Giải pháp nào để đô thị biển phát triển hiệu quả, bền vững?

Giải pháp nào để đô thị biển phát triển hiệu quả, bền vững?

Chủ Nhật, 07/08/2022 - 06:09

Phát triển hiệu quả và bền vững các đô thị biển chạy dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của từng vùng và cả nước…!              

Trên thế giới, 2/3 số lượng các thành phố lớn đều là thành phố gắn với cảng biển trên vùng ven bờ hoặc trên các đảo. Trong số 10 siêu thành phố lớn nhất thế giới thì có tới 7 thành phố trên vùng ven biển.

Việt Nam có Chỉ số biển cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu; đường bờ biển dài 3.260km (đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới). Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển). 28/63 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số cả nước sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Mạng lưới đô thị nói chung, các đô thị biển nói riêng chiếm vai trò rất quan trọng không những về kinh tế, xã hội, mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.

Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia và phải chiếm vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển quốc gia”. 

Phát triển hiệu quả và bền vững các đô thị biển chạy dọc vùng duyên hải từ Bắc vào Nam vừa là mục tiêu vừa là động lực quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của từng vùng và cả nước…!

 Khái quát về đô thị biển ở Việt Nam

Đô thị là một vùng đất trong phạm vi hành chính có sự tập trung cao về dân cư phi nông nghiệp, mật độ xây dựng và tiềm lực kinh tế, có quan hệ giao thương rộng lớn hơn phạm vi cư trú của nó với mạng lưới đô thị - nông thôn khu vực xung quanh. Mỗi quốc gia có quy định riêng về phân loại và quản lý đô thị phù hợp với trình độ quản lý và hệ thống thể chế nước mình.

Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”, Việt Nam từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, kinh tế phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, khai thác tối đa lợi thế về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng và địa phương, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc…

Đô thị Việt Nam được phân làm 6 loại (loại đặc biệt, loại 1, 2, 3, 4, 5) và quản lý đô thị theo 6 nhóm tiêu chuẩn được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị. Phạm vi hành chính có thể là cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương), cấp huyện (thành phố/thị xã thuộc tỉnh), cấp xã (thị trấn thuộc huyện). Mạng lưới đô thị quốc gia được phân theo các cấp, bao gồm: Các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; các đô thị trung tâm cấp tỉnh; các đô thị trung tâm cấp huyện; các đô thị trung tâm cụm các khu dân cư nông thôn (gọi tắt là đô thị trung tâm cấp khu vực) và các đô thị mới.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V, với tổng dân số thành thị là hơn 33,1 triệu người, chiếm 34,4% tổng dân số cả nước. Các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn là nơi thu hút các doanh nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng triệu việc làm mới ở mọi trình độ; nơi tiêu thụ chủ yếu hàng nông sản và các sản phẩm địa phương; cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao và là nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất của cả nước.

Đô thị biển theo nghĩa hẹp là đô thị có vị trí nằm trên đường bờ biển, bờ vịnh hoặc bán đảo, có ranh giới hành chính và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội và lối sống đô thị đặc trưng trực tiếp gắn với biển. 

Từ thời phong kiến, Việt Nam đã có 2 đô thị biển tham gia vào thương mại quốc tế gồm Vân Đồn và Hội An.

Trong thời Pháp thuộc, nhiều đô thị biển hình thành từ cuối thế kỷ XIX ở Hồng Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Hới, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu…

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 40 đô thị biển, trong đó đô thị biển lớn nhất là TP.HCM và cũng là đô thị lớn nhất cả nước. Tiếp đó là Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… Cả nước hiện có 28 đơn vị hành chính cấp tỉnh có đường bờ biển, ngoại trừ tỉnh Ninh Bình không có đô thị biển, còn lại các tỉnh/thành phố khác đều có.

Đô thị ranh giới hành chính giáp biển có gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước, với dân số khoảng 19 triệu người và diện tích 56.048km2, mật độ dân số gần 340 người/km2. Trong gần 60 đô thị biển đảo, có cả đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2, 3, 4, 5; có 3/5 thành phố Trung ương là đô thị biển, gồm Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM được phân bố khá đều về mặt lãnh thổ ở 3 vùng biển Bắc, Trung, Nam. 

