Aa

Giải pháp nào kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 19/05/2024 - 10:22

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp khó về đầu ra vì vướng nhiều điểm nghẽn trong đầu tư, chính sách, tài chính… Do đó, giải pháp về hoàn thiện pháp lý, hạ tầng quy hoạch, lành mạnh tài chính... sẽ sớm đưa phân khúc này trở lại đường đua.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn ngủ đông

Phát biểu tại diễn đàn "Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

"Nhiều chủ đầu tư trong thời gian vừa qua mặc dù đã tích cực đưa ra các quy hoạch và thiết kế, cơ cấu sản phẩm, tiện ích trong các khu nghỉ dưỡng để tạo nên các dịch vụ trong khu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng hoạt động đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn, một số chủ đầu tư triển khai dự án chậm khiến cam kết với khách hàng, người dân chưa được đảm bảo, xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng niềm tin và thị trường bất động sản", ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Giải pháp nào kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, trước tình hình khó khăn đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tới các Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn, ngân hàng cố gắng triển khai, có các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Với nhiều giải pháp trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Sinh tin tưởng rằng, thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ.

Đại diện địa phương, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hòa cho hay, về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/03/2023 với định hướng Vùng động lực phát triển là chuỗi đô thị Vân Phong-Nha Trang-Cam Lâm-Cam Ranh và định hình cho thành phố biển trung tâm của vùng trong tương lai. Đây chính là "bệ phóng", là hành trang pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp khi triển khai các dự án tại địa phương.

"Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Đáng chú ý, dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được thông xe mới đây đã kết nối TP. HCM với Nha Trang thành một tuyến cao tốc với thời gian di chuyển rút ngắn chỉ còn 4 - 5 giờ", ông Nhân cho biết.

Giải pháp nào kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?- Ảnh 2.

Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Khánh Hòa.

Các nhà phát triển bất động nghỉ dưỡng đã sẵn sàng trở lại đường đua

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hoà cho hay, thị trường bất động sản Khánh Hòa đang ghi nhận những tín hiệu ấm trở lại. Bất động sản Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung sở hữu những tiềm năng rất lớn để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đáng chú ý, mới đây dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được thông xe, đây chính là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP. Hồ Chí Minh với Nha Trang. Với tuyến cao tốc này, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang chỉ còn khoảng 4-5 giờ đồng hồ. Theo ông Quý, việc thông xe tuyến cao tốc này sẽ tạo cú huých rất lớn cho sự phát triển của du lịch biển, kéo theo đó là thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có cơ hội hồi phục.

Năm 2024, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục và giữ được sự tăng trưởng bền vững thông qua nhiều dấu hiệu tích cực.

Việc các hãng hàng không lớn đẩy mạnh các đường bay thẳng từ Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc đến Khánh Hòa cũng là tín hiệu tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng Nha Trang. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, trong năm 2023, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã phục vụ khoảng 16.000 chuyến bay Quốc tế với gần 2,4 triệu lượt khách đến và đi.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh chia sẻ: "Thị trường du lịch nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục trong năm 2024. Vì vậy, những doanh nghiệp biết chuẩn bị sẵn nguồn lực vững chắc về tài chính, quỹ đất, vị trí quỹ đất, pháp lý... chắc chắn sẽ giành vị thế đi trước".

Cũng theo ông Thanh, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng… Đặc biệt, theo quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030" sẽ là động lực để các doanh nghiệp phát triển dự án đẩy nhanh tiến độ, đẩy thêm nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng mới vào thị trường.

Dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của thị trường do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại.

Do đó, ông Thanh cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tập trung đầu tư, xây dựng phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng hướng tới mục tiêu xanh và bền vững tại địa phương như: Du lịch sinh thái, Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền mang tính đặc thù của địa phương,…

Giải pháp nào kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?- Ảnh 3.

Năm 2024, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục và giữ được sự tăng trưởng bền vững thông qua nhiều dấu hiệu tích cực.

Bối cảnh mới cần giải pháp toàn diện kích hoạt thị trường

Sang năm 2024, nhiều chính sách, tín hiệu tích cực đã dẫn dắt thị trường bước vào một chu kỳ mới. Đơn cử như việc mặt bằng lãi suất giảm đáng kể sau khi Ngân hàng Nhà nước có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất điều hành. Một khi dòng tiền được khơi thông, cộng hưởng cùng nhiều động thái "đồng lòng" tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các cơ quan ban ngành, đặt trong bối cảnh kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần có nhiều động lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói: "Để hồi sinh loại hình condotel, nhà nước cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý".

Giải pháp nào kích hoạt bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua?- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án nhưng phải tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Địa phương và doanh nghiệp cần phải có cái ráo riết thúc đẩy hơn nữa với tinh thần "Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường", để tình thế khó khăn lâu quá càng bị kẹt, theo cách cũ sẽ kẹt mãi thôi. Do đó phải có một tư duy khách, vượt qua lối cũ để tháo gỡ khó khăn còn tồn tại trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng".

Vị chuyên gia cũng cho rằng, chính quyền cần phải có sự chia sẻ với doanh nghiệp làm dự án bất động sản nghỉ dưỡng, điều này liên quan trực tiếp đến thu nhập, việc làm của người dân, thu nhập ngân sách của địa phương, thu nhập của chính cán bộ địa phương… Ông Thiên nêu, Nha Trang - Khánh Hòa là một ví dụ điển hình về phát triển kinh tế đêm, khi diện mạo "thay đổi rõ rệt". Khi du lịch ấm lên thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có những triển vọng khởi sắc.

Các tham luận tại Diễn đàn đã tổng hợp 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai gần.

Cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Các địa phương sớm định hướng và lồng ghép tích hợp vào quy hoạch tỉnh phương án phát triển bất động sản du lịch, cũng như quy hoạch khác có liên quan để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững. Mặt khác, các địa phương có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng tại các vùng, khu du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng; đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Cuối cùng, các địa phương cần quan tâm phát triển lành mạnh tài chính bất động sản (thị trường vốn, thuế, phí, quỹ đầu tư…) phù hợp; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top