Bài 3: Đi tìm mô hình phát triển phù hợp

Bài 3: Đi tìm mô hình phát triển phù hợp

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 19/10/2021 - 06:00

Hiện tại và tương lai, Việt Nam cần những KCN có sức đề kháng tốt hơn với dịch bệnh, hướng tới xanh, sạch, công nghệ cao và gắn với khu đô thị, dịch vụ, tạo thành những thành phố thu nhỏ…  

Lời tòa soạn:

Thiếu hụt trầm trọng nhà ở cho công nhân là thực tế đáng quan ngại đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, vẫn chưa thể tháo gỡ nút thắt này, đời sống công nhân và người lao động trong khu công nghiệp vẫn rất khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp, không đảm bảo.

Đa phần công nhân tại các khu công nghiệp sống trong trong những khu trọ chật hẹp, ẩm thấp, không khác nào những "quả bom nổ chậm" luôn trực chờ bùng phát dịch. Và thực tế, làn sóng Covid thứ 3 và thứ 4 của Việt Nam cho thấy, các khu công nghiệp là nơi dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ biến thành những đại ổ dịch, bão Covid quét qua để lại rất nhiều hệ quả. Dây chuyền sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đời sống công nhân đã bấp bênh nay càng thêm chênh vênh. 

Mặt khác, việc công nhân phải thuê trọ ở xa khu công nghiệp cũng là lý do quan trọng khiến các khu công nghiệp phải dừng sản xuất, gián đoạn, tắc nghẽn… khi công nhân không thể di chuyển đến chỗ làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội. "Miền đất hứa" thu hút "đại bàng làm tổ" cho bất động sản công nghiệp cũng vì thế mà trở nên kém hấp dẫn...

Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững. Và một vấn đề đặt ra là nên chăng, cần có nghiên cứu và thống nhất phát triển những mô hình khu công nghiệp đồng bộ, gắn với thiết chế nhà ở cho công nhân, người lao động, thay vì tách rời như hiện nay. Phát triển khu công nghiệp xanh hay khu công nghiệp sinh thái, suy cho cùng cũng cần phải bắt nguồn từ yếu tố con người và vì con người. 

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Tháo gỡ nút thắt nhà ở công nhân nhìn từ tác động của đại dịch Covid-19. Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Nhận thức về sự cần thiết của một mô hình khu công nghiệp (KCN) mới mang tính chất “may đo”, hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các “đại bàng” FDI và phát triển bền vững đang được thể hiện ngày càng rõ nét hơn khi không chỉ các doanh nghiệp mà các nhà quản lý đang dần quan tâm và đưa ra những kiến giải phù hợp.

Khu công nghiệp đa chức năng, gắn liền với đô thị, dịch vụ: Hướng đi không thể khác

PGS.TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu Định cư và năng lượng bền vững cho hay, hiện tại, quá trình thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa thực hiện đồng bộ hai yếu tố căn bản là khảo sát xã hội học của người sử dụng và xác lập không gian cư trú và việc làm bền vững cho các KCN hay khu đô thị công nghiệp. Nếu làm tốt các yếu tố này sẽ tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên cho công nhân - người mua, thuê nhà tụ họp sinh sống trong các khu vực có quy hoạch và phát triển đồng bộ như dạng đô thị công nghiệp thời công nghiệp hóa. Có như vậy, quá trình phát triển nhà ở công nhân và nhà ở giá thấp mới đúng đối tượng và bền vững.

Theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, Việt Nam sẽ dành khoảng 205,8 nghìn ha làm KCN. Trong đó, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN gồm: Giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh...

Việc hình thành các KCN trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí như: Phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính. Thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Dự thảo cũng quy định, sẽ giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những KCN không triển khai, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển. Xây dựng quy hoạch KCN phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.

Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng cho thấy, các Bộ ngành đang tích cực vào cuộc để tạo ra nền tảng quy hoạch và pháp lý tốt cho việc phát triển các khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp trong trương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và hướng tới thu hút đầu tư FDI bền vững.

Trước đó, Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (có hiệu lực từ 10/07/2018) cho phép quy hoạch và phát triển KCN - đô thị - dịch vụ đã mở ra một hướng đi để giải quyết cho vấn đề thu hút lao động và giải quyết nhu cầu an sinh của người lao động tại các KCN.

Cụ thể, trong KCN - đô thị - dịch vụ, KCN là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho KCN, có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ của khu, được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của KCN. Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ không vượt quá 1/3 quy mô diện tích KCN.