Theo định hướng quy hoạch hệ thống đô thị toàn quốc (QĐ 445/QĐ-TTg), cả nước có 12 đô thị cực tăng trưởng kinh tế cấp vùng (tương đương với đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh) thì có 4 đô thị biển là: Hạ Long, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu. Đô thị biển phân bố thành các cụm, chuỗi, điểm. Cụm đô thị biển TP.HCM - Vũng Tàu ở Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất. Chuỗi đô thị biển nằm dọc khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, miền Trung và Kiên Giang. Điểm đô thị biển quy mô nhỏ phân tán nằm ở khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đô thị biển tỉnh Quảng Ninh có TP. Móng Cái, thị trấn Hải Hà và Đầm Hà, TP. Cẩm Phả, Hạ Long, thị xã Quảng Yên và đô thị đảo là thị trấn Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vỹ. Trong khoảng 10 năm gần đây, đô thị biển Hải Phòng, Quảng Ninh phát triển mạnh liên kết thành chuỗi theo Quốc lộ 18 và Quốc lộ 5 nối với vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du Bắc Bộ tạo nên vùng đô thị hóa ven biển tiềm năng ở khu vực Bắc Bộ.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đường bờ biển giao thoa giữa châu thổ sông Hồng và biển Đông, là biển nông có nhiều đầm lầy phù sa, rừng phòng hộ biển và khu bảo tồn thiên nhiên.

Ở đây đất đai thấp trũng, nhiễm mặn nên chỉ có 2 thị trấn nhỏ (đô thị loại V, quy mô cấp xã) và chủ yếu vận hành theo cơ chế hành chính là thị trấn Diêm Điền (huyện Diêm Điền, tỉnh Thái Bình) và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: Chuỗi các đồng bằng ven biển tiếp nối nhau từ vịnh Bắc Bộ đến đèo Hải Vân, càng về phía Nam ảnh hưởng của phù sa ra biển giảm dần, nên dải ven biển có nhiều cát trắng hơn. Vùng Bắc Trung Bộ đã hình thành chuỗi đô thị biển quy mô như: TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); hai thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò (tỉnh Nghệ An); thị trấn Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh); TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình); thị trấn Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị); thị xã Thuận An và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Khu vực Nam Trung Bộ hình thành được chuỗi đô thị biển quy mô lớn hơn so với Bắc Trung Bộ như: có TP. Đà Nẵng; thị xã Điện Bàn, TP. Hội An, Tam Kỳ; TP. Quảng Ngãi; thị xã Điện Bàn, thị xã Hoài Nhơn, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); thị xã Sông Cầu, TP. Tuy Hòa, thị trấn Hiệp Hòa Trung (tỉnh Phú Yên); thị trấn Vạn Giã, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang và Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận); TP. Phan Thiết, thị trấn Rí Cửa, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận)

Khu vực Đông Nam Bộ gồm Vũng Tàu và TP.HCM nằm trong lưu vực sông Đồng Nai đổ ra biển. TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, thành phố trong mạng lưới đô thị toàn cầu. Đô thị biển TP.HCM có thị trấn Cần Giờ. Ngoài ra, có thị trấn Phước Hải, Long Hải, TP. Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang là hạ lưu sông Mê Kông, một trong 12 sông lớn của thế giới. Bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long phía Nam giống Đồng bằng sông Hồng vùng đa dạng sinh học, rừng phòng hộ.

Cư dân tập trung ở khu vực đồng bằng khai thác trồng lúa nước. Đô thị biển quy mô nhỏ chức năng hành chính, như thị trấn Vàm Láng (tỉnh Tiền Giang), tỉnh trấn Bình Đại (tỉnh Bến Tre); thị xã Duyên Hải, thị trấn Mỹ Long (tỉnh Trà Vinh); thị trấn Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng); TP. Bạc Liêu, thị trấn Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu); thị trấn Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Sông Đốc (tỉnh Cà Mau); TP. Hà Tiên, Rạch Giá, các thị trấn Sóc Sơn, Kiên Lương, thị trấn đảo Dương Đông và An Thới/Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Đô thị biển đảo có 4 loại chức năng cơ bản là: Đô thị tổng hợp, đô thị hành chính, đô thị du lịch và đô thị công nghiệp - cảng. 

Đô thị biển có chức năng tổng hợp, thường là các đô thị lớn cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, vừa có chức năng cảng, công nghiệp, thương mại, du lịch và hành chính như TP.HCM, Hải Phòng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng. 

Đô thị du lịch biển là Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cát Bà, Dương Đông và An Thới/Phú Quốc, Đồng Hới, Cửa Tùng, Cửa Lò. Đô thị du lịch biển thường lựa chọn ở vị trí có cảnh quan đẹp, cao ráo và an toàn để phát triển. Hình thái không gian đô thị biển đề có xu hướng tiến ra biển, rồi kéo dài dọc theo bờ biển.

