Aa

Nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Tư, 22/02/2023 - 15:12

Giải ngân đầu tư công như một động lực chính giúp cho nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng, đòi sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề, khi tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với 2022. Vì vậy, nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ đầu, thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài càng gây lãng phí, đội vốn, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Năm 2023, mặc dù lạm phát của thế giới vẫn ở mức cao, nhưng giá cả đã có chiều hướng dịu đi và đang có xu hướng giảm tiếp trong năm nay.

Bài học năm cũ

Nhìn lại năm 2022 là một năm cực kỳ đặc biệt trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung, cũng như trong giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Đây là năm chúng ta mới bắt đầu quay trở lại phục hồi sau đại dịch Covid-19 và việc mở cửa nền kinh tế vẫn chưa toàn diện. Như vậy, dư âm của đại dịch vẫn rất lớn, đồng thời đến tháng 2/2022 lại bùng phát xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy, nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, giá của nhiều vật tư, năng lượng đến lương thực, thực phẩm đều tăng.

Đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 6/2022, giá xăng dầu tăng 62%, giá sắt thép tăng 40%, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, phát triển kinh tế và đầu tư công. Do đó, hầu hết các dự án đầu tư công đều dừng lại tại chỗ vì mức giá quá cao so với giá dự toán đã thiết lập.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, mức giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 30%, sau đó Chính phủ phải thành lập 6 đoàn công tác nhằm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Thêm vào đó, các chính quyền địa phương cũng được yêu cầu vào cuộc một cách khẩn trương, đưa ra các định mức đơn giá thay đổi dự toán, giúp chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp xây dựng có thể bắt tay thi công công trình.

Từ bối cảnh đó, chúng ta đã rút ra được các bài học rất quan trọng đó là: Thứ nhất, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ trong việc giải quyết cơ chế, vướng mắc khi thực hiện giải ngân đầu tư công.

Thứ hai, là sự kết hợp của các bộ, ban, ngành trong việc giải quyết khâu cung ứng nguyên vật liệu, sức lao động, máy móc thiết bị cho dự án, để quá trình triển khai diễn ra một cách tốt nhất.

Thứ ba, việc đôn đốc kịp thời của các chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng ngày đêm hoạt động.

Năm 2023, mặc dù lạm phát của thế giới vẫn ở mức cao, nhưng giá cả đã có chiều hướng dịu đi và đang có xu hướng giảm tiếp trong năm nay. Sự ổn định kinh tế, các dự báo tăng trưởng thế giới của nhiều tổ chức quốc tế trong quý I này đã tốt hơn. Trước xu hướng giá cả thế giới ổn định, lạm phát giảm, thì việc nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu của Việt Nam sẽ thuận lợi, tạo ra môi trường đầu tư phát triển nói chung ổn định.

Đáng chú ý, việc tháo gỡ chính sách cho các địa phương khai thác các mỏ đá, mỏ nguyên vật liệu đã trở thành đòi hỏi, từ đó quá trình đáp ứng nguyên vật liệu cho quá trình xây dựng cũng được hỗ trợ.

Tập trung cho giải phóng mặt bằng

Tuy nhiên từ cuối năm 2022, dư luận đã nhắc rất nhiều đến các dự án 0 đồng, khi phân tích ra thì những dự án đó đã có vấn đề ngay từ khi lập và phê duyệt, đây là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Không thể phủ nhận công việc giải phóng mặt bằng của chúng ta luôn gặp những vấn đề khó khăn, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Thực tế trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng nói chung, việc chuẩn bị các hồ sơ sơ bộ, cho đến tiền khả thi và hồ sơ khả thi, là một trong những đòi hỏi bắt buộc, phải làm nghiêm túc. Trước đó, nguyên lý này đã bị coi nhẹ, các bộ ngành địa phương chỉ nghĩ rằng, làm thế nào để xin được dự án đầu tư, xin được vốn của nhà nước về cho địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP... nhưng không nghĩ đến hiệu quả của các dự án đó. Trong khi phía cơ quan xét duyệt cũng không thực sự sâu sát, kiểm tra, thẩm định đầy đủ, nên khi phân bổ vốn xuống thì gần như toàn bộ khâu chuẩn bị vẫn chưa rõ ràng. Dù có vốn cũng không thực thi được, mặt bằng chưa có các điều kiện khởi công dẫn đến việc chậm giải ngân là điều đương nhiên.

Vì vậy trong một số năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu việc chuẩn bị các hồ sơ dự án phải được làm một cách chặt chẽ, nghiêm túc và quá trình phân bổ vốn cũng cần có sự cân nhắc phù hợp.

Không thể phủ nhận công việc giải phóng mặt bằng của chúng ta luôn gặp những vấn đề khó khăn, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Riêng Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng khó hơn gấp nhiều lần so với các địa phương khác, nên công tác này phải được đặt lên như một nhân tố quan trọng giúp quá trình chuẩn bị dự án đi vào nề nếp.

Đặc biệt, câu chuyện đền bù đất đai, hoa màu, di chuyển nhà cửa của người dân trên địa bàn xây dựng liên quan đến định mức chi phí, luật đất đai và các yếu tố mang tính lịch sử văn hóa. Việc chỉnh sửa các định mức, xem xét lại một cách hợp tình hợp lý các cơ sở pháp lý, cũng như cơ sở về quyền sở hữu của các gia đình, cá nhân trên địa bàn nơi giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề phức tạp. Điều này đòi hỏi sự sâu sát của chính quyền địa phương, ban giải phóng mặt bằng và sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương liên quan tới luật đất đai và các luật khác.

Ngoài ra, một điểm tôi muốn nhấn mạnh là vai trò của người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu có sự quan tâm, thì toàn bộ bộ máy phía dưới, các ban ngành mới chú trọng vào công việc và thực hiện tốt hơn.  Khi các vấn đề khó khăn được các đơn vị, doanh nghiệp phản hồi, thì người đứng đầu có ngay biện pháp tham vấn với các bộ ban ngành để từ đó giải quyết nhanh chóng.

Ngay cả những người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, khi có vướng mắc mà các cơ quan này vào cuộc, thì cơ chế chính sách hoàn toàn có thể được thay đổi trong khoảng thời gian ngắn, tạo ra sự chuyển biến đột phá thông qua việc kết hợp năng lực của các bộ phận khác nhau.

Nói một cách toàn diện, giải ngân đầu tư công như một động lực chính giúp cho nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng, đòi sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia tài chính

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top