Aa

Giải pháp nào thoát khỏi “cửa tử” khi xảy ra hỏa hoạn nhà ống đô thị

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Tư, 30/08/2023 - 06:00

Hàng loạt trường hợp cháy nhà ống gần đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn những câu chuyện thương tâm về những ngọn lửa bùng lên khó có thể dập tắt suốt bao năm qua. Vậy làm thế nào để thoát khỏi “cửa tử”?

Vừa qua, trong cùng ngày 29/8, hai vụ cháy đồng thời diễn ra, để lại những thương vong về người và của. 

Vụ việc thứ nhất, khoảng 8h35 phút, khói đen bốc ra nghi ngút từ tầng 1 của ngôi nhà  - nơi cho cửa hàng làm tóc thuê tại ngõ 171 Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). 

Vào thời điểm ấy, nhiều người dân phát hiện và hô hoán nhau chạy tới phá cửa cuốn dập lửa. Đến hơn 9h, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ việc không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. 

Vụ việc thứ hai kém may mắn hơn. Lửa bùng lên vào lúc 7h sáng thiêu rụi dãy nhà trọ dành cho người ở xa tới TP.HCM thuê nghỉ chờ đi khám tại Bệnh viện Y dược tại  hẻm trên đường Mạc Thiên Tích (phường 11, quận 5, TP.HCM). 20 phút sau đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Khi vào hiện trường cháy, lực lượng chức năng phát hiện thi thể 2 nạn nhân 16 và 19 tuổi.

Nhà ống cháy.
Cháy dữ dội ở dãy nhà cho thuê.
Nhà ống cháy.
Cửa cuốn tầng 1 được người dân chống lên để vào dập lửa.

Vụ cháy ở Nguyễn Ngọc Vũ (Hà Nội) (bên trái) và đường Mạc Thiên Tích (TP.HCM) (bên phải).

Điểm chung của những vụ cháy này là thiết kế nhà ống bị bọc kín mít bởi chuồng cọp, không có lối thoát hiểm kịp thời cho người dân. Với kiểu thiết kế này gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc. Thực tế này cho thấy cần thiết phải có lối thoát hiểm tại nhà ống để cứu thoát người dân khỏi “cửa tử”.

Hiện nay, đa số nhà đô thị và nhà mặt đường ở Hà Nội đều là kiểu “nhà ống”, hai bên và phía sau bịt kín, thường chỉ có 1 lối ra, nên khi xảy ra cháy nổ, khói men theo đường trụ chính thoát hiểm, vì vậy người dân rất khó thoát nạn. (Ảnh: Thu Thu)
Hiện nay, đa số nhà đô thị và nhà mặt đường ở Hà Nội đều là kiểu “nhà ống”, hai bên và phía sau bịt kín, thường chỉ có 1 lối ra, nên khi xảy ra cháy nổ, khói men theo đường trụ chính thoát hiểm, vì vậy người dân rất khó thoát nạn. (Ảnh: Thu Thu)

Nỗi lo đeo bám khi sống trong những ngôi nhà ống lồng sắt

Đầu tháng 7/2023, Hà Nội xảy ra vụ cháy ở ngõ Thổ Quan khiến 3 người thiệt mạng. Vụ cháy diễn ra vào lúc 5h30 sáng nhưng phải đến 11h trưa lửa mới được dập tắt.

Ngôi nhà ống 6 tầng được gia công kiên cố, không có ban công, kết cấu bê tông cốt thép, duy chỉ tầng tum có lối thoát hiểm nhưng khi xảy ra cháy, khói bốc lên cao theo lối cầu thang bộ, các nạn nhân dù có chạy lên cũng không kịp thoát hiểm. Toàn bộ cửa sổ ngôi nhà đều có gắn song sắt bên trong khiến việc phá song sắt giải cứu người mắc kẹt mất nhiều thời gian. 

Đây cũng là tình trạng chung của ngôi nhà trên các tuyến phố ở Hà Nội: Nhà dân chống trộm trước khi chống cháy, thiếu lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm không đảm bảo khá phổ biến. Ngoài ra, do mật độ cư dân lớn, nhiều người dân đã lấn chiếm và tận dụng từ cm để tạo nên căn nhà ống rộng nhất để sinh hoạt.

