Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Cùng với đó, nhiều ngân hàng thương mại chủ chốt cũng liên tục thông báo hạ lãi suất cho vay song song với triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, kích cầu tiêu dùng; hướng tới mục tiêu hỗ trợ thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, phản hồi từ rất nhiều doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phàn nàn về sự khó khăn và bị động trong tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản SGO Miền Bắc cho hay, nỗi lo tài chính đối với doanh nghiệp; nhất là ở thời điểm cận Tết là chuyện bình thường. Mới đây, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có Quyết định công bố mức lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 1,2%/năm đối với vay ngắn hạn, 4,4%/năm với trung và dài hạn nên nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của rất đông doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều kiện cho vay khá ngặt nghèo, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiêu chuẩn đề ra. Với những khó khăn chung hiện tại, nhất là các khoản vay tới hạn, SGO Miền Bắc vẫn đang xử lý một cách từ từ. Còn việc huy động vốn, cũng tùy theo từng dự án vì còn nhiều cơ hội đầu tư và tiền trong dân vẫn còn. Đây cũng đang là kênh huy động vốn chủ yếu mà trước giờ SGO Miền Bắc vẫn tiến hành. Bối cảnh này, phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể khiến doanh nghiệp gặp bất lợi về thế chủ động đón bắt cơ hội kinh doanh, thời điểm là yếu tố rất quan trọng. Hiện tại, doanh nghiệp cũng chủ trương không đầu tư dàn trải và tập trung tinh gọn hệ thống, nâng cấp trình độ quản trị và đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh doanh năm 2024 tăng thêm 20% so với năm nay.
Cùng là doanh nghiệp trong ngành xây dựng, ông Lê Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Hoàng Thông lại gặp khó khăn hơn. Doanh nghiệp đang rất cần vốn để triển khai hợp đồng với đối tác nhưng cũng chưa thể vay vốn; nhất là từ phía các tổ chức tín dụng. Về cơ bản thì cơ quan nào cũng vẫn đòi hỏi tài sản thế chấp.
Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng cả hai không đến được với nhau" như phản ánh của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân tại cuộc họp Quốc hội hồi đầu tháng 11 vừa qua. Thấu hiểu tình hình phía ngân hàng cũng cần phải đảm bảo an toàn tín dụng, bảo toàn hệ thống nhưng ở bối cảnh hiện tại, chắc doanh nghiệp nào cũng có chung mong muốn, các đối tác ngân hàng sẽ thay đổi chính sách, đánh giá tính khả thi của từng dự án và mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp khi xét duyệt hồ sơ cho vay. Thông qua chính sách cho vay tín chấp có lẽ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp; tháo gỡ không ít khó khăn và "khớp lệnh" giữa cung - cầu tín dụng giữa ngân hàng và người đi vay. Chỉ bằng cách này, doanh nghiệp mới có thể dễ dàng tiếp cận vốn hơn, mạnh dạn đầu tư trong kinh doanh và thúc đẩy sản xuất.
Từ góc nhìn của nhà quản trị, ông Nguyễn Bá Diệp - Sáng lập viên Ví điện tử Momo cho hay, thường thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ luôn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Các doanh nghiệp này vốn yếu về báo cáo tài chính, sổ sách quản lý nguồn tiền, doanh thu... nên việc ứng dụng số hóa trong quản trị có thể là cách giúp các doanh nghiệp minh bạch hơn, có thể dùng để chứng minh tài chính với ngân hàng, tiếp cận vốn vay dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ. Đây là một trong ba mấu chốt khiến cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể xây dựng lòng tin với nhau, nên quan điểm chung là nên tăng cường hoạt động cho vay tín chấp. Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì chắc chắn sẽ không từ chối, ông Diệp nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, khơi thông tín dụng hỗ trợ cho khu vực sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm, cận Tết là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có thêm những giải pháp căn cơ, thiết thực và đáp ứng thực sự nhu cầu của người vay, của doanh nghiệp muốn vay. Bởi lúc này, điều họ cần và mong đợi chính là giảm bớt tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng giá rẻ; song song đó là kiểm soát chặt dòng tiền và đánh giá đúng khả năng trả nợ./.