Aa

Gió sông Hồng thổi vào những nếp nhà của lính

Thứ Sáu, 12/10/2018 - 06:00

Đôi khi mọi căng thẳng, buồn vui, ganh đua ở đời lại chịu thua một cơn gió quê. Cơn gió giúp người ta thức tỉnh với bao biến cố khó nhọc ở đời, rằng mọi thứ đều hướng về an yên, sự an yên mới là cái mà con người cần có được chứ không phải vật chất sương sớm cứ quền quện trước mắt.

Thoáng cái mà đã gần 3 năm tôi khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Gần 3 năm đó, tôi có thêm một mái nhà với những người đồng đội nghĩa tình. Chiều chiều, tôi lại lên sân thượng của khu nhà công vụ cho chiến sĩ ở để hưởng gió mát từ sông Hồng thổi vào và nhìn về quê hương.

Ngày tôi vào lính là một sự thay đổi vô cùng lớn, từ một cậu học sinh trở thành một chiến sĩ phòng cháy, từ sự được bao bọc bởi bố mẹ tôi phải sống tự lập, xa nhà và trở thành đồng đội của những người chưa hề quen biết.

Đơn vị của tôi không lớn, tất cả chỉ khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ. Địa thế đóng ở một vị trí khá đẹp có thế nhìn thẳng ra sông Hồng lộng gió, đường vào thì khỏi nói bởi vì là đơn vị phòng cháy nên đường rất rộng cho xe mỗi khi đi cứu hoả.

Ở nhà công vụ của chiến sĩ cũng na ná như ở ký túc xá sinh viên. Khi ở nhà, tôi có phòng riêng, ra đóng vào khép như một thế giới thu nhỏ của riêng mình, nhưng từ khi vào lính thì ở tập thể và có quy củ. Chăn màn gối chiếu lúc nào cũng phải chỉnh tề, sạch sẽ và ai cũng phải tự giác về điều đó. Đầu tiên, cảnh xa nhà làm tôi thấy nhớ, nhớ mọi thứ từ góc giường nhỏ đến cả khoảng sân vườn rộng mênh mông với các giò hoa lan của bố, nhưng rồi ở dần cũng quen, cán bộ như những người anh, đồng đội như người bạn, chăm sóc, giúp đỡ nhau từng điều nhỏ nhất, vui với nhau bằng những gian nan khổ cực cùng vượt qua. Chẳng mấy mà cảm giác nhớ nhà cũng vơi đỡ, đôi khi về nhà mà lại nhớ góc nhỏ trên đơn vị, nhớ cả cái giờ giấc đã tôi nên nếp người…

Nhà công vụ của chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Nhà công vụ của chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Là chiến sĩ cảnh sát phòng cháy nên việc rèn luyện sức khoẻ và sự dẻo dai là vô cùng cần thiết. Mỗi chiều, các anh em trong đơn vị lại cùng nhau chơi thể thao để nâng cao sức khoẻ, không những thế đơn vị còn tự tăng gia một số loại rau dễ trồng để tạo không gian xanh cũng như một mô hình tự cung cấp rau cho đơn vị. Những khoảng đất, khoảng sân tuy bé nhưng ý nghĩa vô cùng nơi phố thị đất chật người đông. Biết bao gánh đất được đưa về từ ven sông Hồng trĩu nặng phù sa màu mỡ cộng với nguồn nước mưa tích trữ được để tưới tạo nên những cọng xanh rau mọng, thơm ngon điểm thêm màu sắc bữa cơm cho các chiến sĩ. Hầu hết, ai cũng thích chăm sóc rau, coi đó vừa là việc làm vừa để giải trí, đúng là ăn những thứ mọc lên từ đất do ánh sáng mặt trời nuôi lớn tạo cho con người một sinh khí lạ khác hẳn với ăn thịt hay phải qua một sự chuyển hoá phức tạp nào đó.

Cuộc sống của chúng tôi quá quen thuộc với tiếng báo động, còi hú để đi chữa cháy. Mỗi lúc nhận được thông tin ở đâu có cháy, chỉ trong khoảng 1 phút tất cả đồng đội đã chuẩn bị xong và lên xe đi đến đám cháy. Bản lĩnh của người lính phòng cháy được tôi luyện qua những lần xông vào đám cháy cứu người bất chấp hiểm nguy, không bao giờ chùn chân trước “bà Hoả”. Sau khi chữa cháy xong là những khuôn mặt nhọ nhem, thở gấp, chân tay run rẩy nhưng ẩn chứa trong ánh mắt là sự hạnh phúc, tự hào khi đám cháy đã được dập tắt và không có thương vong về người.

