Aa

Dòng tiền mới ồ ạt chảy vào chứng khoán

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 10/05/2020 - 14:45

Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.721 tài khoản chứng khoán trong tháng 4/2020, tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước.

Đúng như nhận định của nhiều nhà phân tích, thị trường giảm điểm mạnh giữa tâm dịch Covid-19 là cơ hội cho nhà đầu tư xuống tiền. Trong đó, nhà đầu tư nội hưng phấn tham gia thị trường hơn nhà đầu tư nước ngoài. Diễn biến này có vẻ phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt trong nước, bất chấp dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết tại nhiều nền kinh tế chủ chốt của thế giới.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.721 tài khoản chứng khoán trong tháng 4/2020, tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 36.652 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 69 tài khoản.

Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Trong tháng 4, mặc dù khối ngoại bán ròng hơn 6.000 tỷ đồng nhưng chỉ số VN-Index vẫn hồi phục 16% lên 769 điểm nhờ lực cầu của khối nội. Những ngày đầu tháng 5, chỉ số VN-Index thậm chí vượt mốc 800 điểm, bất chấp khối ngoại tiếp tục bán ròng. Khối ngoại chỉ mở mới 146 tài khoản trong tháng 4.

Dòng tiền mới cùng với tâm lý nhà đầu tư hưng phấn đang giúp thị trường hồi sinh

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (11/5 - 15/5), VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang với biên độ khá rộng trong khoảng 780 - 860 điểm (fibonacci retracement 38,2% - 61,8%). Nhà đầu tư nếu đang nắm giữ cổ phiếu hạn chế mua đuổi trong giai đoạn này mà chỉ nên canh những phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 780 điểm (fibonacci retracement 38,2%) để bắt đáy một phần.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,5%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,8% và 1,2%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,5% và 0,4%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,01%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,7% và KLCI của Malaysia tăng 0,4% trong khi Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,2%.

Thị trường chờ đợi dòng tiền mới để hồi sinh

Sau gần 1 tháng thực hiện cách ly xã hội, một số quốc gia đã thực hiện nới lỏng biện pháp này và đang từng bước đưa nền kinh tế về lại hoạt động bình thường.

Kiểm soát dịch bệnh đồng hành với khôi phục kinh tế hậu dịch bệnh của thế giới và trong nước là thông tin quan trọng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, gói hỗ trợ 63.000 tỷ đồng bắt đầu được giải ngân là những yếu tố kỳ vọng đưa nền kinh tế nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường và sớm lấy lại được đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo chứng khoán BIDV (BSC), mức phục hồi nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tình hình cải thiện của các nền kinh tế chủ chốt thế giới.

Kết quả kinh doanh quý I giảm 10,6% so cùng kỳ, chỉ số P/E và P/B của VN-Index tăng lần lượt 17% và 14% so đáy 24/3. P/E của VN-Index tại thời điểm 30/4 là 12,2 và có thể điều chỉnh lên mức 13 lần sau khi cập nhật đầy đủ mức giảm lợi nhuận sau thuế 10% quý I.

VN-Index vẫn thấp hơn đáng kể so với mức P/E bình quân 15,5 lần của 5 năm gần nhất. Mức định giá này có thể sẽ không quá rẻ nếu kết quả kinh doanh quý II sẽ tiếp tục giảm mạnh. Dù vậy, đây vẫn là mức khá hợp lý cho hoạt động đầu tư dài hạn khi các nền kinh tế phục hồi dần vào cuối năm.

Trong khi đó, ẩn số từ dòng tiền nội của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng là yếu tố tích cực đến thị trường chứng khoán nhưng đây là yếu tố cần thời gian kiểm chứng. Cùng với đó, các quỹ ETFs dựa trên bộ chỉ số VNFin Lead Index và VNDimond Index thực hiện chào bán sẽ giúp thêm lựa chọn cho nhà đầu tư.

Ở mặt kém tích cực, các yếu tố sẽ tác động không tốt đến thị trường trong tháng 5 là hoạt động rút vốn của khối ngoại có thể kéo dài sang đầu quý II; nguy cơ suy thoái cao ở các nước và khu vực chủ chốt thế giới; xung đột địa chính trị gia tăng tại Syria và các nguy cơ xung đột các nước vùng Vịnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top