Aa

Giải quyết vướng mắc trong công tác thu hồi đất

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 14/07/2023 - 06:12

Những bất cập trong công tác thu hồi đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị kéo dài, chậm tiến độ.

Nhiều dự án bỏ hoang, chậm tiến độ thực hiện đến hàng chục năm gây nên sự lãng phí rất lớn, mất mỹ quan đô thị, dẫn đến sự chậm phát triển của cả một khu vực. Đơn cử, dự án khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng quy mô hơn 643 ha, bắt đầu được thực hiện từ năm 2001 với quy mô thu hồi đất gần 120 ha. Đã hơn 20 năm nhưng vẫn đang còn khoảng 800 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân phần lớn vì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập.

Hay dự án hạ tầng kỹ thuật khung trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m (tại Điện Biên) là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng thuận, nhất trí của người dân. Đa số ý kiến các hộ dân cho rằng giá đền bù, thực hiện thu hồi đất là chưa thỏa đáng nên người dân không chấp nhận phương án thu hồi, đền bù. Vì vậy, dự án bị chậm tiến độ.

 Không có sự đồng thuận trong thu hồi đất dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai, đất hoang hàng chục năm gây lãng phí và bất an cho người dân. (Ảnh minh hoạ: Đình Sơn/ báo Tuổi trẻ)

Ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 1 được phê duyệt từ tháng 12.2017, với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỉ đồng từ ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 6.400 tỉ đồng, xây dựng đường 627 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên sau 6 năm được phê duyệt, dự án vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, không thể tiếp tục triển khai. Nhiều hộ dân không chịu di dời vì không chấp nhận mức đền bù, họ cho rằng giá bồi thường đất chưa sát với giá thị trường. Dự án Vành đai 1 chậm triển khai dẫn đến vấn đề ùn tắc tại con đường Đê La Thành luôn hiện hữu gây khó chịu cho người dân khi tham gia giao thông.

Dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Vĩnh Hoàng/Báo Lao động)

Phần lớn ý kiến người dân cho rằng, họ có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi, chịu thiệt nếu việc thu hồi đất là cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc cho phát triển kinh tế, lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước. Ngược lại, họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, tạo kẽ hở cho trục lợi, lợi ích nhóm. Nhiều trường hợp do bức xúc, người dân có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất; thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình, không nhận tiền bồi thường, không chịu di dời đến nơi ở mới.

Tại Điều 80 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện thu hồi đất như sau: (1) phải đáp ứng tiêu chí là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; (2) phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (3) dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận; (4) đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.

Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được quyền thu hồi đất nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 điều kiện đó là: thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai, do luật định; thứ ba, vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng”.

Trong buổi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây của Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm tới các dự án đô thị, nhà ở thương mại mà các doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân thuộc diện thu hồi đất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị: "Đối với các dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận, nếu đã tự thỏa thuận được từ 70% trở lên và thời gian đã chậm gấp 2 lần so với thời gian cấp có thẩm quyền cho phép thì chính quyền phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của nhà nước cho đất ở khu vực đó".

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, để tránh tình trạng những dự án tư nhân đầu tư lợi dụng danh nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất tràn lan thì phải để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận là không đúng.

"Tôi cho rằng không phải cứ dự án tư nhân đầu tư không phải phát triển là vì kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Chúng ta biết đất đai do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không quy hoạch vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất kể một dự án nào được phê duyệt, thực hiện đúng quy hoạch đất đai của Nhà nước thì đều là dự án thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, vì một lợi ích quốc gia, công cộng", ông Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khi nhà nước thu hồi xong thì nên đưa người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư, đạt được sự đồng thuận cao nhất thì sẽ đạt được các hiệu quả về kinh tế - xã hội tốt hơn và đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của Nghị quyết 18.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: “Nếu dự án đã thoả thuận được 70% trở lên, phần còn lại người dân không đồng ý thì Nhà nước phải đứng ra giải quyết là đúng, nhưng cần phải phân tích lợi ích của Nhà nước đến đâu trong dự án đó. Cần xem xét các tiêu chí để nói dự án đó có phần lợi ích Nhà nước, vì có những dự án, lợi ích chỉ của nhà đầu tư… Ví dụ như dự án phát triển đô thị đúng định hướng, cần phân tích dự án đó có đúng quy hoạch, lợi ích phát triển đô thị ở đó có hay không, hay chỉ vì lợi nhuận của bất động sản. Nếu chỉ vì lợi nhuận của bất động sản mà thu hồi đất thì hoàn toàn không được”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh thêm, cần có quy định chặt chẽ để tránh câu chuyện lợi dụng mọi cách để làm giả con số 70% với mục tiêu kiếm lợi nhuận.

Còn theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp muốn bồi thường giá thấp, còn người dân lại muốn được bồi thường với giá cao. Về giá cả đền bù, các bên cần phải dựa trên bảng giá Nhà nước ban hành cũng như cân đối với giá hiện hành. Trường hợp bồi thường có thể tăng, giảm 5% - 10% trên cơ sở giá quy định mà đạt được thoả thuận giữa các bên là phương án thuận lợi nhất và không có gì phải bàn cãi.

Sau khi có sự đồng thuận thì Nhà nước tiến hành đo đạc, xác định mốc giới, giải toả và thanh toán tiền bồi thường. Còn với trường hợp giữa doanh nghiệp thu hồi đất làm dự án và người bị thu hồi đất không đạt được thoả thuận chung thì Nhà nước nên đứng ra làm trung tâm hoà giải, ấn định phương án bồi thường, giá bồi thường theo quy định của pháp luật, sau đó tiến hành thu hồi đất giao cho doanh nghiệp triển khai dự án theo đúng quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top