Aa

Gian lận chuyển giá trong doanh nghiệp FDI: Phát hiện không khó sao vẫn "bó tay"?

Thứ Bảy, 08/12/2018 - 06:01

Trong nhiều năm qua, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi để chuyển giá, trốn thuế. Những hành vi này không phải là mới mẻ, thế nhưng vẫn luôn làm “đau đầu” các cơ quan quản lý.

Chuyện “lỗ giả - lãi thật” của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ nhiều năm nay luôn là đề tài nóng khi mà xu hướng của hình thức trốn thuế này ngày càng tinh vi. Những năm trở lại đây, bất động sản trở thành một trong “top 10” lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh giá lại khách quan chất lượng và đóng góp thực sự của những doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đến nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, vấn nạn gian lận chuyển giá tại doanh nghiệp FDI đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động. Vậy nhận diện hành vi gian lận chuyển giá là như thế nào? Kẽ hở trong chính sách nằm ở đâu? Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết đã phải là một liều thuốc đặc trị ngăn chặn "virut" này?

Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận xoay quanh vấn đề này. Xin được giới thiệu, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); TS. Bùi Thúy Vân, Trưởng Khoa Kinh tế đối ngoại, Học viện Chính sách và Phát triển (APD); TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

PV: Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, hành vi tránh thuế thông qua chuyển giá của doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, đặc biệt là tại các tập đoàn đa quốc gia ngày càng tinh vi, phức tạp, trong đó có ngành bất động sản, các chuyên gia nhận định về vấn đề này thế nào?

TS. Bùi Thúy Vân: Chuyển giá thường diễn ra ở mô hình công ty mẹ con. Đây là mô hình mà các công ty có thể mua bán trao đổi hàng hoá, dịch vụ nội bộ với nhau. Công ty mẹ bán cho công ty con với giá cao và ngược lại công ty con bán cho công ty mẹ giá thấp. Tuy nhiên phải khẳng định, chuyển giá là hành vi phổ biến. Vấn đề kiểm soát và đánh giá càng khó hơn, nhất là với doanh nghiệp bất động sản.

Đối với doanh nghiệp FDI, việc kiểm tra hành vi chuyển giá không hề đơn giản. Vì khi thành lập công ty mẹ - con, công ty mẹ ở nước ngoài sẽ bán lại đầu vào cho công ty con, song để nắm bắt được giá cả thì buộc phải liên hệ với bên Ủy ban kiểm soát giá cả, định giá ở bên đó trong các giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, do công ty nước ngoài kiểm soát giá nên rất khó để nắm bắt được giá trị thực.

Vấn đề quan trọng nhất của chuyển giá là xét cho cùng thường xảy ra ở dòng vốn tư nhân. Mà đặc điểm của dòng vốn tư nhân là lợi nhuận. Thế nên chuyển giá là hành vi của các doanh nghiệp tư nhân nhưng gian lận chuyển giá mới là vấn đề cần xử lý. Chúng ta cần phải hiểu, dòng vốn FDI luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết nên không thể nói họ không muốn chuyển giá để tìm kiếm khoản lãi tốt.

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực, nổi bật là chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư…

Điển hình có thể nhắc đến việc thanh tra chuyển giá tại Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina. Đây là DN 100% vốn của Hàn Quốc (thành lập năm 2007) nhưng liên tục báo lỗ với tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2011 là 277 tỷ đồng.

Có nhiều nghi vấn chuyển giá trong các giao dịch liên kết đang được cơ quan thuế làm rõ, như Keangnam Vina trả lãi suất tiền vay tới 12%/năm (lãi suất của ngân hàng Việt Nam từ 5 - 7%/năm) cho khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn; trả phí dàn xếp vốn tới 30 triệu USD cho nhà thầu chính - Cty Keangnam Enterprises, Ltd. Và nhiều khoản chi phí khác lên tới vài triệu USD…Sau nhiều cuộc làm việc, Keangnam Vina đã chịu điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn xuống mức thấp hơn, giảm lỗ.

