PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đó là một bước đi thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành Giao thông để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ về đầu tư xây hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay: “Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở nước ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt và thực chất. Nhu cầu cần thiết đã trở thành yêu cầu cấp bách. Và Chính phủ đang hành động theo tinh thần đó. Chúng ta thấy Bộ Giao thông vận tải mời các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh như Vin, Sun, Him Lam, đồng thời cần đến sự xung kích “người lính” của các doanh nghiệp quân đội và không thể thiếu những doanh nghiệp có năng lực chuyên nghiệp và vai trò tiên phong trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua như Đèo Cả. Nếu sự hợp sức các doanh nghiệp trên được thông qua thì sẽ mở ra một lộ trình và hướng đi mới nhằm hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025 mà Chính phủ đề ra”.
Ông Thiên cũng bổ sung thêm rằng, “cần phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh thực chất, kể cả khi sử dụng phương thức chỉ định thầu để đáp ứng các yêu cầu gay gắt về tiến độ, thời gian và chất lượng công trình. Các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện chỉ định thầu phải được thiết kế nghiêm túc, nghiêm khắc, chặt chẽ và mang tính hệ thống; đồng thời, công tác giám sát, đánh giá phải được bảo đảm bằng trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, đây có thể là một trong những điểm mấu chốt chiến lược để thay đổi hệ thống thể chế: áp dụng ngay chế độ “thưởng cho người thắng”, thay cho nguyên tắc “chọn sẵn người thắng” để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đường cao tốc. Đây là một cơ hội tuyệt vời để xoay chuyển căn bản cơ chế phân bổ nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có thực lực bứt phá, vươn lên”.
Về việc chọn lựa nhà thầu có tâm và tầm để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, TS. Lưu Bình Nhưỡng - nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng: “Chúng ta cần đánh giá năng lực chủ đạo của các doanh nghiệp tham gia dự án giao thông đường bộ khác với các loại hình công trình khác như lĩnh vực dân dụng hay đê điều. Theo Luật Đấu thầu thì “Chỉ định thầu” là một hình thức để đẩy nhanh tiến độ của gói thầu/dự án và giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu cụ thể của Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành. Chúng ta cần xem xét điều chỉnh các Nghị định, Thông tư quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu trong hồ sơ mời thầu đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng đáp ứng của những doanh nghiệp giao thông Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô trên 10.000 tỷ đồng có công nghệ mới, từ cao tốc đến hầm xuyên núi hay cầu vượt biển. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta đã trực tiếp đầu tư và tổ chức thi công đều đảm bảo kỹ thuật, vượt tiến độ, chất lượng và mỹ thuật. Vì vậy, chúng ta cần phải lựa chọn các doanh nghiệp đã thực hiện và có kết quả sản phẩm cụ thể và cần loại bỏ các nhà thầu yếu kém hoặc từng liên quan đến các sai phạm về chất lượng tại các dự án dính đến vụ án các hình sự, đồng thời cần có quy định cho những hướng đi mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt lớn mạnh vươn tầm quốc tế”./.