Tại Hội nghị sơ kết hai tháng cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, do Bộ Công an vừa tổ chức, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: nguyên nhân các vụ cháy gây thiệt hại về người là do nhiều khu tập thể, “nhà ống” không có lối thoát nạn thứ hai; mặt bằng nhà ở thường được sử dụng tối đa vào việc để vật liệu, hàng hóa phục vụ kinh doanh, che chắn, cản trở lối thoát nạn. Tại khu đông dân cư, đặc biệt ở thành phố lớn, ban công nhà ở thường gia cố rất chắc chắn nên khi cháy xảy ra không có lối thoát nạn dự phòng. 

Nhà ống cháy ở ngõ Thổ Quan
Thảm kịch cháy nhà thương tâm khiến 3 người tử vong tại ngõ Thổ Quan. Ngôi nhà 4 tầng có duy nhất cầu thang chính là lối thoát hiểm. Phải đến tận trưa, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. (Ảnh: Thu Thu)

Cùng trong con ngõ Thổ Quan là ngôi nhà 4 tầng của anh Mạnh. Ngôi nhà của anh có dáng dấp tương tự ngôi nhà bị cháy. Trong diện tích vẻn vẹn 25m2, để đủ cho đại gia đình 7 người sinh sống, anh Mạnh không làm ban công mà chỉ thiết kế cửa sổ và bọc nhà bằng bê tông. Nhà anh chỉ có tầng tum được thiết kế có một có lối thoát hiểm bé xíu lên tầng thượng và không có lối thoát hiểm khác. 

“Nhà tôi dùng cửa cuốn, lúc làm thì thấy nó tiện lợi, đến giờ thấy những vụ cháy nhà, phá cửa cuốn mới thấy sợ”, anh Mạnh liên tục bồn chồn và lo lắng suốt thời gian qua.

Thế nhưng, không phải ngôi nhà ống nào cũng có thiết kế bịt toàn bộ đường sống như vậy. Chứng kiến nhiều vụ cháy nhà ống do không có lối thoát hiểm, nhiều người dân đã nghĩ đến tìm ra những giải pháp thoát hiểm và áp dụng cho nhà mình. 

Dù vậy, khi chứng kiến tình trạng cháy nhà ống liên tục xảy ra thời gian gần đây, chính bản thân họ vẫn luôn thường trực nỗi bất an.

Sống liền kề với ngôi nhà bị cháy ở Thổ Quan, chị Phạm Thị Thúy liên tục cảm thấy bất an vì chuyện xảy ra ngay sát nhà mình. Nhà chị Thúy 5 tầng, được xây dựng ban công rộng ở tất cả các tầng, có lối thoát hiểm sang nhà hàng xóm. “Tôi cũng chuẩn bị thang dài để dong từ các tầng xuống. Tầng 1 được chuẩn bị sẵn bình chữa cháy để phòng trừ trường hợp bất trắc”, chị Thúy chia sẻ.

Nhà ống cháy.
Nhà chị Thúy có phần ban công khá rộng để phục vụ cho mục đích thoát hiểm. (Ảnh: Thu Thu)

Ngõ Thổ Quan có diện khá rộng, tuy nhiên đội PCCC vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với ngôi nhà. 

Do đó, nhiều ngôi nhà nằm trong những con hẻm, ngách nhỏ xập xệ, xuống cấp, tối tăm và chằng chịt dây điện, đường ống dẫn nước, người dân đã phải có giải pháp “tự cứu lấy chính mình”. Tuy nhiên, đặc thù nhà trong ngách diện tích đã tương đối khiêm tốn, do đó việc “tự cứu lấy mình” vẫn chưa thực sự được người dân đặt lên hàng đầu. 

Nằm ở số 2 ngách 69 ngõ Văn Hương, vốn hẻm đã rất nhỏ chỉ vừa 2 người lách qua nhau, lại có dây điện chằng chịt, đèn đường mờ ảo, các nhà xung quanh xây “ăn gian” phần chuồng cọp chìa ra ngoài, căn nhà 4 tầng mà ông Nguyễn Văn Hưng đã ở 70 năm sau 6h tối bỗng trở nên lụp xụp, tối tăm hơn bao giờ hết. 

“Lúc xây nhà tôi cố gắng làm cẩn thận phần đường dây điện, xây dựng 2 sân không để trống phục vụ cho mục đích thoát hiểm”, ông Hưng chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Hưng cho biết, phường đã rất quan tâm bằng việc gắn bình xịt PCCC ngay đối diện nhà cho cả con hẻm sử dụng. 