Đô thị cảng biển - công nghiệp là Hải Phòng, Phú Mỹ, Cẩm Phả, Quảng Yên. Tương lai các khu kinh tế biển sẽ phát triển thành đô thị cảng công nghiệp.

Đô thị hành chính biển, hầu hết là các thị trấn/đô thị loại V đảm nhận vai trò trung tâm hành chính huyện lỵ, ít có liên kết và khai thác tiềm năng biển.

Cấu trúc đô thị gồm 3 khu vực là trung tâm đô thị, khu vực nội thị/nội thành và ngoại thị/ngoại thành. Một số đô thị có khu vực nội thị/nội thành giáp biển và trung tâm đô thị hướng ra biển hình thành các phố biển, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết, Vũng Tàu. Một số đô thị có khu vực nội thị/nội thành giáp biển nhưng trung tâm đô thị không hướng ra biển; ví dụ: Hải Phòng, Quảng Yên. Đa số các đô thị phần nội thị/nội thành nằm trong đất liền như Móng Cái, TP.HCM.

Cuối năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ cho phép chính thức xây dựng đô thị đảo (Phú Quốc) và chưa hình thành “chuỗi đô thị đảo”, cũng như chưa có “đô thị nổi trên biển”. Trong thực tế, đô thị biển ở nước ta thực ra mới thấy phát triển tập trung ở dải ven biển, chỉ là các đô thị ven biển, hiện chưa có đô thị đảo và đô thị trên biển theo đúng nghĩa của nó. 

Một số địa phương đã có nhiều dự án lấn biển để phát triển đô thị, du lịch… Điển hình như TP. Rạch Giá (Kiên Giang), TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Hạ Long (Quảng Ninh) hay như dự án lấn biển tại Cần Giờ (TP.HCM) vừa được Chính phủ phê duyệt… Nhiều dự án lấn biển phát triển đô thị đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh môi trường, phát triển bền vững do quy hoạch được nghiên cứu kỹ, ranh giới lấn biển được xác định rõ, không ảnh hưởng tới các vùng cảnh quan liền kề), quản lý thực hiện quy hoạch nghiêm túc, hiệu quả, như dự án lấn biển tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang), khu vực đường Trần Quốc Nghiên, TP. Hạ Long hay TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh)…

Nhìn chung, theo thống kê chưa đầy đủ, sau khoảng hơn 100 năm Việt Nam từ chỉ có 3 đô thị ven biển (Vân Đồn - thời Lý, Hội An - cuối thế kỷ XVI, Đà Nẵng - 1888) đến nay, cả nước đã có một hệ thống với gần 40 đô thị ven biển và 01 đô thị hải đảo (Phú Quốc). Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến năm 2025, sẽ có khoảng 300 đô thị mới được hình thành, nâng tổng số lên 1.000 đô thị. Rất nhiều đô thị sẽ lại được xây dựng sát biển. 

Các đô thị biển đang tiếp tục phát triển nhanh và khẳng định được vị thế trung tâm kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển các đô thị biển còn thiếu quy hoạch tổng thể và sự đầy đủ các quy định pháp luật quốc gia trong sự liên kết bổ sung với nhau và gắn với sự phát triển trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng, khai thác hải sản, công nghiệp ven biển… do đó, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thực sự bền vững...

Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển đô thị biển, đảo. (Ảnh: IT)

Hơn nữa, một số đô thị biển có tốc độ đô thị hóa nhanh mất kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc các dự án khách sạn cao tầng sang trọng, khu du lịch nghỉ dưỡng resort, sân golf… hiện đại, tiện nghi ở các khu vực ven biển, chiếm lĩnh thô bạo không gian và cảnh quan thiên nhiên, lấn át di sản kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của cư dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái ven biển.

Yêu cầu và giải pháp phát triển đô thị biển hiệu quả, bền vững

Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (viết tắt tiếng Anh là UNCLOS 1982), là khung pháp luật cơ bản và chi tiết (gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật) có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, được hầu hết các quốc gia có biển thừa nhận thông qua ký kết. Dựa trên Công ước này, ngày 21/6/2012 Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển số 18/2012/QH13, trong đó xác định đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 22/10/2018 nêu trên, Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1, 2 lần bình quân cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước; đến năm 2045, Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước".