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là hướng phát triển tất yếu. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là một mũi tên nhắm đến nhiều mục đích. Theo đó, mô hình này giúp hình thành đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong các khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với đô thị tại các địa phương. Đồng thời giải quyết vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hóa và các tiện ích xã hội, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.

Mặt khác, phát triển đô thị - dịch vụ đúng tầm với phát triển công nghiệp tạo nên môi trường sống lý tưởng cho các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao - những nhân tố quan trọng cho phát triển công nghiệp ổn định và bền vững. Ngoài ra, làm tốt công tác đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, giảm áp lực cho các đô thị trung tâm, thành phố lớn.

“Việt Nam cần phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển KCN một cách hiệu quả, phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường. Đối với một số mô hình KCN đang là xu hướng phát triển và được Nhà nước khuyến khích như KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ… cần sự gắn kết và tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, những chuyên gia, công nhân, người sử dụng dịch vụ trong KCN phải được hưởng lợi từ những đô thị dịch vụ gắn liền với KCN…”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho hay, chúng ta không thể tách rời KCN và khu đô thị như trước đây. Bởi thực tế nhiều KCN đã hình thành lên nhưng không có bất động sản dân dụng (khu đô thị, hạ tầng tiện ích), không có nhà ở cho công nhân, cán bộ dẫn đến rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội nên phải bỏ hoang, hoặc chỉ được lấp đầy một phần.

“Bất động sản công nghiệp không thể phát triển bền vững nếu không đi kèm với bất động sản dân dụng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

TS, Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, khi xây dựng và phát triển khu đô thị công nghiệp thì vấn đề môi trường là vấn đề tối thiểu phải giải quyết, sau đó là vấn đề kiến tạo không gian sống chất lượng. Bởi lúc này, chúng ta không chỉ đơn thuần là phát triển công nghiệp nữa mà còn gắn liền với đời sống an sinh của người lao động, liên quan đến nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí. Đây là những nhu cầu tất yếu, vốn dĩ đã cần nhưng hiện nay đòi hỏi sự cấp thiết hơn.

“Chúng ta phải tạo ra một không gian đủ thuận tiện cho việc dịch chuyển, cung ứng dịch vụ. Nhưng về lâu dài, chỉ thuận tiện thôi chưa đủ mà dần phải tiến lên thực hiện tiêu chí đáng sống. Bước phát triển mới đòi hỏi gắn với đầu tư chất lượng, công nghệ hiện đại, gia tăng lợi nhuận nhưng đi kèm với đó là kỹ năng lao động. Mà kỹ năng lao động gắn liền với 1 tầng lớp đặc biệt đó là các chuyên gia. Để các chuyên gia đến làm việc dài hạn thì phải tạo ra khu đô thị đáng sống mới thu hút họ đến sống và làm việc.

Hướng phát triển tích hợp KCN và khu đô thị sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi sắp tới đang có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.

Vượt qua thách thức ra sao?

Đi tắt đón đầu xu hướng phát triển mới, nhiều chủ đầu tư KVN đã triển khai mô hình khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại các địa phương. Đơn cử như chuỗi các KCN, đô thị và dịch vụ của VSIP tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Dương, có tổng quỹ đất hơn 8.600ha bao gồm đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ. VSIP đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho 840 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 14 tỷ USD, kiến tạo môi trường sống, làm việc cho hơn 250.000 lao động trong nước và nước ngoài.

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ
Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ VSIP. 

Ngoài các dự án của các chủ đầu tư chuyên phát triển KCN, hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc như Vingroup, Him Lam... cũng đang có kế hoạch đầu tư các khu đô thị công nghiệp hoặc liên kết, hợp tác, trở thành đơn vị tư vấn cho việc phát triển khu đô thị, dịch vụ tại các KCN.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, hiện còn nhiều khó khăn phải đối mặt khi triển khai mô hình này.

“Ở một số nước trên thế giới, các KCN phát triển rất bài bản. Đơn cử như, Chính phủ cấp cho nhà đầu tư 1ha làm nhà xưởng thì sẽ cấp thêm 1ha cho nhà đầu tư làm nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện để công nhân gắn bó với KCN. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta hiện nay phát triển nhiều khu công nghiệp nhưng công nhân không có chỗ ở, trở thành gánh nặng cho địa phương về các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội khác.

Tóm lại, bên cạnh các điều kiện để phát triển KCN thì vấn đề cuối cùng vẫn là chỗ ăn chỗ ngủ cho công nhân. Chính Phủ phải có chính sách rõ ràng đối với đất xây dựng nhà ở cho người lao động thì cần phải miễn thuế đất để tạo điều kiện cho nhà đầu tư”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, đơn vị đang triển khai dự án KCN Nam Cầu Kiền cho biết, các nhà đầu tư hiện nay rất quan tâm đến yếu tố xanh, phát triển bền vững để sẵn sàng hội nhập, tham gia vào các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó, nhất là vấn đề pháp lý.

