Aa

Giảm lãi suất cho vay là “mồi lửa“ ban đầu giúp thị trường bất động sản ấm lên

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Ba, 28/03/2023 - 06:15

Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay và những động thái quyết liệt từ Chính phủ trong đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc được kỳ vọng sẽ giúp “giã băng” thanh khoản, thị trường sớm phục hồi.

Làn sóng giảm lãi suất

Thời gian qua, những khó khăn các doanh nghiệp bất động sản gặp phải như dòng tiền mặt khan hiếm, áp lực trái phiếu, sản phẩm khó thanh khoản đã khiến thị trường trở nên ảm đạm. Cùng với đó, lãi suất huy động của ngân hàng tăng lên khiến kênh tiền gửi ngân hàng trở thành nơi giữ vốn. Khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều này đã tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, là một trong những nguyên nhân khiến thị trường khó khăn trong thời gian qua bởi lĩnh vực này vốn có tỷ lệ sử dụng đòn bảy tài chính cao.

Trước những khó khăn mà lĩnh vực bất động sản đang gặp phải, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã tích cực tập trung tháo gỡ từng nút thắt, mong muốn thị trường sớm phục hồi.

Cụ thể, kể từ tháng 02/2023, lãi suất huy động đã có sự giảm xuống với hơn 20 ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất. Tới ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Việc hạ lãi suất huy động sẽ là cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản.

Hơn 20 ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ: Anh Dũng

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng động thái giảm lãi suất diễn ra như đã dự đoán trước đó, các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất cho vay để cứu nền kinh tế mặc dù xu hướng thế giới là tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng ở Việt Nam hiện nay nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn hẳn vấn đề lạm phát. Bắt buộc phải giảm lãi suất cho vay, giảm ở tất cả các lĩnh vực không chỉ riêng sản xuất, như vậy lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi. Khi lãi suất cho vay có xu hướng giảm, thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện, bởi khi các nhà đầu tư được vay vốn với lãi suất thấp, khi đó dòng tiền đổ vào thị trường sẽ tăng lên.

Mồi lửa làm ấm thị trường

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán nhận định: “Giảm lãi suất là mồi lửa ban đầu, tuy nhiên, thị trường ấm lại trong bao lâu phụ thuộc rất nhiều về việc đàm phán của các nhà phát triển bất động sản lớn trong lĩnh vực trái phiếu. Đơn cử, Novaland đã đàm phán được với các chủ nợ lớn trong 2 năm để tránh rủi ro về vốn, đó là tín hiệu mừng. Vấn đề nữa là chủ đầu tư phải chấp nhận giảm giá sâu mới thoát được hàng để có thanh khoản cao.”

Chuyên gia cho biết thêm, lãi suất cho vay thấp và giảm giá là 2 yếu tố thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường bất động sản. Nhiều nhà phát triển các dự án e ngại việc giảm giá vì lo lắng sẽ kéo đà giảm sâu, tuy nhiên việc giảm giá nằm trong ngưỡng hợp lý thì người mua nhà họ vẫn chấp nhận. Bởi chỉ cần mức giá vừa túi tiền, thì khách hàng sẽ mua và tất nhiên có sự trợ lực lớn từ ngân hàng.

Lãi suất cho vay thấp và giảm giá là 2 yếu tố thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ: Tiểu Thuý

Chia sẻ trước tín hiệu này của các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đối với thời điểm hiện tại, lãi suất giảm sẽ kéo theo kích cầu tín dụng, các doanh nghiệp và cá nhân sẵn sàng đi vay mượn nhiều hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Thứ hai, việc giảm lãi suất sẽ giảm bớt đi một phần nào đó áp lực tài chính của người dân, của doanh nghiệp đối với những khoản vay hiện tại và sắp tới.

Mặt khác, việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp các chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới bổ sung được nguồn cung mới cho thị trường. Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn. Cùng với đó, khi áp lực chi phí vốn vay đối với chủ đầu tư được giảm bớt thì việc bán hàng sẽ trở nên “hấp dẫn” hơn bởi có thể đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hợp lý, điều này góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường.

Ông Lực chia sẻ thêm: “Thị trường bất động sản sẽ ấm dần và hồi phục từ nửa sau 2023. Nhà đầu tư có thể chuẩn bị sẵn tiền và danh mục bất động sản để đón cơn sóng phục hồi này”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế khi lãi suất đầu vào liên tục giảm và giữ ổn định. Điều này đã tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm dần lãi suất đầu ra đối với nhiều lĩnh vực cho vay kể cả đối với bất động sản, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã giảm từ 1 - 2%/năm so với cao điểm cuối năm 2022.

“Trước đây mặc dù có nhu cầu ở thực nhưng lãi suất cao người dân đều e ngại không dám vay mua nhà, nhưng dưới sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó các doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được hỗ trợ các biện pháp cụ thể với từng khách hàng, từng dự án và từng mức độ, nhằm khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện dự án.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước những biến động còn phức tạp của nền kinh tế chung của thế giới thì các chính sách điều hành tín dụng trong nước có thể phải thay đổi để thích nghi. Do đó các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm kiếm các kênh dẫn vốn khác cho mình”, ông Hoàng nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top