Aa

Giải ngân vốn đầu tư công thấp, giải quyết hệ lụy “có tiền không tiêu được“

Thứ Hai, 06/03/2023 - 10:55

Thúc đẩy, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề.

Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 2 tháng đầu năm đạt 6,55% kế hoạch vốn giao, tương đương với trên 49.247 tỷ đồng đã được giải ngân.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

Theo đó, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%); có 50/52 bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là trên 764.384 tỷ đồng, không bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển (đã giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 18/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023) hỗ trợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tổng vốn này chưa bao gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang (do hiện nay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang báo cáo cấp có thẩm quyền về việc kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2023). Trong đó, vốn trong nước trên 735.384 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công gần 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của 49 bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Còn lại 3 bộ, cơ quan trung ương (gồm: Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Công ty thuốc lá) Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023.

Nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương đưa ra là do vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023; đồng thời, một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1; một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương.

Trước đó bàn về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Vướng mắc hiện có 2 vấn đề. Thứ nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và vấn đề thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.

"Khi có tiền, mới được lập dự án đầu tư. Thế nhưng, khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được. Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết".

Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng: Các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững,…

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng: Theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. "Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng chia sẻ: Hiện một dự án "thông đầu này thì bị chặn ở các đầu khác" như nghẽn về đất đai, môi trường, trong khi chậm 1 - 2 tháng thì không thể thực hiện đồng thời được. "Mong Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này", lãnh đạo Hà Nội đề nghị. Hiện nhiều địa phương đang vướng quy định tại Luật Đầu tư công, là phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. Vấn đề này cần được tháo gỡ. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tính bình quân, kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao, mỗi tháng cả nước phải giải ngân gần 59.000 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày khoảng 1.900 tỷ đồng). 

Trong khi 2 tháng đầu năm vừa qua, trung bình mỗi tháng cả nước mới giải ngân được hơn 24.600 tỷ đồng, chỉ bằng 40% kế hoạch đề ra. Nếu chuyển hơn 68.800 tỷ đồng vốn chưa được giải ngân đúng kế hoạch của 2 tháng đầu năm sang 10 tháng tiếp theo của năm 2023, mỗi tháng cần giải ngân gần 65.900 tỷ đồng. Đây là một áp lực rất lớn cho công tác giải ngân trong những tháng còn lại của năm.

Để vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vừa giảm áp lực giải ngân cho những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng phối hợp khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách Trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH-ĐT cần sớm trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" cho các dự án để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top