“Chúng ta chưa tích hợp giữa các luật với nhau như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, mà khó nhất là Luật Đất đai. Ví dụ, Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế nhưng Luật Thuế lại không. Hoặc Luật Xây dựng, nếu định dạng KCN đô thị, sinh thái nhưng Nghị định 82 lại đưa ra quy định KCN phải có điều kiện hạ tầng tốt, dịch vụ thiết yếu cho người lao động, mà các dịch vụ này lại vi phạm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Chỗ nào cũng vướng, doanh nghiệp rất khổ. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy một thực tế rằng, lao động, công nhân không có nhà ở thì họ không thể yên tâm sản xuất, kinh doanh, nguy cơ sau dịch sẽ thiếu lao động”, vị đại diện doanh nghiệp khẳng định và cho rằng, muốn thu hút được các nhà đầu tư xây dựng KCN thì tất cả các Luật phải tích hợp được với nhau.

Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, sự gắn bó chặt chẽ giữa KCN và khu đô thị sẽ đòi hỏi sự quy hoạch bài bản, cụ thể và chi tiết với tầm nhìn dài hạn hơn để tạo thành một tổng thể thống nhất. Trong đó, phải ước lượng được nhu cầu ở thực của người lao động và các chuyên gia về làm việc tại các khu công nghiệp để quy hoạch diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở và các hạ tầng dịch vụ đi kèm một cách phù hợp. Nếu quy hoạch thiếu chặt chẽ và thiếu tầm nhìn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này, là thừa khu công nghiệp, thiếu nhà ở hoặc ngược lại.

Bên cạnh đó, việc kết nối các KCN với nhau cũng là vấn đề quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, chính quyền cần làm tốt câu chuyện đầu tư phát triển các hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng. Ngoài ra, chính quyền phải là người “cứng rắn” để thực thi các quy hoạch được đề ra và quy hoạch đó phải được ổn định trong thời gian lâu dài thì các nhà đầu tư nước ngoài mới đến đầu tư.

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ
Sự gắn bó chặt chẽ giữa KCN và khu đô thị sẽ đòi hỏi sự quy hoạch bài bản, cụ thể và chi tiết với tầm nhìn dài hạn hơn để tạo thành một tổng thể thống nhất. (Ảnh minh họa).

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, khu đô thị công nghiệp, hay khu đô thị gắn liền KCN không phải là xây nhà cấp 4 cho công nhân ở mà phải là những đô thị chất lượng, đồng bộ, đáp ứng trọn vẹn các nhu cầu sống. Chúng ta phải phấn đấu đạt được tiêu chuẩn đó. Chính sách cũng phải quy định tiêu chuẩn cho một khu đô thị gắn với khu công nghiệp như thế nào mới đảm bảo yêu cầu.

“Thời gian tới, cần các biện pháp cần tổng thể, từ việc cần sửa đổi luật, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến việc Chính phủ cần phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương để chủ động hơn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI trọng điểm và hiệu quả”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Việt Nam đang trên hành trình “dọn tổ đón đại bàng FDI với nhiều cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, liệu chúng ta có đang quá lạc quan trong câu chuyện này hay không? “Chúng ta đang sốt sắng đón đầu luồng đầu tư dịch chuyển của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có tập đoàn nào vào Việt Nam đâu? Ví dụ cơ sở sản xuất chính của Apple tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Ấn Độ hoặc Malaysia, còn Việt Nam chỉ sản xuất phụ trợ. Chúng ta nói “dọn tổ” để đón “đại bàng” nhưng “đại bàng” đã bay đi rồi”, lời GS.TSKH. Đặng Hùng Võ.

Các giải pháp để phát triển bền vững KCN dựa trên những mô hình phù hợp với xu thế thời đại là vấn đề đáng bàn. Nhưng nếu tiếp tục ngồi bàn, có lẽ Việt Nam sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang đón đầu làn sóng đầu tư của EU. Mặt khác, những tác động từ đại dịch và lỗ hổng của mô hình phát triển cũ đã đặt ra vấn đề Việt Nam không thể chậm trễ trong việc hình thành tư duy phát triển mới và đưa ra những định hướng chính sách kịp thời để nâng cao sức đề kháng cũng như khả năng thu hút đầu tư của các KCN đã, đang và sẽ triển khai./.

Nguyên Hà

19/10/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top