Aa

Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực xử lý nợ trái phiếu cuối năm

Thứ Hai, 27/11/2023 - 09:00

Trong bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường địa ốc chưa thể phục hồi, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực xử lý các khoản nợ trái phiếu để củng cố niềm tin với các trái chủ.

Nỗ lực đàm phán, xoay sở dòng tiền

Trong bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường địa ốc chưa phục hồi, để giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đẩy mạnh việc đàm phán, mua lại các lô trái phiếu để củng cố niềm tin với các trái chủ.

Đơn cử như Tập đoàn Novaland mới đây cũng đang nỗ lực đàm phán với các trái chủ để tái cơ cấu các khoản nợ. Tính đến cuối tháng 9/2023, doanh nghiệp này đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu thành công với nhiều trái chủ. Hay trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H cũng đã đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, thời gian gia hạn đều là 2 năm.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực xử lý nợ trái phiếu cuối năm. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Số liệu thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 3/10/2023, hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu được gia hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đàm phán lùi hạn trả nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực xoay sở nguồn tài chính để mua lại các lô trái phiếu đã phát hành. Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại 13,645 tỷ đồng, giảm 17.4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại buổi tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản”, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho hay, các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực đàm phán kéo dài thời gian thanh toán, cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới, mua lại trái phiếu, hoán đổi trái phiếu - sản phẩm. Trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường phát hành khoảng 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó bất động sản chiếm phần không nhỏ.

Đối mặt với áp lực lớn

Các doanh nghiệp bất động sản đang đàm phán, mua lại trái phiếu để củng cố niềm tin với các trái chủ. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể giải tỏa được áp lực trả nợ trái phiếu cuối năm. 

Báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Theo đó, lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đã mua lại khoảng 153.000 tỷ đồng. Trong khi, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm bất động sản 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024 lần lượt đạt 15,6 nghìn tỷ đồng và 121,1 nghìn tỷ đồng.

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ trả nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Theo HNX, tính đến ngày 3/10/2023 có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với khoản nợ trái phiếu lớn trong 2 tháng cuối năm 2023. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đàm phán, gia hạn vẫn là phương án khả thi nhất để giải tỏa áp lực trả nợ trái phiếu cuối năm cho các doanh nghiệp bất động sản. Bởi vì, đây là sự lựa chọn hợp lý nhất khi dòng vốn kinh doanh khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Thái Phạm - Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính và Thịnh vượng Happy Live cho biết, từ cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gồm Thông tư 02 quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu của tổ chức tín dụng. Điều này đã phần nào “gỡ khó” về khoản nợ trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp.

Với những chính sách tạo điều kiện này, khi không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để gia hạn thanh toán các khoản nợ (gốc+lãi) đến hạn. Nếu doanh nghiệp đàm phán thành công với các trái chủ thì sẽ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ này.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, việc gia hạn trái phiếu là giải pháp tốt nhất mà các doanh nghiệp có thể làm. Các trái chủ sẽ phải chấp nhận rủi ro vốn bị chiếm dụng lâu hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để xoay sở về mặt tài chính, còn nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, các trái chủ cần giúp doanh nghiệp hoãn, giãn nợ trái phiếu. Hoặc tốt nhất, trái chủ đồng ý hoán đổi trái phiếu thành tài sản như nhà ở hình thành trong tương lai hoặc là cổ phần doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian, cơ cấu tài chính tốt hơn để vượt bão.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top