Aa

Giải ngân vốn giao thông đi vào thực chất

Chủ Nhật, 10/04/2022 - 06:20

Đến hết quý I/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch đã giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để làm được điều này nhiều dự án giao thông đã tăng tốc thi công, cùng với đó là những điều chỉnh nhằm chia sẻ bớt khó khăn với các nhà thầu thi công, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đều tăng.

Giải ngân gần 7.500 tỷ đồng quý I/2022

Theo Bộ GTVT, năm 2022, bộ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước là 50.328 tỷ đồng, gồm: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.

Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) tổng số 41.955 tỷ đồng, đạt 83,4%. Trong đó, bộ đã phân bổ 100% vốn nước ngoài và 81,6% vốn trong nước (37.078 tỷ đồng). Đến hết quý I/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch đã giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, các dự án ODA dự kiến giải ngân khoảng 730 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 dự kiến giải ngân gần 2.300 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách giải ngân được khoảng 390 tỷ đồng; các dự án giao thông trong nước khác dự kiến giải ngân được khoảng 960 tỷ đồng.

Thi công cầu vượt nút giao Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban QLDA đã đăng ký, trong quý II/2022, khối lượng giải ngân ngành GTVT khoảng 11.140 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết quý II/2022 đạt khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt gần 37% kế hoạch. Riêng tháng 4/2022, khối lượng giải ngân được đăng ký khoảng 3.720 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2022 khoảng 11.120 tỷ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đảm bảo kế hoạch trên, đối với các dự án đang thi công, đặc biệt là nhóm các dự án có khối lượng thực hiện lớn như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện, các chủ đầu tư/ban QLDA cần chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thi công 3 ca tại hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Các dự án khởi công mới đã được giao vốn thực hiện cũng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, ký hợp đồng để tạm ứng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân giải phóng mặt bằng.

Tăng tốc thi công, chia sẻ khó khăn với nhà thầu

Tại các dự án giao thông lớn, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam tiến độ hoàn thành vào năm 2022 này như dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ (QL) 45, Phan Thiết - Dầu Giây, các nhà thầu mạnh như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Cienco 4 đều tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được Bộ GTVT giao.

Ông Lương Văn Long - Giám đốc Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, ngay sau tiếp nhận chỉ đạo rút ngắn tiến độ của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2 tháng qua, hàng chục mũi thi công cầu, hầm, đường trải dải trên tất cả các gói thầu của dự án đều sáng đèn đến đêm muộn để giải quyết dứt điểm kế hoạch chi tiết xây dựng theo từng ngày.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 phải giải ngân lên tới 3.000 tỷ đồng, trong đó, giải ngân xây lắp là 2.800 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng khối lượng giải ngân khoảng 233 tỷ đồng.

Xác định có sản lượng thi công mới có khối lượng giải ngân, ban điều hành dự án và các nhà thầu còn chủ động dự liệu các khó khăn để có phương án khắc phục từ sớm, duy trì xuyên suốt quá trình thi công. Điển hình, tại gói thầu số 10, lường trước được nguồn đất đắp nền đường có nguy cơ thiếu khoảng 700.000m3, ban điều hành dự án và nhà thầu đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cấp phép mở rộng mỏ Đồi Giàng, đảm bảo vật liệu đắp nền đường không bị gián đoạn. Nhờ các giải pháp trên, dự án hiện đã giải ngân được 647 tỷ đồng.

Còn tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Tập đoàn Cienco4 cũng đã điều chỉnh kế hoạch, tăng số mũi thi công. Nhờ đó, sản lượng giải ngân cũng được cải thiện. Nếu trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trung bình mỗi tháng nhà thầu chỉ giải ngân được từ 15 - 20 tỷ đồng thì hiện mục tiêu mỗi tháng là 30 - 35 tỷ đồng.

Ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban QLDA Thăng Long - một trong các ban QLDA có tỷ lệ giải ngân cao thời điểm hiện tại của Bộ GTVT cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu do giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đơn vị này đã báo Bộ GTVT tháo gỡ một số điều khoản hợp đồng trong phạm vi cho phép của pháp luật về hợp đồng xây dựng. Thông thường, trong quá trình thanh toán hạng mục gói thầu hoàn thành, 7% giá trị sẽ được giữ lại (5% tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận, 2% tiền phục vụ công tác quyết toán công trình).

Tuy nhiên, trong giai đoạn giá cả nhiên, vật liệu biến động, ban đã báo cáo Bộ GTVT xem xét chỉ giữ lại khoản 5% tiền bảo hành công trình, không giữ khoản 2% để nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính thi công, tăng khối lượng giải ngân dự án. Nhằm đẩy nhanh khối lượng thanh toán, Ban QLDA Thăng Long cũng điều chỉnh một số phụ lục hợp đồng, cho phép tạm ứng thanh toán các hạng mục đã thực hiện tại hiện trường trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục.

 

Giải ngân đến hết tháng 4/2022 khoảng 11.120 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đã đăng ký, trong quý II/2022, khối lượng giải ngân ngành GTVT khoảng 11.140 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết quý II/2022 đạt khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt gần 37% kế hoạch. Riêng tháng 4/2022, khối lượng giải ngân được đăng ký khoảng 3.720 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 4/2022 khoảng 11.120 tỷ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top