Aa

Giảm lãi suất, dòng tiền có đổ vào địa ốc?

Thứ Sáu, 05/06/2020 - 13:45

Lãi suất tiền gửi giảm khiến không ít thành viên thị trường kỳ vọng cho cú “bẻ lái” dòng tiền trong dân vào lĩnh vực địa ốc.

Thị trường tiền gửi sôi động

Anh Hoàng Văn Minh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh đang gửi Ngân hàng Bắc Á số tiền tiết kiệm 300 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất trên 8%/năm, mỗi năm cũng có hơn 20 triệu tiền lãi. Đây là số tiền anh chưa có nhu cầu sử dụng và chưa có ý định đầu tư gì nên “nhờ ngân hàng cất hộ”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Bá Hưng (Tây Hồ, Hà Nội) lại dùng số tiền gần 500 triệu đồng để gửi ngân hàng, mỗi lần với kỳ hạn chỉ 3 tháng dù lãi được ít hơn, nhưng anh Hưng lý luận giải: "Một năm thì dài quá, tôi lại hay đảo tiền nên chỉ gửi tầm thời gian đó, dù sao cũng có chỗ giữ tiền hộ, lại thêm vài đồng lãi".

Theo ghi nhận của phóng viên, mức lãi suất tiền gửi cho các gói từ dưới 6 tháng, 6 tháng và 1 năm của các ngân hàng hiện cũng có một số sự khác biệt. Cụ thể, với Ngân hàng SHB, lãi suất tiền gửi (lãi suất tiết kiệm bậc thang theo số tiền/tiền gửi có kỳ hạn trả lãi cuối kỳ (%/năm) - số tiền dưới 2 tỷ đồng) được quy định như sau: 2 tháng: 3,95%; 5 tháng: 4,25%; 6 tháng: 4,9%; 1 năm: 6,7%.

Với Ngân hàng Agribank, mức lãi suất áp dụng như sau: 2 tháng: 4%; 5 tháng: 4,25%; 6 tháng: 6,5%; 1 năm: 6,5%. Trong khi đó, với Ngân hàng Shinhan Bank, mức lãi suất áp dụng là: 2 tháng: 3,2%; 5 tháng: 3,7%; 6 tháng: 4,2%; 1 năm: 5,1%.

Hiện nay, ngoài hình thức huy động tiền gửi thông thường, các ngân hàng đều áp dụng hình thức mở sổ trực tuyến. Tức khách hàng chỉ cần có tài khoản tại ngân hàng đó là có thể tự mở sổ tiết kiệm cho mình. Hiện chính sách áp dụng cho việc tự mở sổ là rất hấp dẫn. Bộ phận chăm sóc khách hàng của Shinhan Bank cho biết, ngoài lãi suất thông thường theo quy định, khách hàng mở sổ trực tuyến có thể được hỗ trợ tối đa lên đến 0,8% lãi suất/năm.

Hay với Ngân hàng SHB, mức này có thể lên tới 0,7%.

Hiện nay, theo nhân viên chăm sóc khách hàng của một số nhà băng, việc lựa chọn thời hạn gửi tiền chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch tài chính của khách hàng, khách hàng có nhu cầu dùng tiền trong ngắn hạn sẽ lựa chọn kỳ hạn ngắn, còn khách hàng có tiền nhàn rỗi không có nhu cầu sử dụng thường lựa chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên để được hưởng nhiều ưu đãi. Trường hợp khách hàng cần rút tiền để dùng, khoản gửi sẽ được tính theo lãi suất không kỳ hạn. Riêng với Shinhan Bank, nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết, chỉ với 1 tỷ đồng tiền gửi, khách hàng đã được coi là khách hàng ưu tiên, với nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn.