Bình xịt cứu hỏa được phường gắn ở trước nhà dân. (Ảnh: Thu Thu)

Những con hẻm nhỏ xíu chằng chịt dây điện, đường ống dẫn nước... là hình ảnh không hiếm thấy tại đường phố Hà Nội. (Ảnh: Thu Thu)

Những con hẻm nhỏ xíu chằng chịt dây điện, đường ống dẫn nước... là hình ảnh không hiếm thấy tại đường phố Hà Nội. (Ảnh: Thu Thu)

Những con hẻm nhỏ xíu chằng chịt dây điện, đường ống dẫn nước... là hình ảnh không hiếm thấy tại đường phố Hà Nội. (Ảnh: Thu Thu)

Điều ông Hưng lo lắng hơn cả là những ngôi nhà san sát của hàng xóm thì không phải nhà nào cũng có ý thức như vậy.

Cứ 10 nhà thì có 8 nhà lấn chiếm diện tích, bọc bê tông kín mít hoặc xây chuồng cọp chống trộm. “Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, đường hẹp, nhà sát, dây điện chằng chịt thì nguy cơ lan rộng rất nhanh”, ông Hưng lo lắng cho hay.

Thực tế cho thấy, ngoài một phận lớn người dân bỏ ngoài tai những vấn đề về an toàn trong thiết kế nhà ống, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân đã bước đầu có những giải pháp thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ.

Tuy nhiên, giải pháp này đã thực sự đủ để mở đường sống cho người dân khi ngọn lửa bùng lên hay chưa?

Lối thoát nào để mở đường sống khi cháy nhà ống?

Hiện nay, việc sử dụng giải pháp thiết kế ban công rộng để thoát hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình, tuy nhiên, theo Ths. KTS. Đào Xuân Quang: “Ban công rộng là một trong các giải pháp thoát hiểm hiện nay không chỉ đối với nhà ở trong ngõ mà còn được áp dụng đối với các nhà ở trong đô thị, tuy nhiên từ tầng thứ 3 trở đi, sử dụng ban công không còn hiệu quả. Khi đó ban công ở khoảng không cao hơn nhiều so với mặt đất, việc lựa chọn đi từ ban công xuống sẽ trở thành mối nguy hiểm về cả tâm lý và phương thức thoát hiểm. Ngoài ra, các ban công khi mở gần các hệ thống lưới điện chằng chịt gây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn. Trong trường hợp xấu, dây điện chập gây cháy nổ, ban công trở thành nguồn cơn gây cháy nổ diện rộng”.

“Mạng nhện” dây điện đấu nối chằng chịt trên không, có phần “kết nối” chặt chẽ với ban công, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và bành trướng đám cháy trong trường hợp xấu. (Ảnh: Thu Thu)

“Mạng nhện” dây điện đấu nối chằng chịt trên không, có phần “kết nối” chặt chẽ với ban công, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và bành trướng đám cháy trong trường hợp xấu. (Ảnh: Thu Thu)

“Mạng nhện” dây điện đấu nối chằng chịt trên không, có phần “kết nối” chặt chẽ với ban công, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và bành trướng đám cháy trong trường hợp xấu. (Ảnh: Thu Thu)

“Mạng nhện” dây điện đấu nối chằng chịt trên không, có phần “kết nối” chặt chẽ với ban công, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và bành trướng đám cháy trong trường hợp xấu. (Ảnh: Thu Thu)

“Mạng nhện” dây điện đấu nối chằng chịt trên không, có phần “kết nối” chặt chẽ với ban công, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và bành trướng đám cháy trong trường hợp xấu. (Ảnh: Thu Thu)

Ths. KTS. Đào Xuân Quang.

KTS. Đào Xuân Quang cho biết nhà ống có cả ưu và nhược điểm trong việc thiết kế giải pháp thoát hiểm khi có sự cố, tuy nhiên nhược điểm chiếm phần lớn. Về ưu điểm, KTS nhận định nhà ống đô thị tiếp cận trực tiếp với các trục đường, ngõ,… đây là các lối tiếp cận nhanh nhất ra các khu vực bố trí hệ thống chữa cháy đô thị. Ngoài ra, với vị trí sát nhau, khi sự cố xảy ra có thể thoát hiểm sang các công trình lân cận.

