Aa

Giải pháp nào giúp hạ nhiệt “cơn sốt ảo” đất nền vùng ven Sài Gòn?

Thứ Hai, 15/05/2017 - 06:30

Đánh giá thị trường BĐS tại TP.HCM, đặc biệt khu vực quận 9 và Nhơn Trạch, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) khẳng định có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền. Trong năm qua, giá đất nền vùng ven Sài Gòn đã tăng trên dưới 30%, thậm chí có khu vực tăng đến khoảng 70%. Vì vậy, đơn vị này cho rằng cần có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường BĐS.

Nhận định tình hình thị trường BĐS TP. HCM và các tỉnh miền Nam 4 tháng đầu năm 2017, Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng: "Nhìn toàn cục, thị trường BĐS vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%).

Về hiện tượng nguồn cung đất nền giá rẻ vùng ven tăng khá nhanh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng có hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, và huyện Cần Giờ.

“Trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Điển hình như đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2; giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10 -12 triệu đồng/m2; giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% trong 4 tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền quốc lộ 22 cũng đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2”, ông Châu nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu khẳng định có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền.

Ông Lê Hoàng Châu khẳng định có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay. Cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường BĐS và để bảo vệ người tiêu dùng. 

Nguyên nhân dẫn đến cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành được lãnh đạo HoREA lý giải do sự phát triển rất mạnh của hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh...) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá BĐS, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này. 

“Trong khi đó, chúng ta chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố trong thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP. HCM, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này”, ông Châu nói. 

Cơn

"Cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường".

Bên cạnh sự phát triển về hạ tầng, theo Chủ tịch HoREA, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP. HCM cũng là lý do để giới đầu nậu, cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền khu vực này lên cao. Đơn cử như Tập đoàn Tuần Châu đề xuất đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 60 km với quy mô 4 - 6 làn xe nối Bến Súc huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh về quận 1; Dự án thành phố mới tại huyện Củ Chi với quy mô trên 15.000 ha; Dự án thành phố ven biển (Marina City) quy mô khoảng 1.000 ha tại huyện Cần Giờ... 

Ông Châu khẳng định, hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng "sốt giá ảo" đất nền hiện nay và cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Theo đó, HoREA đề nghị công bố rõ TP. HCM chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh thành quận, hay thành lập tổ chức hành chính ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của TP. HCM.

HoREA cũng đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư “Đại lộ ven sông Sài Gòn”; “Thành phố ven biển (Marina City) Cần Giờ”, “Thành phố mới Củ Chi”;... để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân nắm rõ thông tin, tránh bị giới đầu cơ và cò đất lợi dụng đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Đồng thời, đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh BĐS với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, trong lúc theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014, hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh BĐS phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định.                        

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top