PGS. TS. Ngô Trí Long: Chuyển giá là một hình thức rất phức tạp, nhiều chiêu trò. Để đánh giá được hành vi đó, chúng ta cần phải xét trong từng trường hợp cụ thể, không thể nhận định theo hướng chung chung. Thực tế, chuyển giá là hình thức rất phổ biến ở các công ty nước ngoài, các công ty liên doanh Việt Nam và nước ngoài, ngay cả bản thân doanh nghiệp nội địa cũng có hành vi chuyển giá.

Bản chất của chuyển giá là để giảm bớt lợi nhuận, không phải nộp thuế. Ví dụ doanh thu là 10 đồng, chi phí là 8 đồng thì khoản thuế sẽ đánh trên 2 đồng. Như vậy doanh nghiệp muốn nhiều lãi sẽ cố tình đẩy chi phí lên 10 đồng để không có lợi nhuận và không phải nộp thuế. Thông thường, doanh nghiệp chuyển giá thông qua đẩy giá sản phẩm vật tư đầu vào lên cao. Ngoài ra, doanh nghiệp có rất nhiều hình thức biến tướng khác để thực hiện hành vi chuyển giá.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã chỉ ra hàng loạt các dấu hiệu và đưa ra biện pháp cụ thể cho từng dấu hiệu. Nhưng đó không phải là việc đơn giản. Bởi giá tham chiếu và giá so sánh là phạm trù rất khó thực hiện. Ví dụ bên nước ngoài giá là 10 đồng nhưng họ cố tình đẩy vào Việt Nam 12 đồng. Chúng ta khó để so sánh với nước ngoài. Đó là việc làm rất khó khăn.

Tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp thường có hành vi chuyển giá để trốn thuế. Tuy nhiên, để kiểm soát việc này không phải là điều đơn giản. Muốn xử lý thì cần phải biết hành vi của doanh nghiệp đó đang thực hiện như thế nào. Đặc biệt ở các công ty có liên kết kinh doanh, công ty mẹ - con thì việc chuyển giá thường diễn ra. Các doanh nghiệp bất động sản cũng có hành vi chuyển giá song phải xác định hiện tượng đó là gì và phải xác minh cụ thể vấn đề.

PV: Theo các chuyên gia, gian lận chuyển giá của doanh nghiệp FDI nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng có thể biểu hiện qua các hành vi nào?

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Hành vi, thủ đoạn chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã được lực lượng thanh tra thuế làm rõ. Cụ thể, quá trình thu thập các thông tin, dữ liệu, thanh tra phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Một hình thức chuyển giá khác được các doanh nghiệp FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Đây là hành vi phổ biến nhất. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.

Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại Việt Nam thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp.

Bên cạnh đó, một hình thức chuyển giá khác thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh cũng được các nhà “ảo thuật” FDI vận dụng. Hành vi này thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ xuất khẩu cho nước ngoài, chủ yếu bao tiêu sản phẩm qua công ty mẹ với giá bán hoặc giá gia công thấp hơn giá vốn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI liên tục lỗ nhiều năm. Để tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh, công ty mẹ thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay không tính lãi.

Ngoài ra, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tiêu dùng có các nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài thường xuyên có hành vi chuyển giá thông qua định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực. Thủ đoạn này giúp nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ nâng khống giá trị thương hiệu trong khi bên phía Việt Nam vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó.

Điều đáng nói, quảng cáo tại thị trường trong nước với chi phí cao làm cho thương hiệu này nổi tiếng hơn và bên nước ngoài có lý do yêu cầu bên Việt Nam phải trả thêm tiền bản quyền thương hiệu, mặc dù thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải.

