Aa

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp?

Thứ Sáu, 18/04/2025 - 12:11

Nhà dành cho người thu nhập thấp là vấn đề nan giải của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian gần đây. Bên cạnh việc phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp để đa dạng nguồn cung nhà ở cho nhóm khách hàng này.

“Cần phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn”

Đây là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Ông Đính cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy phát triển phân khúc Nhà ở xã hội, để hỗ trợ lao động trẻ, Nhà nước cần sớm nghiên cứu phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn với giá rẻ, ưu tiên nhóm lao động trẻ, công nhân viên chức, trí thức trẻ, các lao động làm việc trong ngành nghề trọng điểm.

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp?- Ảnh 1.

Thị trường cần phát triển quỹ nhà ở cho thuê dài hạn để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người trẻ. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Nhà nước cũng cần khuyến khích các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở giá rẻ thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ vay vốn hoặc giảm chi phí đất. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng, giúp người lao động dễ dàng di chuyển từ khu vực giá rẻ đến trung tâm làm việc. Về khía cạnh này, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Nhà nước có thể nghiên cứu áp dụng mô hình ký túc xá cho lao động đô thị như tại Singapore. Theo đó, tại Singapore, Chính phủ cung cấp nhà ở giá rẻ cho người trẻ, người độc thân và lao động có trình độ thông qua HDB Public Rental Scheme và BTO (Build-to-Order). Người lao động trẻ mới ra trường, chưa có khả năng mua nhà, có thể thuê căn hộ HDB với giá thấp hơn thị trường 40-50%. Khi có đủ tài chính, họ có thể mua căn hộ BTO với chương trình trợ giá và và vay mua nhà lãi suất thấp.

Thứ hai là Purpose-Built Dormitories (Ký túc xá chuyên dụng cho lao động), chủ yếu phục vụ lao động nhập cư và lao động trẻ chưa có nhà ở ổn định. Mỗi ký túc xá có sức chứa từ 1.000 - 25.000 người, được quản lý theo mô hình hiện đại với phòng ở sạch sẽ, an ninh đảm bảo, có khu sinh hoạt chung, bếp ăn, nhà tắm, phòng giải trí. Hệ thống vận hành chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động.

Bên cạnh đó, đối với chủ đầu tư, để đảm bảo thị trường BĐS phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm nhà ở có giá phù hợp hơn với nhu cầu của đại đa số người dân. Bởi mặc dù nhu cầu về nhà ở cao cấp cũng rất lớn, nhưng nhu cầu chính và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị trường là nhà ở giá bình dân, trung cấp. Thị trường BĐS sẽ buộc phải điều chỉnh khi cung - cầu ngày càng lệch pha khiến sức mua giảm sút, khi người có nhu cầu mua nhà ở để ở không đủ năng lực tài chính, nhà đầu tư cũng “chán” vì tỷ suất cho thuê thấp, giá trị khó có thể tăng mạnh trong tương lai.

“Triển khai mô hình quỹ Nhà ở Quốc gia là cần thiết"

Đó là ý kiến của bà Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội. Việc nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, giá bất động sản không ngừng tăng cao, trong khi thu nhập trung bình của người dân tại các thành phố vẫn còn thấp, nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn. Do đó, Quỹ Nhà ở Quốc gia có thể là giải pháp tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội, gia tăng khả năng tiếp sở hữu nhà của người lao động. Thêm vào đó, nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ được duy trì ổn định, đảm bảo cân bằng về nguồn cung, từ đó tạo ra sự cân bằng cung – cầu cho thị trường bất động sản. Có thể thấy, mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia không những có thể đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, giải quyết nhu cầu nhà ở và ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp?- Ảnh 2.

Việc nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình. Ảnh: Thời báo Tài Chính

Nếu Quỹ Nhà ở Quốc gia được thông qua và triển khai, để phát huy hiệu quả, cần xác định mục tiêu rõ ràng, đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường quản lý minh bạch.

Quỹ cần tập trung hỗ trợ tài chính cho người dân có nhu cầu mua hoặc thuê nhà với mức giá phù hợp. Trên thực tế, nhiều người lao động có thu nhập trung bình thấp không đáp ứng đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà ở thương mại, đặc biệt tại các đô thị lớn. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore và Trung Quốc cho thấy Quỹ Nhà ở Quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền có nhà ở cho người lao động. Do đó, cần có cơ chế đánh giá mức độ đóng góp và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng để đảm bảo tính công bằng và đúng mục tiêu.

Bên cạnh nguồn đóng góp từ người lao động, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, để Quỹ Nhà ở Quốc gia hoạt động bền vững, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản. Đổi lại, nhà nước có thể áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, vv…nhằm thu hút đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.

Ngoài ra, để Quỹ Nhà ở Quốc gia vận hành hiệu quả, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và minh bạch nhằm tránh thất thoát, tham nhũng và đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Một số giải pháp có thể áp dụng bao gồm: ban hành quy định cụ thể về cách thức huy động, quản lý và phân bổ quỹ; quy định tiêu chuẩn nhà ở nhằm tránh tình trạng xây dựng kém chất lượng; đặt ra các điều kiện ràng buộc để ngăn chặn đầu cơ, sử dụng sai mục đích; xây dựng cổng thông tin điện tử công khai về các khoản thu - chi, danh sách thụ hưởng, tiến độ dự án; và thiết lập cơ chế giám sát độc lập, cho phép người dân cũng như các tổ chức xã hội theo dõi hoạt động của quỹ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top