Trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Động thái này được các doanh nghiệp đánh giá rất cao trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của nhiều ngành đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất lần này lại chưa diễn ra trên diện rộng khiến một số doanh nghiệp chưa có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Đón mùa cao điểm cuối năm
Hiện nay, các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng bất động sản cũng như các lĩnh vực rủi ro khác và phải tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhưng vẫn đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi đón mùa cao điểm kinh doanh cuối năm dành cho doanh nghiệp.
Điển hình, ACB dành gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động, lãi suất từ 7,5%/năm; ABBANK đã dành 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp, với lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm; Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động được nguồn vốn kinh doanh, với lãi suất từ 6,99%/năm.
Ngoài ra, VPBank hỗ trợ 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm và giải ngân trong 4 giờ đồng hồ, với các mức lãi suất 6,9%/năm, 7,9%/năm và 8,9%/năm cố định trong lần lượt từ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đầu tiên…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết quý 3, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018. Đáng lưu ý, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua các loại hình quỹ.
Chính vì vậy, ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cũng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên 0,5%.
Điển hình, Ngân hàng Hàng Hải (MSB) còn công bố giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, đặc biệt giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Kim Nam chia sẻ: “Quyết định giảm lãi suất và đưa ra các gói vay ưu đãi của các ngân hàng là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là những nơi đang có những khoản vay lớn để tập trung đầu tư sản xuất-kinh doanh. Dù vậy, nếu được giảm trong dài hạn thì công ty ưu tiên mở rộng đầu tư chế biến sâu các hoạt động sản phẩm. Nếu cắt giảm ngắn hạn thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng.”
Chưa tác động nhiều đến doanh nghiệp
Mặc dù đánh giá cao về đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần này nhưng một số doanh nghiệp lại cho rằng, lãi suất cho vay mới chỉ chú trọng vào một số lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp…), còn đa số vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải cho hay, mặc dù nhiều ngân hàng công bố cho vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm nhưng một số hợp đồng vay vốn của doanh nghiệp này vẫn đang có mức lãi suất 10 - 11%/năm.
Vị đại diện này cho biết, hiện các hợp đồng vay đều có thời hạn nên việc điều chỉnh giảm lãi suất ngay là rất khó, nếu có cũng ở một tỷ lệ rất thấp.
Một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng chia sẻ thêm, nguyên nhân của việc một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng là do không tích lũy được nhiều tài sản, không có tài sản thế chấp, hệ thống sổ sách, tài chính và minh bạch thông tin chưa đạt chuẩn…
Vị lãnh đạo này cũng khuyến nghị, để tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần hình thành thói quen làm ăn, kinh doanh bài bản, tránh tư tưởng kinh doanh chộp giật, cũng như cần nâng cao tính minh bạch hóa các thông tin, báo cáo tài chính, xây dựng phương án kinh doanh khả thi…
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giảm lãi suất không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi vì việc giảm lãi suất cho vay chỉ áp dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên, như vậy chỉ có một số nhóm đối tượng doanh nghiệp được hưởng quy định này.
Cũng theo ông Hiếu, bao giờ một chính sách ra đời cũng có độ trễ nhất định, lãi suất không thể điều chỉnh tức thì mà chỉ điều chỉnh sau khi kỳ hiện tại hết hạn và đến kỳ hạn tới.
Do đó, có những doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất hiện tại cho đến thời điểm lãi suất được điều chỉnh, chính vì thế nhiều khoản vay của doanh nghiệp sẽ duy trì lãi suất hiện tại cho đến khi hết hạn. Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn vẫn phải đi vay, bất chấp lãi suất có hạ hay không.
Ông Hiếu phân tích thêm, việc hạ lãi suất hiện nay chủ yếu mới chỉ thấy ở các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh còn với các ngân hàng nhỏ dù cũng đã hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất huy động nhưng so với mặt bằng chung vẫn ở mức cao hơn hẳn. Vì vậy, lãi cho vay sẽ khó có tác động mạnh như kỳ vọng của các doanh nghiệp, nhất là thời điểm này lại rơi vào thời điểm cuối năm với nhu cầu vốn cao./.