Thế nhưng, có 4 nhược điểm có thể đưa con người vào “cửa tử” nếu không có phương pháp khắc phục hợp lý. 

Đầu tiên, mặt đứng tiếp giáp trực tiếp với trục đường, ngõ,… không có khoảng lùi cứu hộ phù hợp dẫn đến việc tắc nghẽn giao thông. 

Thứ hai, khó có thể đồng bộ về giải pháp thoát hiểm dựa trên quy hoạch bố trí các khoảng thoát hiểm phía sau nhà, do thực tế người dân khi xây nhà để tối ưu hóa diện tích và không chừa ra phần diện tích thoát hiểm ở sân sau. 

Thứ ba, mặt đứng và mặt sau thường bố trí hàng rào, lan can chống trộm gây cản trở khi thoát hiểm, cũng như cứu hộ khó tiếp cận khi hỏa hoạn. 

Cuối cùng, thường thì nhà ống chỉ bố trí duy nhất một cầu thang bộ, đây cũng là một trong các lối thoát hiểm. Trong trường hợp có sự cố cháy nổ, đây là nơi khói và lửa dễ dàng lên đến các tầng trên.

Nhà ống Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Nhà ống Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Các công trình nhà ống được xây dựng theo mô típ có phần giống nhau, liệu đây có thật sự là mẫu số chung an toàn?

Theo KTS, những nhược điểm tuy khó khắc phục nhưng vẫn có thể xử lý được bằng các giải pháp. Trong đó:

Với trường hợp thứ nhất và thứ hai, khi không có khoảng lùi cứu hộ, cần bố trí logia, ban công theo quy định xây dựng, không những là bộ phận mang tính thẩm mỹ cho công trình, mà còn góp phần chắn nắng, che mưa và để dễ dàng thoát hiểm khi gặp sự cố. Ngoài ra, cần bố trí các hệ thống thang dây tại các cửa sổ, ban công, logia, ở các vị trí thuận lợi, dễ quan sát, đảm bảo thẩm mỹ.

Với trường hợp thứ ba, với các chuồng cọp “chống trộm” mà quên “chống cháy”, các hệ thống khung sắt bảo vệ tại ban công, logia (nếu có) phải luôn thiết kế có cửa mở, không hàn kín.

Với trường hợp cuối cùng, để nhà ống không chỉ có 1 lối thoát hiểm, cần bố trí sân thượng và giếng trời. Tuỳ vào địa hình cụ thể mà người bị nạn ở vị trí sân thượng có thể thoát hiểm sang nhà hàng xóm kế bên, hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ. Giếng trời giúp thông thoáng và thoát khói thẳng lên trên khi sự cố cháy xảy ra, giảm quẩn khói trong nhà gây ngạt. Bên cạnh đó, trên sân thượng cần bố trí thang cứng hoặc thang dây, có thể dễ dàng tiếp cận sang các công trình lân cận khi cần thiết.

Ngoài ra, cửa sổ, cửa đi mặt đứng nên mở rộng tối đa, có thể sử dụng khung bảo vệ tháo lắp di động, thuận tiện khi thoát hiểm ra ngoài; cửa ra vào cần được thiết kế thuận tiện cho việc đóng mở, ưu tiên các loại chốt hãm; cửa chính luôn được bố trí mở hướng ra ngoài để có thể dễ dàng thoát ra ngoài khi có sự cố xảy ra; luôn bố trí các thiết bị chữa cháy ở các tầng, tại các vị trí cầu thang, lối đi lại, đảm bảo thẩm mỹ; bố trí hệ thống báo cháy, báo khói, chữa cháy tự động và kiểm tra, bảo trì thường xuyên các thiết bị này.

“Nhược điểm của nhà ống khá nhiều nhưng do con người làm không đúng quy định nên các nhược điểm mới không thể xử lý được. Rủi ro cháy nhà hoàn toàn có thể phòng tránh được, yếu tố tiên quyết là ý thức chấp hành của của con người. Người dân cần tuân thủ tất cả các nguyên tắc xây nhà đảm bảo PCCC, không xâm lấn khoảng diện tích để thiết kế cứu hộ, thoát hiểm”, KTS. Đào Xuân Quang khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top