Ngày 10/10, Ủy ban Nhân dân phường 3, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với các lực lượng chức năng cùng Ban Quản lý hồ Tuyền Lâm và Ban Quản lý rừng Lâm Viên tiến hành giải tỏa một khu vực vừa bị phân lô, bán nền trên đất có rừng thuộc tiểu khu 266b, khu vực phường 3, thành phố Đà Lạt.
Tại hiện trường vụ việc, trên các lô đất này vẫn còn nhiều cây thông có đường kính gốc từ 30-50cm, bên cạnh đó là nhiều cây thông đã bị đầu độc đến chết.
Theo thông tin ban đầu, khu vực đất lâm nghiệp có rừng trên do một người tên là Mai Văn Bình (quê Thanh Hóa) tự “quy hoạch,” phân lô đất rừng để sang nhượng bất hợp pháp cho nhiều người khác.
Cụ thể, Mai Văn Bình đã tự ý chia khu đất rừng thông thành nhiều lô đất riêng lẻ để bán trái phép. Vị trí bị phân lô bán nền trái phép này chỉ cách con đường qua đèo Prenn Đà Lạt khoảng 500m. Các đối tượng đã phân lô, đóng cọc bêtông kiên cố để chia ranh giới.
Theo Ủy ban Nhân dân phường 3, khu vực này đã được phân ít nhất thành 9 lô, mỗi lô diện tích từ 100-300m2, có “quy hoạch” đường đi ở giữa, nối liền với tổ dân phố 79, đường Cà Ri Dê, phường 3, thành phố Đà Lạt.
Ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 3, thành phố Đà Lạt cho biết: vài năm gần đây, tại khu vực đất rừng vừa bị phân lô bán nền xảy ra tình trạng hàng loạt cây thông bị đầu độc, triệt hạ với mục đích lấn chiếm đất để phục vụ phân lô. Đặc biệt, có những lô đất bị đối tượng Mai Văn Bình viết giấy sang nhượng lại cho hai người.
Cho đến chiều 10/10, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa, nhổ bỏ và tạm giữ toàn bộ các cọc bêtông, cọc sắt đóng trên diện tích đất rừng để phân lô, chia ranh giới bất hợp pháp giữa các lô đất.
Vài năm gần đây, giá đất ở và đất sản xuất tại thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận bất ngờ tăng cao. Có thời điểm, giá đất tại các tuyến đường trung tâm thành phố bị cò đất “hét” tới 1 tỷ đồng/m2.
Đất nông nghiệp tại các khu vực sản xuất bị phân lô biến thành đất ở dù không được phép xây dựng cũng lên tới 20 triệu đồng/m2.
Bởi vậy, tình trạng đầu độc rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sang nhượng hoặc sản xuất xảy ra ngày càng nhiều tại thành phố Đà Lạt và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng./.