Hà Nội ô nhiễm "chưa từng thấy"
Kết quả quan trắc ghi nhận ô nhiễm không khí lên tới ngưỡng nguy hại - mức cao nhất trong bậc thang ô nhiễm không khí, khủng khiếp hơn 4 đợt ô nhiễm từng xảy ra trong năm 2019 thực sự khiến người dân cả nước lo lắng, hoang mang.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi màu tím ở hầu hết các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, thậm chí có nơi còn ghi nhận ở ngưỡng nâu, mức nguy hại.
Theo ghi nhận, tại thời điểm 6h sáng 12/11, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng cao nhất thể hiện màu nâu và là ngưỡng nguy hại theo cách tính chất lượng không khí của Việt Nam.
Đây cũng là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Với mức ô nhiễm này, cơ quan chức năng khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả nhóm nhạy cảm là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều hạn chế ra ngoài đường.
Tại nhiều điểm khác, hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào sáng 12/11 khi điểm đo ở Hàng Quạt lên ngưỡng nâu - nguy hại với chỉ số chất lượng không khí lúc 6h sáng lên tới 324. Đáng nói, không chỉ Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng trong, sáng nay ở nhiều tỉnh miền Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình đều ô nhiễm, xấp xỉ ngưỡng tím.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND TP. Hà Nội cho biết, có hàng loạt nguồn gây ô nhiễm không khí gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó là việc người dân vùng nông thôn đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Báo cáo của Bộ TN&MT đầu tháng 10/2019 cho biết, môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải, gồm cả nguồn tại chỗ và phát tán đến từ hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, GTVT.
“Những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm như: Số lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn nhưng chưa kiểm soát được khí thải; hoạt động xây dựng tại các khu đô thị; thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sử dụng than tổ ong, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng phát tán đến đô thị”, báo cáo của Bộ TN&MT nêu.
Đề cập nguyên nhân từ phương tiện GTVT, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, Hà Nội và TP.HCM hiện là hai đô thị tập trung nhiều nhất xe máy, ô tô đang lưu hành và cũng là hai thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất.
“Những xe ô tô được phép tham gia giao thông đều được kiểm soát khí thải định kỳ, với tiêu chuẩn phát thải tương đương với các nước trong khu vực ASEAN. Còn với mô tô, xe gắn máy hiện mới chỉ kiểm soát khí thải đối với xe sản xuất mới, chưa kiểm soát định kỳ sau khi xe được cấp biển số lưu hành. Tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM có nguyên nhân do tập trung nhiều xe máy, ô tô, dẫn đến lượng phát thải tăng”, ông Dương nói.
Giải pháp khắc phục
Hiểm họa từ ô nhiễm không khí là vô cùng lớn. Không chỉ với vấn đề sức khỏe của người dân, mà sẽ kéo theo vô số hệ lụy đối với chất lượng cuộc sống, với du lịch, công nghiệp, đầu tư, với toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.
Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đoàn Hà Nội), cho biết tình trạng ô nhiễm không khí, cụ thể là ô nhiễm bụi siêu mịn PM 2.5 đang khiến cuộc sống của người dân Thủ đô Hà Nội bị xáo trộn.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, bụi siêu mịn PM 2.5 không chỉ thâm nhập vào đường phế quản của con người mà vào cả các phế nang, đi theo đường máu, tác động đến tất cả các cơ quan của cơ thể.
Bụi siêu mịn PM 2.5 gồm rất nhiều thành phần, không chỉ gây ra các bệnh lý về dị ứng, đường hô hấp, thậm chí có các chất có thể gây ra ung thư.
“Đây là vấn đề rất quan trọng và cần phải có giải pháp. Có ý kiến cử tri sáng nay gặp tôi, phản ánh rằng, Quốc hội cần có luật về không khí sạch như ở nước Anh, Mỹ đã có cách đây gần 100 năm. Đây là đề xuất đúng để bảo vệ sức khỏe bền vững cho nhân dân. Có lẽ tới đây tôi sẽ có ý kiến với Quốc hội về vấn đề này”, Đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ.
Về tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cơ quan chức năng ở các địa phương có tình trạng ô nhiễm bụi mịn cần phải cập nhật, công khai thường xuyên thông tin về tình trạng không khí để người dân biết, cũng như có khuyến cáo kịp thời cho người dân về các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Trước đó, trong bài viết về liên quan đến vấn đề này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đề cập đến đề xuất cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí và đưa ra một số giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn.