Đặc biệt, Việt Nam cần ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhằm đảm bảo kết nối, phát triển hệ thống đô thị ven biển, đảo và quần đảo của Việt Nam theo hướng bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương. Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45% vào năm 2025, đạt trên 50% vào năm 2030.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo cảnh báo của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Rio De Janeiro, Brazil, dải ven bờ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam được đặt trong nguy cơ bị nhấn chìm trong vài chục năm tới... Theo báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - Cơ hội và rủi ro thiên tai” công bố vào tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới hoàn thành nghiên cứu về rủi ro thiên tai và giải pháp cho khu vực ven biển Việt Nam, dù có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu”, với 11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm, kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (0,5% GDP) và 316.000 việc làm do lũ sông và lũ ven biển...). 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cuối thế kỷ XXI, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó, hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt ở các xã, phường ven biển. Trong số đó một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là TP. Hải Phòng (5 - 10% diện tích bị ngập), tỉnh Thái Bình (50 - 60% diện tích bị ngập), tỉnh Nam Định (30 - 40% diện tích bị ngập), TP.HCM (20% diện tích bị ngập), tỉnh Kiên Giang (80% diện tích bị ngập), tỉnh Hậu Giang (80% diện tích bị ngập), TP. Cần Thơ (5 - 10% diện tích bị ngập), tỉnh Bạc Liêu (40 - 50% diện tích bị ngập), tỉnh Sóc Trăng (25 - 30% diện tích bị ngập), tỉnh Cà Mau (40 - 50% diện tích bị ngập).

Với tinh thần đó, quá trình phát triển đô thị biển ở Việt Nam cần vừa phù hợp xu hướng chung thế giới, vừa gắn với thực tiễn biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế biển, cả hiện tại và trong tương lai, hướng tới định hình và củng cố một nền “kinh tế biển xanh”; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển quan trọng, không gây ô nhiễm và bảo đảm hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

Mô hình đô thị biển đặc trưng và điển hình cho Việt Nam sẽ là đô thị và chuỗi đô thị có các trung tâm liên kết, hợp tác và chia sẻ chức năng cảng - dịch vụ - công nghiệp - du lịch và dịch vụ biển, có lối sống gắn với khai thác có hiệu quả và có trách nhiệm cao bảo vệ tài nguyên biển, xây dựng văn hóa đô thị biển Việt Nam văn minh, hiện đại; có một số đô thị và chuỗi đô thị biển trọng điểm quốc gia, hình thành đầu mối giao thương đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, gắn với cảng nước sâu hoặc sân bay quốc tế ven biển; có cấu trúc và liên kết không gian núi - biển - đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các đô thị biển phải được phát triển đa dạng (gồm các đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị nổi “thuần biển”), gắn hài hòa với không gian cụ thể (biển, không gian đảo và không gian ven biển…), cộng sinh với hệ sinh thái tự nhiên; với các kiến trúc - đô thị xanh, thông minh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp văn hóa bản địa... để cùng tạo ra các mô hình phát triển giá trị gia tăng cao hơn.

Nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần tập trung phát triển các đô thị ven biển theo tổng thể, kết hợp và khai thác hiệu quả không gian biển, thiên nhiên biển (mặt biển, dưới biển, bầu trời trên biển…), vùng bờ biển, cảnh quan ven biển (các cảng biển, bãi biển, khu kinh tế ven biển…), các lĩnh vực “hậu cần, kết nối” và “thị trường” cho kinh tế biển (vận tải biển, dịch vụ biển, chế biến sản phẩm khai thác biển, khoa học công nghệ, kết nối du lịch biển với tuyến du lịch đất liền, thị trường cho đầu ra của sản phẩm khai thác từ biển…).

Các công trình cao tầng ven biển là điểm nhấn của đô thị, tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch địa phương. Quá trình phát triển nhà cao tầng cần đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch, đủ diện tích công cộng, đất cây xanh, phát triển hạ tầng đồng bộ kèm theo, chú trọng giữ gìn bản sắc đặc trưng của môi trường tự nhiên của địa phương và hướng đến tối ưu hóa cảnh quan, không gian và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch và đáp ứng đồng thời các tiêu chí của phát triển bền vững. 

Ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có tiềm năng du lịch biển ở quy mô quốc gia, cũng là nơi tập trung nhiều thế mạnh tiềm năng khác như: Cảng biển, hải sản, vật liệu xây dựng hay dầu khí... Bởi vậy, cần phát triển đô thị biển Việt Nam tích hợp với các khu kinh tế ven biển trong một hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ cộng sinh, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất - dịch vụ của kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh, không phát thải ô nhiễm, để khai thác tối ưu các ngành, lĩnh vực “sở trường” về hàng hải, khai thác khoáng sản biển, công nghiệp biển, đánh bắt hải sản, nuôi trồng hải sản và du lịch biển cả ở phạm vi địa phương và quốc gia. 

