Ngay sau khi NHNN chính thức điều chỉnh giảm 1%/năm nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế có hiệu lực từ hôm nay (15/3), giới chuyên môn đánh đây là động thái rất linh hoạt của NHNN trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít đi và sớm hạ lãi suất trở lại ngay trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, việc NHNN tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo ra dư địa về lãi suất trong trường hợp Fed chuyển hướng "diều hâu" hơn so với những kỳ vọng của thị trường.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất phù hợp với cả bối cảnh trong nước và thế giới. Trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Fed sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí còn chững lại.
Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân thận trọng vay vốn vì lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, việc giảm lãi suất là cần thiết.
“Giảm lãi suất có thể kéo tăng áp lực lạm phát, tuy nhiên mức giảm lãi suất từ 0,5 - 1% sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay”, bà Hoàng Anh chia sẻ thêm quan điểm.
Giới chuyên môn nhận xét, động thái vừa qua của NHNN phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn. Việc giảm lãi suất điều hành lần này cũng cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dư địa để các cơ quan điều hành tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là không quá lớn và dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa.
“Về tác động của giảm lãi suất điều hành lên lãi suất thị trường 1 (giữa ngân hàng và khách hàng), chúng tôi cho rằng lãi suất huy động thị trường 1 đã giảm trước đó và dư địa giảm là còn nhưng không quá nhiều, song giai đoạn xấu nhất về lãi suất đã qua”, một chuyên gia nhận định.
Thực tế, lãi suất huy động đã giảm rõ rệt trong tháng 2/2023. Theo báo cáo của VNDirect, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023 dựa vào 3 yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản nhiều khó khăn. Thứ hai, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Thứ ba, NHNN sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ…
Thời gian gần đây, cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay DNNVV.
Với lĩnh vực bất động sản, 4 NHTMCP quốc doanh thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Đồng thời, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.