Aa

Giải mã nguyên nhân đô thị biển Việt Nam phát triển kém hiệu quả, thiếu bền vững

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 04/08/2022 - 06:05

Theo giới chuyên gia, đô thị biển Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế sẵn có, kém hiệu quả và thiếu bền vững là do tư duy nhận thức và cách thức quy hoạch còn nhiều hạn chế.

Chiều ngày 3/8, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đều cho rằng, Việt Nam là một đất nước có nhiều lợi thế trong việc hình thành và phát triển chuỗi đô thị ven biển đẳng cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển đô thị biển ở nước ta còn nhiều bất cập. Từ tiến độ đến số lượng và cả chất lượng đều gặp những hạn chế nhất định.

Cụ thể, nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung ở vùng ven biển từ khá lâu đời. Nhưng trên thực tế, về số lượng vẫn còn quá ít, về quy mô vẫn còn quá nhỏ và về chất lượng vẫn còn ở “đẳng cấp” thấp so với thế giới.

Lý giải nguyên nhân cho thực trạng này, các chuyên gia đều cho rằng, do nhận thức về vai trò của biển cả của Việt Nam còn mờ nhạt và công tác tổ chức, quy hoạch còn rời rạc, thiết tính liên kết và đồng bộ. 

“Xa rừng, nhạt biển” vẫn đang chiếm lĩnh tâm thức người Việt

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhìn nhận, đại đa số các đô thị nước ta là đô thị cổ và phân bố ở ven biển (Coastal city), hầu hết thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ, được hình thành một cách tự nhiên, đôi khi tự phát. Vừa qua, có những địa phương có biển, như TP.HCM chẳng hạn, nhưng đô thị hóa lại chỉ hoàn toàn dựa vào đất (Land-based), chưa liên kết nhiều với biển và chưa dựa vào biển (Sea-based) theo đúng nghĩa của nó. 

Mấu chấu là do phương thức phát triển đô thị biển dựa vào đất là chủ yếu, trong khi yếu tố biển chưa được coi trọng. Các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển, vẫn đang phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Điều này cũng có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức. Đặc biệt, cư dân Việt Nam là ở hai vùng đồng bằng lớn là sông Hồng và sông Cửu Long, từ xa xưa, đã duy trì sinh kế nông nghiệp chủ yếu dựa vào đồng đất phì nhiêu. Họ không quan tâm và không nhận ra lợi thế và tiềm năng của biển cả. Tâm thức “xa rừng, nhạt biển”, thiếu khát vọng chinh phục biển đã giới hạn cong người trong những “giấc mơ con” và vẫn đứng ở ven biển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

“Sự thiếu sót trong nhận thức đã làm mất đi giá trị cốt lõi của đô thị biển, đặc biệt giá trị kinh tế trên một “đơn vị đô thị”. Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhận định. 

Có thể thấy, chính tư duy “đất liền” trong nhận thức và hành động suốt thời gian dài vừa qua đã khiến Việt Nam đang tự kìm hãm khả năng phát triển kinh tế biển, đô thị biển – thứ mà rất nhiều quốc gia trên thế giới ao ước và thèm khát. Cũng vì lẽ đó, đô thị biển Việt Nam sau thời gian dài hình thành và phát triển, đến nay vẫn chưa ghi nhận được kết quả đáng mong đợi, vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có, thậm chí là còn phát triển kém hiệu quả, thiếu bền vững. 

Quy hoạch đô thị biển chưa được quan tâm đúng mức

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng phát triển đô thị biển kém hiệu quả ở Việt Nam là do công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. 

Theo TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, các đô thị biển có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế  - xã hội của đất nước. Các đô thị Việt Nam cơ bản gắn với nước, nhìn từ địa phương như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để thấy rõ. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, các đô thị dường như đang quay mặt lại với mặt sông, mặt biển, nhiều nơi bị lấn chiếm, thậm chí trở thành nơi chứa rác thải, ô nhiễm. Tất cả điều này là do công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập. 

Đồng quan điểm, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhìn nhận, việc quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch tại nước ta chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển đô thị biển. 

Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai. Phần lớn các quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này được thực hiện dựa trên tư duy quy hoạch đô thị biển chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.

Trong khi đó, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu sự hài hoà, thân thiện với tự nhiên và môi trường.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Ông Trần Ngọc Chính cho rằng, với trục đường ven biển chạy song song đường bờ biển để “phân lô”, phát triển thành “hành lang” các khu du lịch nghỉ dưỡng biển liền kề, đã làm giảm hiệu ứng “đóng - mở” đối với cảnh quan biển khi khách du lịch trải nghiệm cảnh quan đô thị và cảnh quan biển. Việc đầu tư vào các đô thị biển thành đô thị nghỉ dưỡng tại nhiều khu vực ven biển đã đánh mất đi rất nhiều vẻ đẹp lợi thế.

Hơn thế, sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... án ngữ tầm nhìn còn tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá.

“Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ, chưa hình thành hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hầu như địa phương ven biển nào cũng quy hoạch cảng biển, nhưng thiếu kinh phí xây dựng, nhiều công trình đầu tư dở dang. Không những thế, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc”, ông Chính nhấn mạnh.

Thực tế, đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển. 

Có thể thấy, chính công tác quy hoạch còn nhiều thiếu sót cùng tư duy “xa rừng, nhạt biển” của Việt Nam đã khiến quá trình tạo lập chuỗi đô thị biển nước ta gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả. Đặc biệt là những tài nguyên to lớn từ biển cả vẫn đang bị lãng phí theo thời gian./.

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top