Aa

Giải pháp đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế hiệu quả

Thứ Sáu, 08/04/2022 - 13:45

Tính đến cuối quý I/2022, còn hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ; tỷ lệ giải ngân ì ạch, chỉ đạt trên 11% và vẫn còn 29 đơn vị chưa giải ngân đồng nào...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, các bộ, cơ quan Trung ương chưa phân bổ 15.239 tỷ đồng (chiếm 13,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); các địa phương chưa phân bổ 35.776 tỷ đồng (chiếm 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đến hết tháng 3, mới có 4 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%)…

Có 46/51 Bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), đáng chú ý, có 29 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa phân bố hết kế hoạch vốn ngân sách. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, có 19/51 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do các đơn vị chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 37/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau. 

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ KH&ĐT kiến nghị thực hiện một số giải pháp trong 3 quý còn lại của năm.

Khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này. 

Theo đó, các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực;...

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Nhìn lại bức tranh kinh tế quý 1/2022, nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là "cú hích" cho phục hồi kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc xác định hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế qua đầu tư công một quan điểm tương đối mới. Đây là phương thức hỗ trợ để chú trọng đến hiệu quả và chất lượng của vốn đầu tư và đòi hỏi cả xã hội phải chuyển đổi nhận thức, tư duy về kinh tế cũng như cách tiếp cận vấn đề.

Ông Rahul Kitchlu - Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, cho biết, khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này. Các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược với quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư là những chương trình đầu tư công quan trọng, có thể kể đến như đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như phát triển tàu điện ngầm, xe buýt nhanh trong thành phố, cơ sở hạ tầng điện với các đường dây truyền tải trong các dự án điện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top