
Có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình. Nhiều đơn vị được giao vốn lớn và có kết quả giải ngân tích cực, nổi bật như:
Bộ Quốc phòng: được giao trên 23.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 16,3%; Bộ Công an: 4.100 tỷ đồng, giải ngân đạt 27,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 22.300 tỷ đồng, giải ngân đạt 16,6%; Thanh Hóa: 13.300 tỷ đồng, đạt 39,2%; Hà Nam: 10.600 tỷ đồng, đạt 38,4%; Lâm Đồng: 7.240 tỷ đồng, đạt 30,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu: 13.800 tỷ đồng, đạt 26,6%.
Riêng các chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân đạt 21,4% kế hoạch, cao hơn mức 19,5% cùng kỳ năm 2024.
Nhiều dự án, đặc biệt là các công trình quan trọng quốc gia, đang được triển khai khẩn trương với khí thế thi công sôi nổi, quyết liệt – "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Các dự án trọng điểm về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… đều được ưu tiên bố trí vốn và tập trung thi công.
Đặc biệt, cả nước đã đồng loạt khởi công và khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có những dự án quan trọng như đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, thông xe tuyến chính của 5 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Nhiều nhà thầu, cơ quan quản lý đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thi công các công trình lớn như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bến cảng số 3–6 khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), các hầm lớn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam…

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhiều tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc khắc phục
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến phát biểu, ghi nhận những kết quả nổi bật, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ ý kiến, sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Kết luận với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", làm cơ sở tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình cả nước. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cán bộ, công nhân, người lao động trên các công trường và nhân dân đã nhường đất đai, nơi ăn chốn ở, sinh kế, nơi thờ tự… cho các dự án, thể hiện niềm tin với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển hạ tầng chiến lược.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Hiện có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn với tổng số gần 8.000 tỷ đồng, phải hoàn thành trong tháng 5. Có tới 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình, trong đó không ít đơn vị được giao vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp.
Tiến độ giải ngân một số dự án quan trọng quốc gia và các dự án giao thông trọng điểm do địa phương quản lý còn chậm, như cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La; Gia Nghĩa – Chơn Thành; vành đai 4 TPHCM; Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương...
Theo Thủ tướng, khó khăn chủ yếu nằm ở giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu và giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc còn thiếu thường xuyên; một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ chỉ đạo. Việc triển khai kết luận, chỉ đạo của Chính phủ có nơi còn chậm trễ. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng hiệu quả thực thi chính sách.
Phân tích nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài; nơi nào Bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa đồng lòng thì giải phóng mặt bằng chậm. Năng lực ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, đơn vị tư vấn, nhà thầu còn yếu. Tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn tồn tại. Sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương thiếu chặt chẽ.
Rút ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.
Cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò người đứng đầu; phân cấp, phân quyền rõ ràng, cá thể hóa trách nhiệm. Địa phương phải tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc theo nguyên tắc: "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống, tổ chức thực hiện, tháo gỡ từ dưới lên", đồng thời đảm bảo nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; giải phóng mặt bằng phải nhanh, dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, đồng thời chăm lo tốt đời sống bà con. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính phức tạp; phát huy trách nhiệm, lựa chọn nhà thầu đúng năng lực; phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Thực hiện sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, xử lý, kỷ luật kịp thời, công khai, minh bạch.
Rà soát, xử lý nghiêm các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công
Về định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Việc này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân, đặc biệt tại các vùng khó khăn; đồng thời mở rộng không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực xã hội, lấy nguồn lực nhà nước làm đầu tàu kích hoạt các nguồn lực khác, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển.
Thủ tướng chỉ rõ sáu nhiệm vụ tổng quát, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu, tăng cường chỉ đạo sát sao, chủ động và tích cực tổ chức thực hiện. Cần thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại đơn vị và công trường để đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, triển khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá đầu tư công, đặc biệt về đất đai, môi trường và đánh giá năng lực các nhà thầu. Tinh thần hành động được nhấn mạnh: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; với các dự án khó, phức tạp thì Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo, đồng thời vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt quan tâm đến quyền lợi, chỗ ở của người dân gặp khó khăn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ liên quan phải hoàn thành hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá trước ngày 15/6.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan quy hoạch, các bộ ngành chủ động xử lý theo thẩm quyền. Các bộ, cơ quan cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn phân cấp, phân quyền quản lý và thực hiện dự án đầu tư công tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền hai cấp, nhằm không để gián đoạn công việc.
Công tác chuẩn bị đầu tư phải được nâng cao, đặc biệt là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiệm kỳ tới với số lượng dự án dưới 3.000, tránh dàn trải.
Về vốn ODA, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất sửa đổi các nghị định, luật liên quan; nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ được xử lý ngay, còn nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội cần báo cáo để trình trong thời gian sớm nhất.
Trong công tác đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu trình Quốc hội, đồng thời các bộ, địa phương phải tăng cường trách nhiệm lựa chọn nhà thầu uy tín, có năng lực. Các Phó Thủ tướng sẽ hỗ trợ, kiểm tra việc này.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nội vụ được giao tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; nếu còn vướng mắc sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên; trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công – tư trong triển khai dự án; đặc biệt, với các dự án mở rộng tuyến cao tốc đã vận hành, nên giao cho các doanh nghiệp uy tín, năng lực đã được chứng minh.
Phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên toàn quốc, chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Các cơ quan cũng cần chuẩn bị khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 gồm: 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng…
Đặc biệt lưu ý phải bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, không để đội vốn, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và vệ sinh môi trường; đồng thời phòng chống tham nhũng, tiêu cực nghiêm túc.
Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cũng như các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao. Những bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành phải bị xử lý nghiêm minh. Kết quả giải ngân được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công việc và cán bộ quản lý./.