Theo đó, về giải pháp ngắn hạn, ngoài những khuyến cáo để người dân nắm thông tin và chủ động đối phó, trước mắt cần thành lập ban thông tin với các chuyên gia thường trực để khuyến nghị người dân chi tiết hơn, chẳng hạn thông tin về mức độ ô nhiễm chi tiết ở các khu vực cục bộ, các biện pháp tức thời nào hiệu quả nhất, thông tin về khẩu trang chống bụi mịn, khi nào cần sử dụng, hạn chế bụi được đến mức độ nào, tác dụng của máy lọc không khí ở mức độ nào, còn giải pháp gì người dân có thể thực hiện được ngay không, vv.
Một mặt chủ động thông tin tới người dân, một mặt chính quyền cũng cần bắt tay vào thực hiện các chương trình ngắn hạn. Chẳng hạn rà soát lại các nguồn gây ô nhiễm và xem xét các yếu tố nào có thể xử lý ngay lập tức, như bố trí xe rửa đường đối với các con đường nhiều bụi, hỗ trợ phát khẩu trang chống bụi với các đối tượng bị ảnh hưởng nặng, tạm dừng các công trình thi công hay các nhà máy nghi là nguồn gây ô nhiễm lớn trong những ngày mức độ ô nhiễm lên cao, đặt hạn mức với lượng than tiêu thụ cho các cửa hàng nhằm giảm lượng than đốt bếp trên toàn quốc…
Đối với giải pháp lâu dài, một ban "chương trình xóa bỏ ô nhiễm cấp quốc gia" cần được thành lập để phối hợp giữa các bộ ngành, tỉnh thành, đưa ra các chiến dịch, kế hoạch, mục tiêu, thực thi các công việc nhằm xóa bỏ ô nhiễm, cũng như thông tin thường xuyên và chịu trách nhiệm trực tiếp với nhân dân về kết quả thực hiện các mục tiêu đó.
Với các nguyên nhân gây ô nhiễm đã được "điểm danh", cần rà soát lại và kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm này, tùy từng yếu tố để có những biện pháp cụ thể. Chẳng hạn, để giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông, cần có biện pháp giảm lượng xe gây ô nhiễm, nâng cao tiêu chuẩn đối với khí thải xe, tích cực hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng để giảm lượng xe cá nhân, thậm chí có thể tính tới giải pháp di dời dân số đến các khu vực mật độ còn thấp, và tiến dần đến loại bỏ hoàn toàn xe máy như Bắc Kinh hay hạn chế tối đa xe máy, ô tô cá nhân như Singapore đã thực hiện.
Với nguyên nhân là khí thải, rác thải từ các nhà máy, cần làm nghiêm khâu đánh giá tác động môi trường, thanh tra hoạt động xử lý chất thải, tăng mức phạt thật nặng với các trường hợp vi phạm để làm quỹ ‘tái thiết môi trường’, không khuyến khích và không cấp phép đối với các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm lớn như nhiệt điện, hạn chế chặt cây và trồng thêm nhiều cây xanh…
Với các công trình xây dựng, cần nâng cao các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chẳng hạn yêu cầu che chắn toàn bộ công trình khi thi công, phun rửa xe và bánh xe sạch sẽ trước khi ra khỏi công trường, phạt nặng xe chở vật liệu không đảm bảo yếu tố an toàn cho môi trường…
Chương trình "xóa bỏ ô nhiễm không khí" cấp quốc gia tất nhiên không thể thiếu sự đồng lòng và thực hiện đồng bộ của toàn dân, cần giáo dục để người dân ý thức được mỗi hành động nhỏ bảo vệ môi trường chính là mỗi viên gạch xây bức tường thành môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống vững chắc.
Từng người dân cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn về xả rác, đốt rác, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nỗ lực giảm thải khi có thể, chẳng hạn hạn chế sử dụng xe riêng, trồng nhiều cây xanh trong nhà, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khi có thể và nói không với các sản phẩm gây ô nhiễm…
Tóm lại, sẽ còn vô số việc trước mắt và trong thời gian dài chúng ta cần thực hiện, để mang lại màu xanh cho Việt nam nói chung. Dù sẽ rất khó khăn trong điều kiện đất nước chưa vững mạnh về kinh tế, nhưng nếu không khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì không chỉ kinh tế mà mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe của nhân dân sẽ còn quặt quẹo, yếu ớt và đầy bất an hơn nữa.