Mong chờ cú bẻ lái

Từ ngày 13/5/2020, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Quy định mới về lãi suất cũng đã mang đến ít nhiều kỳ vọng về việc dòng tiền trong dân sẽ được điều hướng sang các lĩnh vực đầu tư khác thay vì tiền gửi, trong đó có bất động sản.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Việt Thung, Tổng giám đốc TMS Group nhìn nhận, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, người dân sẽ phải tính toán lại việc đầu tư vào đâu. Ông Thung cho rằng, người dân thường quan tâm đến các lĩnh vực như: vàng, bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, bất động sản sẽ vẫn thu hút nhiều nhất dòng tiền vì dễ đầu tư hơn hai lĩnh vực còn lại.

“Với thị trường tỉnh lẻ, nhà đầu tư sẽ rất quan tâm tới phân khúc đất nền vì có nhiều cơ hội tăng trưởng. Và dòng vốn nhàn rỗi có thể sẽ chảy vào đây”, ông Thung cho biết thêm.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp phân phối bất động sản tại Hòa Lạc (Hà Nội) cũng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng cũng có thể khiến dòng tiền chạy vào đất nền nhiều hơn. Bởi với đất nền, thì chu kỳ tăng giá cũng ngắn, không ít nhà đầu tư lựa chọn việc lướt sóng mua đi bán lại trong vài ba tháng, cho đến 1 năm, triển vọng lợi nhuận cũng cao hơn so với lãi suất tiền gửi.

Nhưng không dễ?

Dẫu không ít thành viên thị trường tỏ ra lạc quan, nhưng theo góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi chưa chắc đã mang lại những đổi thay rõ rệt trong câu chuyện đầu tư, mà có chăng, sẽ có những tác động gián tiếp tới tâm lý thị trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thái Hùng, Giám đốc Dịch vụ kiểm toán, Thị trường vốn và Tư vấn kế toán, PwC Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không có tác động trực tiếp và rõ ràng đến thị trường bất động sản trong nước. Thay vào đó, sự điều chỉnh này sẽ tác động một cách gián tiếp tới lĩnh vực bất động sản thông qua sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

“Nói tóm lại, sẽ rất khó để thấy được tác động trực tiếp của lần giảm lãi suất này lên thị trường bất động sản. Vì mục tiêu chính của lần điều chỉnh này là để hỗ trợ các doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế nói chung, từ đó sẽ gián tiếp có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Nói cách khác, một nền kinh tế phát triển và khỏe mạnh sẽ nâng cao nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, trong đó bao gồm bất động sản”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng chung góc nhìn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thị trường sẽ chưa thấy có dấu hiệu dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực khác như địa ốc, chứng khoán. Bởi các lý do: Thứ nhất, lãi suất Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh có 2 loại, lãi suất điều hành (là lãi suất thị trường liên ngân hàng, vay mượn lẫn nhau): lãi suất này không ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất huy động của người dân. Lãi suất thứ 2 là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ dưới 6 tháng, giảm từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm. Điều này khiến tiền gửi trong hạn này bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Trong khi lãi suất từ 6 tháng trở lên là lãi suất thỏa thuận, nên không bị ảnh hưởng theo điều chỉnh mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

“Lý do nữa là các kênh đầu tư khác đều chênh vênh, chứng khoán dù lên điểm nhưng không có sự ổn định vì còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bất động sản thì đang bị tác động mạnh bởi các động tác chống dịch bệnh. Các thị trường khác như vàng thì cũng rủi ro, nên chưa có sự dịch chuyển”, ông Hiếu cho biết thêm.

Cũng với cái nhìn cẩn trọng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tác động của lần điều chỉnh này quyết định đầu tư vào bất động sản là không đáng kể, vì lãi suất giảm không nhiều.

Ông Lực cho rằng, lãi suất chỉ là một vấn đề trong câu chuyện đầu tư, vì ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều đến các rủi ro. Chính vì vậy, xu hướng là đang đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, có thể là cả vàng, chứng khoán, tiền gửi hay lĩnh vực khác chứ không chỉ bất động sản, tức không bỏ tất cả trứng vào một rỏ.

Cũng theo ông Lực, hiện áp lực lạm phát đã giảm, nên giảm lãi suất tiền gửi không ảnh hưởng nhiều đến việc xoay chuyển dòng vốn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top