TS. Bùi Thúy Vân: Dòng vốn tư nhân buộc phải tạo ra lợi nhuận nên tôi cho rằng dù có thể trái phép nhưng các công ty vẫn sẽ tìm cách thực hiện. Nếu công ty nước ngoài mà báo lỗ thì trong nước rất khó kiểm soát. Tôi ví dụ công ty con ở Việt Nam và công ty mẹ ở nước ngoài, tiêu biểu là vụ Keangnam ở Việt Nam. Hành vi chuyển giá có thể là công ty mẹ bán các gói hợp đồng với công ty con như thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, phí chuyên gia với giá rất cao. Mặc dù có thể ở Nhật Bản báo một mức giá thấp hơn nhưng vì là hoạt động công ty mẹ - con nên họ phải thực hiện các gói hợp đồng như vậy. Trong doanh nghiệp bất động sản dễ xảy ra các hoạt động chuyển giá bởi đây là ngành có giá trị vốn hóa lớn. Nguyên vật liệu đầu vào có giá trị cao, liên quan tới hoạt động xây dựng.

Đấy là chuyện rất khó để kiểm soát, chúng ta phải liên kết với ủy ban kiểm giá của nước ngoài thì mới có thể xác định được là doanh nghiệp đó chuyển giá như thế nào.

PV: Vậy theo các chuyên gia, giải pháp nào để ngăn chặn việc gian lận chuyển giá của các doanh nghiệp?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Chúng ta đã có hẳn lực lượng chống chuyển giá của Tổng cục Thuế. Không chỉ vậy, về vấn đề này, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm chống chuyển giá. Tùy trường hợp, chúng ta đã có giải pháp, biện pháp xử lý khác nhau. Nhưng rốt cục, chúng ta đang “nói đi nói lại” một giải pháp mà cuối cùng gian lận chuyển giá vẫn đang diễn ra. Điều quan trọng nhất là phải thực thi đúng, đừng đánh nhầm.

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Bởi theo các cục thuế địa phương, việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dữ liệu, nên cán bộ thuế vẫn phải làm thủ công, nhặt từng khoản mục để so sánh, đối chiếu.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương. Như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế.

Việt Nam đã bước qua giai đoạn thu hút FDI bằng mọi giá, do vậy nên cân nhắc, chỉ cho phép ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền và trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác.

Cuối cùng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng.

PV: Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết là một giải pháp về hành lang pháp lý để ngăn ngừa hành vi chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Song Nghị định 20 gây nhiều tranh cãi vì có ý kiến cho rằng không giải quyết được tận gốc vấn nạn chuyển giá. Các chuyên gia có nhận định thế nào về Nghị định này?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Các chính sách tại Việt Nam không hề thiếu thậm chí còn thừa nhưng điều quan trọng chúng ta phải thực thi ra sao? Người nắm vai trò áp dụng luật có làm được không? Nghị định 20 đưa ra là vậy, các dấu hiệu có sẵn nhưng điểm khó nhất là người thực thi có chứng minh được đó là hành vi chuyển giá hay không? Và nếu chứng minh được thì chúng ta mới có thể đặt ra bước tiếp theo là xử phạt doanh nghiệp đó.

TS. Bùi Thúy Vân: Nghị định 20/2017/NĐ-CP tuy đã được ban hành nhưng sẽ khó giải quyết triệt để vấn đề chuyển giá. Chúng ta vẫn kêu gọi chống chuyển giá nhưng cuối cùng doanh nghiệp FDI vẫn chuyển giá. Các chính sách cần phải điều chỉnh để chấp nhận ở một mức độ nào đó mà không thể cấm được. Khi xác định doanh nghiệp FDI vào Việt Nam hay các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chúng ta phải xác định cái được và cái mất.

Đối với doanh nghiệp FDI, vấn đề xác định công ty này có chuyển giá không là vấn đề rất khó. Chúng ta khó kiểm soát giá cả đầu vào ở bên nước ngoài vì bản chất việc định giá giữa 2 nước là hoàn toàn khác nhau. Chưa kể các nước vẫn có xu hướng bảo vệ công ty của mình bởi nó mang lại lợi ích quốc gia. Thực tế để có một tổ chức chung như Interpol (tổ chức hình sự quốc tế) để kiểm soát vấn đề chuyển giá trên thế giới là điều không tưởng, bởi chuyển giá là vấn đề phức tạp, liên quan tới hệ thống kế toán. Do đó, tôi cho rằng cần xác định một hướng kiểm soát khác nhằm đảm bảo lợi ích của 2 bên: Nhà nước Việt Nam với doanh nghiệp.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

 Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top