Hàng loạt ngân hàng công bố giảm thêm lãi suất
Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố giảm thêm lãi suất huy động và cho vay. Đơn cử, BIDV công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với mức giảm 2,5 - 3,0%/năm so thời điểm truớc Covid-19.
Agribank cũng vừa có thêm đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, từ ngày 30/6, Ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%/năm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vay vốn tại Agribank chỉ phải trả lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4,8%/năm; lãi vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay.
Thực tế, làn sóng giảm lãi suất đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2020, sau khi NHNN thực hiện 2 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Theo đó, trong vòng hơn 1 tháng qua, rất nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Eximbank... đã giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1 - 0,5%/năm, tùy từng kỳ hạn. Bắt đầu từ ngày 30/6, Agribank giảm nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn. Từ ngày 1/7, VPBank cũng giảm lãi suất tiết kiệm 0,1 - 0,2%/năm…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, nguyên nhân khiến ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay là do thanh khoản dồi dào, NHNN thường xuyên bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Hiện lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng chỉ dưới 0,2%/năm. Áp lực vốn thấp là lý do khiến lãi suất huy động giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm.
Trong khi đó, về phía ngân hàng thương mại, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho rằng, xu hướng lãi suất thời gian tới là sẽ giảm thêm, do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh, trong khi định hướng của NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chưa có số liệu chính thức, song theo ước tính của các chuyên gia, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 3%. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%), song tín dụng chỉ tăng 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Tốc đố tăng trưởng huy động vốn tăng gần gấp đôi tốc độ tăng của tín dụng đã phần nào cho thấy tình trạng thừa vốn của ngân hàng.
Chỉ giảm lãi suất chưa thể kích thích được nền kinh tế
Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay giảm là yếu tố tích cực hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19, dù sự hỗ trợ này chủ yếu là về mặt tâm lý. “Thực tế, lãi suất hiện nay không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Vấn đề lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là sức cầu của nền kinh tế cũng như của thị trường xuất khẩu còn quá yếu”, ông Lực nói.
Tại một cuộc họp mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước ý kiến đề xuất NHNN nên cân nhắc giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện NHNN cho rằng, việc giảm thêm lãi suất điều hành là không cần thiết, không giải quyết được vấn đề tăng trưởng, bởi nguyên nhân chính là doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn khi thị trường vẫn còn đóng cửa. Nếu cố cho vay bằng mọi giá, kịch bản nợ xấu phình to như 10 năm trước sẽ lặp lại.
Dù kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, song dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ tái dịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp rất thận trọng với kế hoạch vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Bởi đã vay vốn, dù lãi suất thấp, thì vẫn phải trả nợ.
Dĩ nhiên, lãi suất giảm thêm luôn là mong muốn của doanh nghiệp, dù mặt bằng lãi suất đã đứng ở mức thấp nhất 10 năm qua.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh cho hay, doanh nghiệp này đã được VietinBank và Vietcombank giảm 2 lần lãi suất, với tổng mức giảm 1,5%. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp, bà Minh kỳ vọng lãi suất giảm thêm và duy trì mặt bằng lãi suất thấp đến hết năm 2021.
Mặc dù giảm lãi suất cho vay là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cũng phải cân đối hài hóa lợi ích của người gửi tiền. Việc giảm quá sâu mặt bằng lãi suất sẽ khiến dòng tiền có nguy cơ chảy khỏi ngân hàng. Thực tế, đã có một dòng vốn không nhỏ chảy từ ngân hàng vào chứng khoán, bất động sản, vàng.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong việc tiết kiệm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để có những chính sách phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý để tháo gỡ khó khăn. Hệ thống ngân hàng cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước