Aa

Ươm tư duy xanh trong lòng đô thị

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 06:15

Con đường hiện thực hóa giấc mơ quốc gia hạnh phúc bắt đầu từ giáo dục. Từ màu xanh giáo dục dẫn đến màu xanh đất nước. Màu xanh ở đây là ẩn dụ cho chọn lựa phát triển bền vững và tiến bộ.

Bhutan là xứ sở luôn được nhắc đến với mỹ từ “quốc gia hạnh phúc”. Để làm được điều này, Bhutan đã coi giáo dục con người là yếu tố then chốt để tạo ra những giá trị mang tên Hạnh phúc. Viết trong cuốn Đề cương Trường Xanh, ông Thakur S Powdyel, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Bhutan nói đến nguyên tắc đầu tiên được truyền trao phải là tình yêu sự sống. “Yêu sinh mạng và sinh vật, yêu mọi sự sống, ấy chính là nguyên tắc đầu tiên trong giáo dục. Sau đó là xây dựng lại mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên vạn vật, với xã hội và giữa cá nhân với con người toàn vẹn của mình”.

Thực hành gần gũi thiên nhiên, đòi hỏi người học ngay từ nhà trường phải được tiếp xúc với thiên nhiên không chỉ trên mớ kiến thức khoa học khô khan mà xa hơn, là chạm tay vào đời sống, có thể bới đất vun trồng rau xanh để ăn, có thể thực hiện việc tắt điện, tắt nước khi không sử dụng, không ăn uống những gì có hại, không dùng túi nhựa...

“Vùi đầu vào sách vở rồi tụng ca cái học thì thật là vô bổ khi kẻ gọi là có học ấy cứ dửng dưng trước cuộc đời”, ông viết.

Rõ ràng, con đường hiện thực hóa giấc mơ quốc gia hạnh phúc phải bắt đầu từ giáo dục. Từ màu xanh giáo dục dẫn đến màu xanh đất nước. Màu xanh ở đây là một ẩn dụ cho chọn lựa phát triển bền vững và tiến bộ.

Ngày Đô thị Việt Nam, nhìn từ bí quyết tạo nên hạnh phúc của quốc gia Bhutan ngẫm đến câu chuyện kiến tạo cuộc sống xanh của chúng ta, câu hỏi đặt ra là: Để kiến tạo nên cuộc sống xanh, đô thị xanh, phải bắt đầu từ đâu?

CON NGƯỜI CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư

Khi đặt chân đến Capital House, tôi rất ngạc nhiên với công trình này. Mọi thứ đều được chăm chút rất tỉ mỉ và sạch sẽ. Điều đó cho thấy, để tạo ra những không gian sống xanh, không gian sống lý tưởng cho người dân thì trước hết cơ quan quản lý cần bắt buộc các nhà đầu tư phải chú trọng vào những tiện ích phục vụ người dân, tạo ra những tư duy đột phá về xây dựng xanh.

Đặc biệt, làm xanh gì cũng liên quan đến thay đổi về tư duy và lối sống. Tức là mỗi người sống trong không gian đó thực sự được thư giãn, thoải mái về tư tưởng để nạp lại năng lượng sau những giờ phút lao động, học tập căng thẳng. Ở môi trường sống an toàn, sạch sẽ, người già hay người trẻ có thể vui chơi, vận động và hưởng thụ một cách thoải mái mà không bị ảnh hưởng gì. Lối sống xanh cũng đang dần trở thành xu hướng sống hiện đại, văn minh lịch sự. Đó là tích cực tham gia các hoạt động: Tiết kiệm điện nước; chăm sóc và bảo vệ cây xanh; ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường, tạo mảng xanh nơi mình sinh sống, chăm sóc bản thân đúng cách với những thói quen sống lành mạnh...

Ở Việt Nam, làm CTX rất cần sự đồng thuận của xã hội. Do đó, để thức tỉnh xã hội xanh thì đầu tiên là vai trò của truyền thông. Chúng ta phải coi trọng đầu tư chiều sâu chứ đừng chỉ coi trọng mở rộng đô thị nữa. Tôi rất mong lực lượng truyền thông sẽ làm nhiều hơn nữa để góp tiếng nói xây dựng các CTX, hình thành những đô thị xanh.

MÂU THUẪN TRONG VĂN HOÁ ỨNG XỬ VÀ CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC XANH

 PGS. TS Phạm Ngọc Trung, Chuyên gia văn hoá giáo dục

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh như vũ bão, mỗi ngày chúng ta đều chứng kiến sự đổi thay diện mạo các thành phố. Nhiều con đường mới được mở ra, các khu đô thị hiện đại được dựng lên, nhiều khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng được hình thành. Nhưng những điều đó không song hành với sự phát triển của văn hóa, hay nói chính xác hơn là lối sống và nhận thức của con người.

Hãy nhìn những dòng sông chết do chất đầy rác và “ngộ độc” bởi hệ thống xả thải để thấy cách con người ứng xử với thiên nhiên.

Sự di dân từ nông thôn ra thành thị, từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ Bắc vào Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc học hỏi tiếp thu hoà nhập văn hoá để phát triển thì cũng ẩn chứa nhiều bất cập. Những khác biệt về văn hóa, lối sống dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong một “nồi lẩu thập cẩm” mang tên đô thị.

Trước sức ép về nhà ở và quỹ đất hạn hẹp, nhiều tòa chung cư, khu đô thị nhanh chóng mọc lên nhưng tận dụng tối đa diện tích, thiếu không gian xanh, không gian công cộng khiến tất cả co hẹp lại, ngột ngạt và bí bách. Những con người sống ở các vùng miền khác nhau, mang theo tính cách địa phương khác nhau, áp lực cuộc sống khác nhau cùng tập trung lại tạo nên những va đập, mâu thuẫn về văn hóa ứng xử. Chưa kể đến những phân hóa về khoảng cách giàu - nghèo, những chính sách phát triển chưa theo kịp để điều chỉnh...

Từ câu chuyện văn hoá ứng xử phải quay lại sự khởi nguồn bắt đầu từ giáo dục. Để kiến tạo cuộc sống xanh, đô thị xanh phải chú trọng xây dựng giáo dục xanh. Việc đưa giáo dục xanh vào nhà trường đang là xu thế trên thế giới. Họ nhận ra rằng, con người đã tàn phá, hủy hoại môi trường nên cả thế giới đang nỗ lực trả lại môi trường sống xanh, trong sạch. 

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi hệ thống giáo dục xanh đang được đưa vào các trường mầm non, tiểu học nhằm hình thành cho trẻ thói quen tốt. Giáo viên dạy cho trẻ bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhất như trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trường lớp đến việc có ý thức tiết kiệm như điện, nước, khuyến khích học sinh có các ý tưởng sáng tạo tái chế rác... đều là những hành động tích cực.

ỨNG XỬ XANH VỚI THIÊN NHIÊN

PGS. TS. KTS Khuất Tân Hưng, Đại học Kiến trúc Hà Nội

Để kiến tạo nên cuộc sống xanh, đô thị xanh bản thân công trình xanh chưa đủ mà còn liên quan đến người sử dụng có “xanh” hay không? Nếu con người không tự ý thức được việc tiết kiệm tài nguyên thì các thiết bị giúp tiết kiệm cũng không phát huy được hết tính năng. Rộng hơn là một đô thị xanh, nếu con người không chủ động sống xanh thì họ cũng chẳng quan tâm đến môi trường ra sao và vẫn còn những hành vi vứt rác bừa bãi…

Vào buổi sáng, nhìn những cây mình trồng trên sân thượng xanh tốt, tự nhiên thấy lòng xao xuyến. Giờ trong phố, mỗi nhà đều tận dụng từng không gian nho nhỏ ở ban công, giếng trời, hoặc ngay trước sân để đặt một chậu hoa mười giờ, mấy thùng xốp trồng rau thơm, hành ngò. Những giàn bầu, giàn mướp leo vấn vít quanh ống nước hay mái hiên be bé đã thấy thích mắt.

Thực ra, người thành phố dường như ngày càng biết nâng niu cây cỏ. Cứ nhìn những chiếc xe bán hoa rong quanh từng gốc phố, khó ai kiềm lòng, không dừng lại mua một bó hoa tươi bởi nó làm cho lòng người dịu lại, bình yên giữa hối hả bộn bề của cuộc sống.

XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG VỚI CƯ DÂN XANH

Chuyên gia quản lý toà nhà Nguyễn Minh Sơn, Thạc sĩ quản lý - Southern Leyte State University

Chủ đầu tư có vai trò tạo ra công trình xanh ở phần cứng, đó là việc lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng cho đến bán sản phẩm. Với vai trò của ban quản lý, nếu được tham gia, đơn vị quản lý sẽ tư vấn cho chủ đầu tư từ kinh nghiệm vận hành thực tiễn như: Hạ tầng cây xanh, cảnh quan, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp năng lượng với các tiêu chí công nghệ mới làm thế nào để bảo vệ môi trường hạn chế hiệu ứng nhà kính...

Tuy nhiên, khâu quan trọng chính là giai đoạn vận hành, làm thế nào để công trình đó khi đi vào hoạt động, đảm bảo đúng tiêu chí xanh. Trong quá trình này, ban quản lý có trách nhiệm vận hành đúng cách, hướng dẫn tuyên truyền cư dân cùng nhau có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian chung của tòa nhà như thực hiện đúng công năng, không xả rác bừa bãi, hạn chế khói thuốc, sử dụng điện, nước tiết kiệm và hợp lý...

Lối sống chung cư rất khác với lối sống ở nhà riêng, tất cả cùng sinh hoạt trong một không gian, nhà này làm gì đều có thể ảnh hưởng đến nhà kia. Vì thế, mỗi chung cư cần phải có những quy định và chế tài chặt chẽ.

Ngoài ra, ban quan lý, ban quản trị cũng cần kết nối cộng đồng thông qua các chương trình hành động ngoại khóa để truyền tải thông tin đến cộng đồng như các hoạt động vẽ tranh tìm hiểu môi trường, ngày chủ nhật xanh… để qua đó mọi người có trách nhiệm hơn, cũng như giáo dục tới con em về ý thức bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top