Thiếu khả thi vì “vẽ” công viên trên nhà dân
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), cho biết hiện nay diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh chưa có kế hoạch triển khai thực hiện là gần 11.030ha (chiếm gần 96%). Tỷ lệ thực hiện quy hoạch đất giáo dục trên toàn địa bàn thành phố cũng chỉ đạt khoảng 30%.
Trước thực trạng này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, kết quả thực hiện quy hoạch đạt chỉ tiêu rất thấp. Nguyên do quy hoạch không khả thi, không hợp lý như quy hoạch cây xanh giữa khu dân cư nên khả năng thu hồi đất thực hiện quy hoạch gặp khó khăn. Người đứng đầu HĐND TP đặt vấn đề: “Ai sẽ chịu trách nhiệm trước thực trạng này?”.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Trương Lâm Danh cũng đánh giá, đa phần quy hoạch công viên cây xanh nhằm vào khu dân cư nên sau đó phải điều chỉnh. Ví dụ, ở huyện Củ Chi quy hoạch cây xanh “chụp” vào khu dân cư sầm uất nên phải điều chỉnh nhưng như vậy thì điều chỉnh đi đâu? Có vào khu dân cư khác không?
Các đại biểu cũng dẫn chứng nhiều bất hợp lý khác trong công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch. Chẳng hạn, ở một số dự án chủ đầu tư đã hoàn chỉnh nhà ở cùng phần diện tích thương mại để khai thác, kinh doanh. Thế nhưng, phần diện tích quy hoạch làm đường công cộng, công viên cây xanh hay trường học thì chậm trễ thực hiện. Sau đó, chủ đầu tư “than” vướng bồi thường nên đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung về tỷ lệ đất dành cho giáo dục, cây xanh.
Đại biểu Trương Lâm Danh khẳng định, việc thu hẹp ranh như tình huống trên chỉ làm lợi cho chủ đầu tư. “Sở QH-KT, Sở Xây dựng có giải pháp gì khắc phục việc giao dự án cho chủ đầu tư không đủ năng lực?”, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt bổ sung.
Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, để thực hiện quy hoạch cần có thời gian nhưng phải thông tin rõ cho người dân về thời gian thực hiện, là 5 năm, 10 năm hay 30 năm… Tương ứng với thời gian đó thì cơ quan chức năng của thành phố có biện pháp, chính sách gì để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Giải trình, người đứng đầu ngành quy hoạch thành phố nhìn nhận, tính khả thi của một số quy hoạch các khu chức năng giáo dục và công viên cây xanh còn hạn chế. Nguyên do quy hoạch trên đất của gia đình, cá nhân có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao, làm ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch.
“Có lúc, do bị áp lực về thời gian, đơn vị tư vấn cũng không đủ năng lực. Trong khi đó, Sở QH-KT là đơn vị thẩm định các đồ án quy hoạch nhưng năng lực cán bộ cũng hạn chế, đã khiến một số đồ án quy hoạch không khả thi”, ông Nguyễn Thanh Nhã giãi bày. Đồng thời cam kết, trong thời gian tới sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, đảm bảo quy hoạch có tính khả thi.
Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Toàn cho rằng, nhiều nơi đã được quy hoạch dành cho giao thông, công viên cây xanh và giáo dục nên các đơn vị liên quan cần mạnh dạn đăng ký danh mục dự án để có căn cứ thực hiện. Về việc có “dời” các quy hoạch không khả thi (để đảm bảo chỉ tiêu), ông Toàn trả lời mang tính nguyên tắc: “Quan điểm của Sở QH-KT là không thể đem quy hoạch treo từ chỗ này sang chỗ khác”.
