Aa

Phát triển đô thị ven biển xanh và bền vững: Giải pháp từ quy hoạch

Thứ Ba, 19/07/2022 - 06:15

Để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ.

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Việt Nam là quốc gia biển với chỉ số biển khoảng 0,01 (gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới), với 3.260km đường bờ biển, trên 1 triệu ki-lô-mét vuông vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trên 3.000 đảo, quần đảo khác. Biển và hải đảo của Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng tự nhiên, tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng của đất nước như: Giao thông và vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi và chế biến hải sản, du lịch biển....

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Hiện nay, Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP. Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế quốc dân và địa phương. Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng “tiến biển” để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Miền Trung và một phần vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu lộ diện những dải đô thị ven biển như Thanh Hoá, Vinh, Huế - Đà Nẵng - Hội An, Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hoà/Phú Yên, Nha Trang - Cam Ranh, Ninh Thuận, Phan Thiết, Rạch Giá - Hà Tiên. Các dải đô thị ven biển miền Trung có tiềm năng tự nhiên thuận lợi cho du lịch cao cấp và cảng nước sâu. Nhiều đô thị biển miền Trung đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ và là “bàn đạp” hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng. Trước mắt, cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển, trong đó ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển hiện có và các đô thị mới để hình thành các chuỗi đô thị biển trong một chỉnh thể không gian kết nối: Ven biển - biển - đảo.

NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN BIỂN

Hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển. Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: Sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển hay giao thương quốc tế... Nó có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển.

Để tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bờ biển rà soát việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng để kịp thời kiến nghị điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của khu vực ven biển.

Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển: Quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển; nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái còn trầm trọng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai.

Việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường. Không gian biển công cộng cũng như không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị trong trường hợp xảy ra mưa với cường độ lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển (Ảnh minh hoạ: IT)

Với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng khi mà môi trường tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa. Ngoài ra, những biến động về điều kiện tự nhiên và môi trường,... cũng đang là những thách thức lớn mà các đô thị ven biển phải đối mặt.

Việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nguồn lợi hải sản còn nặng về tư duy khai thác tự phát, chưa thực sự gắn liền giữa bảo tồn và phát triển, chưa đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, dẫn đến các hệ sinh thái biển (rừng ngập mặn, rạn san hô, rong cỏ biển, bãi triều....), đa dạng sinh học, nguồn lợi bị suy thoái nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nước biển, nước cửa sông xảy ra ở nhiều nơi; nhiều sự cố môi trường gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Mặc dù được đánh giá là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng các giải pháp ứng phó chưa đồng bộ và hiệu quả. Đời sống của người dân vùng biển, vùng bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn. Việt Nam là quốc gia biển, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh.

Kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, chưa đồng bộ, thiếu hạ tầng lớn và hiện đại nên dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá mạnh cho phát triển nhanh các trung tâm kinh tế biển tầm quốc gia và khu vực, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế (như cảng biển, trung tâm logistics...). Các cảng biển, sân bay ven biển còn nhỏ, chưa hình thành hệ thống kinh tế biển liên hoàn, kết nối với đường bộ quốc gia, với các trung tâm kinh tế trong nội địa. Hầu như địa phương ven biển nào cũng quy hoạch cảng biển, nhưng thiếu kinh phí xây dựng, nhiều công trình đầu tư dở dang.

Không những thế, việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển và thực hiện theo quy chế chưa nghiêm túc. Thực tế đã có nhiều dự án chậm hoặc không triển khai được do vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc quy hoạch đô thị và đời sống của người dân ở địa phương, đặc biệt là các đô thị du lịch ven biển.

Có thể thấy quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai dự án ven biển hiện đã không còn là chuyện riêng của địa phương. Để khắc phục tình trạng này rất cần có sự chung tay của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ.

Đô thị ven biển ở nước ta có các đặc trưng riêng, mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị ven biển cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị ven biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN BIỂN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi đô thị từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đến Nam Hội An (Quảng Nam). Hiện nay, nhiều địa phương trong Vùng đang tập trung nguồn lực để kết nối, mở rộng, xây mới trục giao thông ven biển song song Quốc lộ 1A, không chỉ mở rộng không gian kinh tế, phát triển đô thị, mà sẽ góp phần quan trọng đối với an ninh - quốc phòng.

Để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2017 quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; trong đó các khu vực được xem xét, đánh giá về yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển phải dựa trên các yếu tố: Mật độ dân số tại vùng đất ven biển; Thực trạng các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của người dân (du lịch, nuôi trồng, đánh bắt hải sản và các hoạt động khác của người dân) diễn ra tại vùng bờ biển...

Cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển, trong đó ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển hiện có và các đô thị mới để hình thành các chuỗi đô biển trong một chỉnh thể không gian kết nối: ven biển - biển - đảo (Ảnh minh hoạ: IT)

Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển.

Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.

Đối với các địa phương:

Cần tiến hành kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ,...

Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển nhằm kiểm soát, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của khu vực, làm cơ sở cấp phép xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án ven biển.

Đơn cử, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Mạng lưới đô thị; vai trò chức năng; trình độ phát triển xã hội; phát triển đô thị từng bước hình thành rõ nét; cơ cấu loại đô thị tương đối hợp lý, Giữa đô thị và nông thôn có được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung. Chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), TP.Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành.

Ngày 2/11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 3160/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam, bao gồm 29 khu vực, với tổng chiều dài 45.144m.

Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam nhằm bảo vệ cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu ảnh hưởng do sạt lở bờ biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Sau khi công bố danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh sẽ thực hiện các bước tiếp theo để xác định chiều rộng, ranh giới và lập thủ tục cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Về phát triển du lịch bền vững, ngày 4/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 3570/QĐ-UBND ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ và điều kiện kinh doanh thực tế tại Việt Nam.

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top