Bên cạnh đó, cần thiết tái cấu trúc không gian vùng ven biển hướng tới nền kinh tế du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kế thừa cấu trúc cũ để bảo tồn di sản văn hoá và thiết chế xã hội.

Các quy hoạch và quản lý các khu kinh tế ven biển và các đô thị trong đó cần gắn với rủi ro từ tai biến thiên nhiên, giảm phát thải môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc quản trị đô thị cần dựa trên công khai thông tin, có sự tham gia của người dân và tăng trách nhiệm giải trình, với các chỉ số phù hợp để đánh giá phát triển kinh tế, mức độ rủi ro và sự hài lòng của cư dân, không đi ngược quy luật tự nhiên và tăng cường sức chống chịu trước tác động của thiên nhiên.

Cần chuẩn hóa và quản lý tốt không gian kiến trúc cảnh quan các đô thị biển, đặc biệt về kiến trúc công trình, chỉ tiêu xây dựng, cây xanh kết nối các tuyến và khu vực trung tâm đô thị theo nguyên tắc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn, dành cho tự nhiên, không lấn át thiên nhiên.

Tổ chức/phân bố có nhịp điệu công trình và tổ hợp công trình cao tầng, mật độ xây dựng phù hợp theo từng đoạn tuyến đường đô thị ven biển, thay vì dàn trải bê tông hóa trên suốt dọc dài bờ biển. Cân nhắc xác định những vị trí xây dựng công trình cao tầng bám sát không gian ven biển/đường đô thị ven biển. Các công trình chung cư cao tầng cần quy hoạch theo hướng tập trung thành tổ hợp phát triển theo chiều sâu vào đô thị với không gian trục kết nối hướng biển. Hệ thống cây xanh kết nối với hệ thống công viên cây xanh lân cận.

Ngoài ra cần quy định rõ về quản lý mật độ xây dựng, khoảng lùi trước và hai bên tuyến đường, quy định về chỗ đậu đỗ xe kinh doanh; tăng cường sự tham gia của các bên trong công tác quy hoạch phát triển không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven biển.

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch đô thị theo hướng bao trùm, bảo đảm khả năng điều chỉnh các yếu tố mới phát sinh trong phát triển đô thị, như đô thị nén, xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững, đặc trưng vùng, miền về điều kiện tự nhiên, di sản, văn hóa,.. Điều chỉnh các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị theo hướng nâng cao chất lượng sống đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững.

Đặc biệt, cần sớm hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa, trong đó có phát triển đô thị biển; Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị;  Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cấu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; ban hành cơ chế, chính sách định hướng, khuyến khích đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong đô thị. Xây dựng và đổi mới định mức, đơn giá đầu tư xây dựng, bảo đảm đầu tư phát triển đô thị có hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, năng lượng, đảm bảo phát triển không gian hợp lý (không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị), kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước… trong quá trình phát triển đô thị nói chung và đô thị biển nói riêng…

Cần nhấn mạnh rằng, việc liên kết chuỗi đô thị biển đảo thành hệ thống đô thị biển sẽ giúp việc hợp tác và chia sẻ chức năng cảng - dịch vụ - công nghiệp - du lịch, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, cần tập trung phát triển hai vùng đô thị hoá ven biển trọng điểm quốc gia là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng đạt tầm vóc khu vực và quốc tế, cạnh tranh với các vùng đô thị lớn khu vực biển châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó các đô thị có tiềm năng về cảng nước sâu quy mô lớn như Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu cần được đổi mới mô hình đô thị thúc đẩy nền kinh tế hàng hải, lĩnh dịch vụ - công nghiệp cảng, hình thành đầu mối giao thương quốc tế gắn với cảng nước sâu hoặc sân bay quốc tế ven biển.

Trước mắt, cùng với việc tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các quy hoạch quốc gia và hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến đô thị biển, cần quyết liệt triển khai các các nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/3/2020 về đầu tư và phát triển các ngành kinh tế trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy sự định hình và phát triển đô thị biển, trong đó tập trung xây dựng cơ chế chính sách, thuận lợi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật các đô thị biển, ngành du lịch và các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường; các ngành sửa chữa, đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, logistics cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo./.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top