Lắng nghe người dân để điều chỉnh quy hoạch
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, quy hoạch để phát triển là tất yếu. Song hạn chế lớn nhất của thành phố trong công tác quy hoạch là quy hoạch chậm triển khai, không khả thi hoặc khi triển khai thì gặp phản ứng từ người dân. “Việc tăng chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh và giáo dục thì người dân mừng hay lo? Tôi khẳng định, người dân không mừng vì cách làm hiện nay gây nhiều bất ổn cho đời sống của họ”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận và cam kết, UBND TP sẽ ghi nhận, lắng nghe ý kiến của người dân để rà soát, điều chỉnh quy hoạch không khả thi.
Ngoài ra, thành phố sẽ tính toán lại cách thức triển khai thực hiện quy hoạch, bởi việc chậm trễ thực hiện quy hoạch gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“UBND TPHCM cũng phải nhìn lại chính mình”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhận trách nhiệm và phân tích, nếu chỉ ngồi ở bàn giấy và duyệt thì quy hoạch sẽ khó khả thi, gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Cùng đó, UBND TP sẽ xem xét các chính sách đối với người dân trong vùng quy hoạch. Bởi lẽ, người dân có đất ở những nơi quy hoạch thì không được chuyển mục đích sử dụng đất và khi thực hiện dự án, họ nhận tiền bồi thường rất thấp (vì tính theo giá đất nông nghiệp). Hướng giải quyết là UBND TP sẽ xem xét cho phép người dân nơi quy hoạch được chuyển đổi mục đích và khi thu hồi đất, người dân sẽ được bồi thường với giá cao hơn.
“Những việc làm giảm thiểu thiệt hại cho người dân thì không thể không làm”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh và khẳng định, UBND TP sẽ xem xét để kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, qua phiên giải trình đã bộc lộ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thiếu sự đồng bộ. “Lúc có quy hoạch thì chỉ có 2 vợ chồng nhưng đến nay, con họ đã lớn mà quy hoạch nơi đó vẫn chưa thực hiện”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu dẫn chứng và cho rằng, kết quả thực hiện quy hoạch thời gian qua đạt mức thấp, nhất là thực hiện quy hoạch cây xanh. Vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đổi mới tư duy trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Khi quy hoạch cũng phải tính đến lộ trình, nguồn lực thực hiện nhằm đảm bảo công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT: Thực hiện quy hoạch cây xanh ở ngoại thành rất thấp Diện tích đất quy hoạch cho giáo dục, cây xanh ở ngoại thành rất lớn, nhưng tỷ lệ thực hiện đạt rất thấp. Cụ thể, đất quy hoạch giáo dục, cây xanh ở 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) lần lượt là hơn 1.674ha (gần 51% đất quy hoạch giáo dục của thành phố) và gần 6.760ha (gần 60% tổng diện tích đất quy hoạch cây xanh). Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục, cây xanh ở ngoại thành thời gian qua đạt kết quả rất thấp, lần lượt là 18% và 0,68%. Trên toàn thành phố, tỷ lệ thực hiện quy hoạch giáo dục đạt khoảng 30% (gần 992ha, trong tổng số 3.303 ha); quy hoạch công viên cây xanh chỉ đạt 4,3% (hơn 491ha, trong tổng số gần 11.420ha). Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Đề nghị xây trường mầm non ở nơi không quy hoạch giáo dục Chỉ tiêu đất quy hoạch cho giáo dục dù có thay đổi nhưng không được giảm mà chỉ có thể tăng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch gặp vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải tỏa nên tỷ lệ thực hiện quy hoạch chưa cao. Ở khu vực nội thành, các trường học có diện tích sân chơi hẹp; đồng thời nhu cầu về trường mầm non ngoài công lập rất cao. Vì vậy, Sở GD-ĐT kiến nghị nâng tầng cao các trường học ở khu vực nội thành và kêu gọi xã hội hóa thực hiện các đồ án quy hoạch giáo dục. Cùng đó, đề nghị cho phép được đầu tư xây trường mầm non ở nơi không phải là đất giáo dục, để đáp ứng nhu cầu của người dân. |