Aa

Quy Nhơn: Giải pháp chống ngập cho thành phố ven biển

Thứ Ba, 20/12/2022 - 08:27

Hơn 2 năm trở lại đây, cứ nghe tin dự báo thời tiết có mưa lớn trong nhiều ngày là người dân ở phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn, Bình Định) lại “run” và tính phương án chạy lụt.

Nghe khó tin nhưng việc sống ngay sát biển lại phải sống chung với lũ đã trở thành sự thật ám ảnh người dân ở đây. Phố xá ngập và người dân vật lộn cùng dòng nước trong rất nhiều âu lo.

Cú sốc lớn với dân xứ biển

Chỉ sau chừng 3 cơn mưa nặng hạt liên tiếp, nhiều khu vực thuộc TP. Quy Nhơn đã ngập chìm trong nước. Có thể kể đến như khu Ghềnh Ráng, Hùng Vương, khu vực gần siêu thị Co.op Mart đường Nguyễn Tất Thành… Hai năm trước, người dân Quy Nhơn, đặc biệt là những ai sinh sống ở phường Ghềnh Ráng đã sốc nặng khi mới chỉ vài cơn mưa, nước đã ùn ùn dâng lên ngập ngụa. Nước lên cả mét khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" trong khi đồ đạc, vật dụng có giá trị trong nhà như xe máy, tủ lạnh, tivi đã ngập. Nhiều ô tô tiền tỷ cũng bị ngâm trong nước lụt nhiều giờ liền, còn chủ nhà, chủ xe thì chỉ biết chờ nước rút và đội cứu hộ tới đưa đi kiểm tra và sửa chữa.

Những chiếc thuyền nhỏ trở nên hữu dụng ở khu ngập lụt. (Ảnh: Người Bình Định)

Không chỉ ở khu vực phường Ghềnh Ráng, đoạn đường Lý Thái Tổ (thuộc phường Nguyễn Văn Cừ) cũng “thất thủ” sau cơn mưa lớn tháng 10/2022. Chị Nguyễn Thị Thảo (52 tuổi, người dân ở đoạn đường này) cho biết: “Mấy chục năm sống ở đây, tôi và hàng xóm chưa bao giờ ở trong cảnh ngập đến nỗi không thể về đến nhà bằng xe máy như vậy. Nhiều người cũng như tôi, bị sốc nặng luôn”.

Xe máy “bơi” khi nước lụt tràn vào nhà. (Ảnh: Người Bình Định)

Nhiều nhà ở cách biển chỉ vài phút đi bộ cũng chìm ngập trong nước sau ngày mưa dầm. Khi mua nhà ở khu vực đường Chế Lan Viên (phường Ghềnh Ráng), anh Trần Văn Tân đã đề phòng bằng cách xây mới lại với nền nhà thật cao, hơn mặt đường cả mét. Tuy nhiên, với trận lụt năm 2022, nhà anh vẫn bị nước tràn vào như thường. Xa hơn một chút là đoạn đường Thanh Niên (đoạn gần Tô Hiến Thành - Lý Thái Tổ) cũng ở tình trạng nhà nhà gồng mình tát nước. Sau khi nước lũ rút đi, người dân lại phải tiếp tục xắn tay áo giải quyết “hậu quả” với bùn non, rác bẩn, nhà cửa hôi tanh…

Nước lũ làm nóng nghị trường

Chưa bao giờ vấn đề ngập lụt lại “nóng” với sự quan tâm đặc biệt của các cử tri Bình Định như vậy. Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, một trong những vấn đề bị chất vấn nhiều nhất là tình trạng TP. Quy Nhơn bị ngập ở nhiều khu vực chỉ sau 1 - 2 cơn mưa lớn. Trong đó, nhiều phường có các tuyến đường ở gần biển với giá đất ở mức 70 - 80 triệu đồng/m² vẫn ngập một cách bất thường. Theo phản ánh của cử tri phường Ghềnh Ráng, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, địa bàn thường xuyên bị ngập lụt, mức độ ngày càng gia tăng. Tâm điểm, trong tháng 10 và 11/2022 vừa qua liên tiếp xảy ra 2 trận ngập lụt lớn cuốn trôi phương tiện, tài sản gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở đây.

Người dân ở phường Ghềnh Ráng phải vật lộn chống chọi với trận lũ lịch sử ngay giữa lòng phố biển. (Ảnh: Trương Định)

Phát biểu tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định: “Cử tri muốn hỏi Giám đốc sang năm hết ngập lụt hay không? Ở ngay cửa biển mà ngập lụt là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị, Giám đốc Sở hứa trước cử tri mùa mưa năm 2023, hết ngập không”? Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng: “Quy hoạch xây dựng là trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng. Không nạo vét theo đúng quy định thì cần thanh kiểm tra để xử lý, trên đổ xuống thành phố, thành phố đổ xuống phường, phường đổ xuống tổ dân phố… còn dân thì chịu”.

Trả lời về giải pháp cho tình trạng trên, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết: “Theo quan điểm của Sở Xây dựng, nếu được UBND tỉnh chấp thuận các đề xuất, tư vấn của sở thì tôi cam kết đảm bảo xử lý tình trạng ngập úng. Trước mắt, trong năm 2023 sẽ mở rộng mương và cống qua Hoàng Gia Resort Quy Nhơn, vì đây là điểm nghẽn thì sẽ đảm bảo không bị ngập úng. Còn về lâu dài, những trận mưa lớn hơn với tần suất lũ lên cao phải mở rộng thêm một số tuyến thoát nước khác. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là kinh phí đầu tư triển khai thì mới giải quyết tình trạng ngập úng trong mùa mưa tại phường Ghềnh Ráng trong năm 2023”.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Bình Định, tình trạng ngập úng tại phường Ghềnh Ráng là do hiện trạng lưu vực nước đổ về khu vực phường Ghềnh Ráng khoảng 4km², bao gồm lưu vực phía Đông núi Vũng Chua khoảng 3km², lưu vực phía Tây núi Xuân Vân khoảng 0,4km², còn lại khoảng 0,6km² là lưu vực chứa nước tại các khu dân cư hiện trạng như: Khu Bông Hồng, khu Hưng Thịnh và khu dân cư nằm giữa các tuyến đường Tây Sơn, Võ Liệu, Chế Lan Viên, Chương Dương. Thời gian qua xuất hiện một số trận mưa với cường độ quá lớn (ngày 11/10/2022 là 197mm và 20/11/2022 là 266,8mm), lượng nước tập trung về khu vực này quá nhanh trong thời gian ngắn (chỉ trong vài giờ) nên hệ thống thoát nước hiện trạng không đủ khả năng tiêu thoát gây ngập úng cho khu vực. Hệ thống thoát nước hiện trạng trong khu vực phường Ghềnh Ráng được đầu tư trong nhiều giai đoạn khác nhau, không có sự đồng bộ về tiết diện thoát nước.

Tâm lý e ngại khi đầu tư mua bất động sản, căn hộ ở vùng ngập

Không khó để thấy rằng sau những trận ngập như thời gian vừa qua ở TP. Quy Nhơn, đặc biệt là nhiều khu vực thuộc phường Ghềnh Ráng, việc người dân hoặc nhà đầu tư bỏ tiền cho các dự án bất động sản ở đây sẽ trở nên e dè hơn rất nhiều lần so với trước đó. Việc sinh sống, đi lại trong mùa mưa bão sẽ trở nên khó khăn gấp bội phần ở các vùng ngập.

Ô tô cũng “chịu chết” giữa trận lụt đột ngột không kịp trở tay. (Ảnh: Người Bình Định)

Anh Nguyễn Thanh Toàn (35 tuổi) cho biết, anh và gia đình có dự định mua nhà ở phường Ghềnh Ráng sau thời gian tích cóp. Theo anh Toàn, ngoài những trục đường lớn hoặc gần biển thì giá nhà đất ở đây tương đối “mềm” hơn một số phường khác tại TP. Quy Nhơn. Tuy nhiên, với hiện trạng cứ mưa là ngập như thời gian qua thì anh buộc phải cân nhắc, tính toán lại việc có nên đem cả gia đình đến đây sống không.

Trong tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể phương án quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống thoát nước toàn bộ 2 khu phố 3, 4 của phường Ghềnh Ráng; việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước, hồ điều hòa... Từ đó, đánh giá tổng thể khả năng thoát nước của khu vực, đề xuất phương án giải quyết, xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, UBND TP. Quy Nhơn cần tăng cường trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để giải quyết tốt thoát nước trên địa bàn thành phố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top