Aa

Giải pháp nào để du lịch Nghệ An phát triển xứng tầm?

Thứ Năm, 27/07/2023 - 05:35

Với những đặc trưng về tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người, du lịch Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, tuy nhiên về thực tế ngành kinh tế này chưa thực sự phát triển xứng tầm.

Ngày 23/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1439/QĐ-UBND  phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 với thương hiệu đặc trưng là du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước và con người xứ Nghệ.

Chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%.

Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và Thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.

Đối với các chỉ tiêu phát triển du lịch Nghệ An, phấn đấu tổng khách du lịch khoảng 12,0-13,0 triệu lượt vào năm 2030, đạt khoảng 18,0 - 20,0 triệu lượt vào năm 2035. Trong đó, khách quốc tế khoảng 0,8-1,0 triệu lượt vào năm 2030, 1,0-1,2 triệu lượt vào năm 2035; khách nội địa khoảng 11,2-12,0 triệu lượt vào năm 2030, khoảng 17,0- 18,8 triệu lượt vào năm 2035. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng vào năm 2030, đạt khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng vào năm 2035. Tổng số lao động trong ngành du lịch từ 20.000 - 22.000 người vào năm 2030, 22.000 - 25.000 người vào năm 2035.

Vì sao du lịch Nghệ An “lép vế”?
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn nhưng du lịch Nghệ An thực sự chưa phát triển tầm. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Từ Chiến lược phát triển du lịch như trên có thể thấy rằng, tỉnh Nghệ An đã có những nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch và đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn nhưng nếu để so sánh với một số địa phương, khu vực khác trong nước như: Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế,… hay gần nhất đó là tỉnh Thanh Hóa thì có thể thấy du lịch Nghệ An thực sự chưa phát triển xứng với tiềm năng và còn “thua kém” hơn nhiều so với tỉnh bạn.

Nếu đơn giản chỉ nhìn nhận qua những số liệu và kết quả trong các bản báo cáo thì sự phát triển du lịch Nghệ An cũng không đến nỗi nào. Cụ thể: Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách lưu trú ước đạt 3,16 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ, khách quốc tế 32,5 nghìn lượt, tăng 249% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 4.434 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Thế nhưng, để phân tích rõ vấn đề, chúng ta cũng phải đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Đơn cử như trong số hàng triệu lượt khách đến du lịch Nghệ An hàng năm, sẽ có bao nhiêu người mong muốn quay trở lại? Con số hơn năm triệu lượt khách đến Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2023 so với các tỉnh, thành phố khác như thế nào, đó có phải là con số vượt trội? Mức độ hài lòng của du khách ra sao khi đến Nghệ An? Nếu đi sâu trả lời những câu hỏi như trên sẽ thấy rõ một số bất cập, tồn tại, hạn chế của ngành du lịch Nghệ An.

Lấy một ví dụ điển hình, đó là so sánh với tỉnh Thanh Hóa, với lợi thế và tiềm năng vốn có hơn hẳn nhưng du lịch Nghệ An vẫn thua về mọi mặt. Tại Thanh Hoá, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, địa phương đã đón hơn 8,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh ước đạt 15.072 tỷ đồng. Trong khi đó, Nghệ An chỉ vỏn vẹn đạt hơn 4,46 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.434 tỷ đồng!.

Theo đó, trên phương diện khách quan, phải thấy một điều rằng mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên Nghệ An lại có nhiều khó khăn, hạn chế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình…Đồng thời, cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông của tỉnh cũng chưa được đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hiện đại.

Đáng quan tâm, có một điều rất dễ nhận thấy đó là xuất phát điểm của du lịch Nghệ An khá thấp, sự đầu tư vào du lịch trong những năm gần đây dù đã được chú ý nâng cao song vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các điều kiện nền tảng hạ tầng cần thiết.

Các doanh nghiệp du lịch Nghệ An còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm. Đặc biệt cách làm du lịch ở Nghệ An hiện nay rất thiếu tính chuyên nghiệp, vẫn còn nặng về tư duy cơ hội, chụp giật, đánh quả, chặt chém. Lối tư duy, cách nghĩ và cách làm này hết sức tai hại bởi nó chính là nguyên nhân hàng đầu khiến rất nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Du lịch là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, trong đó uy tín, thương hiệu, sự đồng bộ kết nối các khâu từ lịch trình, ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… phải được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính lâu dài và bền vững.

Nếu không khắc phục được nguyên nhân có tính “truyền thống” này thì dù có đưa ra bất kỳ giải pháp nào, tổ chức bao nhiêu hội thảo, quảng bá tốt đến mấy thì du lịch Nghệ An cũng không thể nào cất cánh, sáng ngang với tỉnh bạn. Hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp trong du lịch cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành này ở Nghệ An đang bị "lép vế" so với khu vực.

Trong thời gian tới, để phát triển một cách mạnh mẽ ngành du lịch Nghệ An, vấn đề đặt ra là cần phải có chiến lược, kế hoạch bài bản, có tính lâu dài, trong đó chứa đựng những giải pháp mang tính đột phá và sáng tạo. Từ đó mới có thể đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành du lịch tỉnh nhà cần gắn kết với du lịch trong nước, quốc tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa. Nâng tầm sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cũng là nhiệm vụ cần hoàn thiện trong thời gian tới. Cùng với đó, phải tăng cường nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Cụ thể là cần thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy làm du lịch và dịch vụ. Đặc biệt, không thể làm du lịch với tâm lý “ăn xổi”, cùng tâm lý cạnh tranh không lành mạnh như tư duy “chụp giật”, “đánh quả”, văn hóa “chặt chém” trong du lịch và dịch vụ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top