Những năm gần đây, Bình Định đã và đang trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là ở lĩnh vực hạ tầng đô thị, bất động sản, du lịch.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XIII diễn ra từ ngày 8 - 10/12, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định đã có nhiều chỉ đạo mang tính định hướng quan trọng để phát triển tỉnh nhà mà điểm nhấn là TP. Quy Nhơn theo hướng đô thị thông minh, bền vững.
Bình Định lập kỷ lục mới về thu ngân sách
Thông tin lần đầu tiên Bình Định lập kỷ lục mới về thu ngân sách với dấu mốc hơn 16.500 tỷ đồng (cao hơn năm 2021 hơn 2.000 tỷ đồng) được chính thức đưa ra tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XIII. Đây có thể nói là tin “không thể vui hơn” với tập thể lãnh đạo, các sở ban ngành và người dân Bình Định. Với nguồn thu vượt kỷ lục năm ngoái này, thời gian tới đây, Bình Định sẽ có những đầu tư “mạnh tay” hơn nữa để phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp diện mạo tỉnh nhà.
Theo đó, 19/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57%, vượt 2,07% so với kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 16.551 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, hai nguồn thu chính là thu nội địa đạt 7.385,2 tỷ đồng và thu tiền sử dụng đất 7.000 tỷ đồng. Một trong những điểm sáng năm nay của kinh tế Bình Định là xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Một thành tựu lớn khác mà Bình Định đạt được trong năm qua là khánh thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 46.942 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, kinh tế năm 2022 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với ước tính tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57%. Kết quả này đã đưa Bình Định xếp thứ 37/63 tỉnh, thành cả nước, xếp thứ 6/14 tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và đứng thứ 3/5 địa phương khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Quảng Nam). Tại kỳ họp này, Bình Định tiếp tục đặt ra chỉ tiêu năm 2023 tăng trưởng GRDP 7 - 7,5%, thu ngân sách 13.650 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 12.558,5 tỷ đồng).
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Năm 2022, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, tác động đến tình hình trong nước, tỉnh ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh; sự điều hành tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực”.
Quy hoạch hệ thống đô thị theo hướng đô thị thông minh
Kỳ họp thứ 9 HĐND khoá XIII đã thông qua một số nghị quyết quan trọng. Trong đó, quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; tất cả lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, tỉnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bình Định tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
Song song đó là mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Trong đó, tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội…
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và Al; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế…
Quy hoạch đề ra 5 trụ cột phát triển: 1- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao. 2- Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. 3- Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng. 4- Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 5- Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng - logistics, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh.
Đầu tư hàng ngàn nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân
UBND tỉnh Bình Định cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, TP. Quy Nhơn là một trong những thành phố đi đầu ở khu vực miền Trung về xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một thực trạng khác khá phổ biến là người có thu nhập thấp ở đây không mua nổi nhà vì giá còn đang ở mức khá cao. Mỗi căn hộ 2 phòng ngủ giá thấp nhất là 700 triệu đồng, tương ứng 12 triệu đồng/m², dự án có giá cao nhất khoảng 900 triệu, tương ứng 15 triệu đồng/m².
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết: "Qua khảo sát, nhu cầu nhà ở của người dân thu nhập thấp tại địa bàn TP. Quy Nhơn, còn rất nhiều. Tuy nhiên với mức giá mỗi căn từ 700 triệu đồng trở lên thì rất ít người đăng ký mua được. Lúc này, đang có 3 dự án mở bán với số lượng nhiều nhưng người mua lại rất ít, không phải do không có nhu cầu, mà do giá cao".
Để giải quyết vấn đề này, ngày 12/12, Bình Định cho biết đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và cơ điện IEC (có trụ sở tại Hà Nội). Dự án nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao tầng, nhà ở thương mại thấp tầng và chức năng khác phục vụ nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động trong khu công nghiệp... Dự án được triển khai thực hiện tại khu CC-09 thuộc Khu đô thị Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), trên diện tích khoảng 37.600m² với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng; sẽ đưa vào sử dụng tháng 8/2024. Sau khi hoàn thành, dự án có khoảng 1.600 căn hộ (diện tích 49m² - 70m²) nhà ở xã hội và 82 căn nhà liền kề (diện tích 75m² - 90m²).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh dự kiến phát triển khoảng 17.586 căn nhà ở xã hội tại đô thị và 2.150 căn nhà ở xã hội cho công nhân. Tỉnh cũng đã rà soát, đề xuất quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 với tổng diện tích đất 148ha, trong đó có khoảng 68ha để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đến nay, 18 dự án nhà ở xã hội được cấp phép đầu tư, khoảng 10.995 căn; trong đó 6 dự án đưa vào sử dụng toàn bộ và 2 dự án đưa vào sử dụng một phần, khoảng 2.806 căn. Trong năm 2023, Bình Định sẽ phát triển khoảng 5 dự án nhà ở xã hội có diện tích không quá 60m²/căn, giá dưới 10 triệu đồng/m² để người lao động, công nhân các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận mua được nhà ở./.