Aa

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Có thể tạo ra sân chơi không công bằng?

Thứ Ba, 19/02/2019 - 06:01

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng được kỳ vọng tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, điều này sẽ tạo ra một sân chơi không công bằng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là quy định về giảm tỷ lệ DTBB. Theo đó, "TCTD hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định".

Giảm tỷ lệ DTBB có thể giúp giảm lãi suất cho vay

Tiến sĩ Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế

Dự trữ bắt buộc là một trong năm công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong điều kiện hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động chưa giảm nhiều so với trước tết, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với lãi suất trên 8%, nên cơ hội và điều kiện giảm lãi suất cho vay là cực khó.

Tuy nhiên, Thủ tướng đã có chỉ đạo trong năm nay phải hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Việc giảm tỷ lệ DTBB sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng, theo đó, sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà băng giảm lãi suất cho vay.

Năm nay, NHNN quyết tâm hạn tăng trưởng tín dụng xuống còn 14%, thấp hơn so với các năm trước.

Việc siết lại tín dụng cũng đồng nghĩa với việc NHNN cần mở ra kênh khác để dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp được lưu thông. Còn đối với nợ xấu, nợ xấu hệ thống có rất nhiều biến số tác động tới mà lượng tiền cung chỉ là một nhân tố. Việc siết dự trữ chưa chắc đã giúp nợ xấu hệ thống giảm, do vậy, chúng ta thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu giảm dự trữ bắt buộc có thể khiến nợ xấu tăng?

"Có thể tạo ra một sân chơi không công bằng"

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng

Việc giảm 50% dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không tác động nhiều tới thị trường tiền tệ. Vì dự thảo Thông tư cũng đã nêu rõ chỉ những TCTD tham gia hỗ trợ mới các ngân hàng yếu kém mới được giảm 50% dự trữ bắt buộc so với quy định, theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng đối với VND là 3%, ngoại tệ là 8%; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với VND là 1% và ngoại tệ là 6%. Như vậy, những TCTD được giảm 50% dự trữ bắt buộc thì tỷ lệ này chỉ còn tương ứng là 1,5% và 0,5% (VND); còn 4% và 3% (ngoại tệ) sẽ giúp những ngân hàng được ưu đãi có nhiều vốn hơn để đẩy ra thị trường, tính thanh khoản dồi dào hơn vì nguồn tiền huy động được giữ lại nhiều hơn; giảm chi phí vốn huy động từ đó góp phần giảm lãi suất cho vay ra.

Giảm dự trữ bắt buộc cũng có nghĩa là bơm tiền trực tiếp cho ngân hàng thương mại. Nghĩa là, nếu ngân hàng huy động được 100 đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, trước kia chỉ được dùng 97 đồng để cho vay ra (03 đồng dùng cho dự trữ bắt buộc), nay ngân hàng đó được dùng tới 98,5 đồng để cho vay ra (1,5 đồng dùng cho dự trữ bắt buộc). Do lượng tiền bị “nhốt” tại NHNN giảm, giúp ngân hàng có lợi ích kép khi nó góp phần giảm chi phí huy động vốn, cũng như tăng lợi nhuận khi lượng tiền cho vay ra tăng.

Ngoài ra, ngân hàng được giảm dự trữ bắt buộc cũng được lợi về mặt thanh khoản đối với ngân hàng khi lượng tiền trong ngân hàng thương mại dồi dào. Tuy nhiên, khi đưa mức dự trữ bắt buộc xuống còn 1,5% sẽ thấp hơn các quốc gia khác trên thế giới rất nhiều, chẳng hạn dự trữ bắt buộc tại Mỹ là 10%... cũng dẫn tới lo ngại về đảm bảo an toàn thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước khi có sự cố xảy ra.

Trong dự thảo Thông tư cũng chưa nêu rõ giảm dự trữ bắt buộc 50% cho TCTD hỗ trợ theo phương án phục hồi nghĩa là cho các dòng vốn đã hỗ trợ ngân hàng yếu kém hay là áp dụng cho toàn bộ vốn huy động đầu vào? Còn về thời gian giảm dự trữ bắt buộc có thể áp dụng cho đến khi nào thực hiện hỗ trợ xong.

Theo tôi, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50% cho các ngân hàng tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém sẽ tạo “sân chơi” không công bằng, mặc dù những ngân hàng này có công hỗ trợ ngân hàng yếu kém thì phải được bù đắp công lao. Tuy nhiên, NHNN có thể dùng các biện pháp giảm lãi suất điều hành, như: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… cho những ngân hàng đó, hay dùng biện pháp khác là “đẩy” những khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước gửi tại NHNN về cho những ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.

Không tác động nhiều tới chính sách tiền tệ

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV

Thông tư này là nhằm triển khai để thực hiện Luật các TCTD sửa đổi năm 2017; nếu đúng ra, cần ban hành sớm hơn, bởi Luật này đã có hiệu luật từ 1/1/2018. Mục đích của Thông tư, là nhằm luật hóa cơ chế, cũng như tạo động lực, khuyến khích các TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hơn; qua đó thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu các TCTD.

Về mặt chính sách tiền tệ, tôi cho rằng Thông tư này sẽ có tác động, nhưng không nhiều vì 4 lý do sau.

Thứ nhất, việc các TCTD đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra là không hề dễ dàng. Điều kiện để TCTD tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém được hưởng giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc rất cao và khắt khe.

Thứ hai, hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD Việt Nam là tương đối thấp (3% đối với VND), nên nếu có giảm 50% thì cũng không quá lớn.

Thứ ba là độ trễ chính sách và không phải TCTD sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB của tất cả các khoản tiền gửi cùng lúc vì các khoản tiền gửi có kỳ hạn, điều kiện khác nhau.

Thứ tư, tôi hiểu rằng NHNN sẽ đồng bộ hóa các công cụ khác (như nghiệp vụ thị trường mở, định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý - khoảng 14% năm nay...) để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống các TCTD....

Tuy nhiên, tôi có hai băn khoăn cần lưu ý. Thứ nhất, cần quy định rõ nếu TCTD được hưởng điều kiện này thì liệu có còn được hưởng những điều kiện ưu đãi khác như được vay tái cấp vốn 0% hay không?

Và thứ hai, là nên quy định mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc “tối đa 50%” vì có TCTD hỗ trợ nhiều, có TCTD hỗ trợ ít. Nếu đánh đồng cùng được hưởng giảm 50% là khó đảm bảo công bằng.

Cuối cùng, chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận rằng việc hỗ trợ tái cơ cấu không phải là một miếng bánh ngon, không phải để được hưởng ưu đãi này nọ, mà là trách nhiệm chung, góp phần ổn định cho hệ thống. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy quá trình hỗ trợ tái cơ cấu là vô cùng khó khăn, thách thức và nhiều rủi ro; nhiều TCTD phải mất tới 3-5 năm sau hỗ trợ mới trở về trạng thái bình thường (do phải xử lý nợ xấu, màng lưới, công nghệ và nhất là yếu tố con người). Thành ra tôi cho rằng, ban hành Thông tư này là một việc cần thiết. Dù vậy, khâu truyền thông và thực thi sau này, tôi hy vọng sẽ được lưu tâm làm tốt hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top