Những căn phòng san sát nhau.

Những căn phòng san sát nhau.

Tháng ngày cứ qua đi với các chiến sĩ phòng cháy như thế, có khi rất nhiều việc có khi lại “an nhàn” mà cái sự an nhàn đó ai cũng mong muốn vì sẽ không có đám cháy nào xảy ra cả. Những lúc đó, anh em ngồi tụm năm tụm ba lại kể những câu chuyện ở quê tao quê mày, kể cái tuổi thơ đầy màu hồng, ước mơ và hoài bão. Đúng là đời lính có khi thật nhớ nhà, nhờ gió đem lời yêu thương, gửi tới nơi quê nhà nơi có những vì sao đợi mong…

Trong đơn vị không có phụ nữ, chỉ thoáng thoáng có cô tạp vụ nấu cơm rồi ra về nhanh thoăn thoắt, chỉ có những người đàn ông quen thuộc ngày nào cũng giáp mặt nhau, rồi nhờ nhau giặt hộ cái áo cái quần mà thắm thêm tình đồng chí. Trong căn phòng nhỏ với 8 người lính, 4 chiếc giường tầng và một cái bàn làm trung tâm, những làn gió mát thổi tông hốc từ từ đằng trước và đằng sau đem chút hương từ phố lướt qua rồi lại vụt ra giữa sông Hồng bao la, thi thoảng cơn gió đảo chiều lại mang mùi đất ngái ngái phù sa từ sông xuyên qua phòng, xoa dịu cái nóng của phố thị. Nơi đó chúng tôi gọi là nhà, đó không phải nhà riêng của ai, không phải chung cư mà là nhà của nhân dân, luôn sáng tỏ đèn canh gác giấc ngủ, đề phòng hoả hoạn cho mọi nhà.

Ở đơn vị chúng tôi còn có 3 người bạn nữa đó là Tun, Tin và Dick, lần lượt là một con chó, một con mèo và một con gà trống. Mỗi lúc ăn cơm xong là ai cũng nhận phần cho chó ăn vì chó sẽ rất quý người chủ cho nó ăn, mỗi lúc ngồi một mình suy tư về cuộc đời Tun lại ngồi cạnh ghé sát như muốn lắng nghe tâm tình. Tin cũng vậy, đó là một con mèo tam thể, luôn thích quẩn quanh khu bếp săn chuột nhiều khi trời mưa rét nó lại cuộn tròn trong giường chiếu của ai đó trông dễ thương vô hạn mà không ai nỡ phá vỡ giấc ngủ của nó. Gà trống thì rõ rồi, mỗi sáng nó đều gáy vang đánh thức chúng tôi dạy thay vì tiếng chuông đơn vị, dậy bằng tiếng gà sáng sang sảng thật thoải mái và dễ chịu, đó như chiếc đồng hồ sinh học mà ông trời đã cài riêng cho con người và gà trống.

Mỗi sáng, dòng người ùn ùn từ khu đô thị Việt Hưng qua cầu Long Biên vào nội thành làm việc mang theo khói bụi và sự ngột ngạt, đặc biệt ở khu vực phố cổ. Buổi chiều dòng người ấy lại lướt qua mắt từ phố cổ đi ra khu đô thị như một sự giải thoát cuối ngày bên bờ sông Hồng. Đúng là sông Hồng – sông mẹ, mọi nguồn sống đều gắn liền với sông cho dù phù sa bây giờ không phải là dinh dưỡng duy nhất cho sự sống của con người hay đó là một dòng sống văn hoá, lịch sử với bao chiến tích lẫy lừng.

Hương chuối chín ngào ngạt thổi từ các cù lao đụn cát từ giữa dòng vào làm mềm sống mũi con người. Đôi khi mọi căng thẳng, buồn vui, ganh đua ở đời lại chịu thua một cơn gió quê. Cơn gió giúp người ta thức tỉnh với bao biến cố khó nhọc ở đời, rằng mọi thứ đều hướng về an yên, sự an yên mới là cái mà con người cần có được chứ không phải vật chất sương sớm cứ quền quện trước mắt. Sáng bừng mắt, các bà các cô đi chợ tất bật ở chợ Long Biên vất vả là thế, mưa gió rét mướt mà nghe đâu đó nạn bảo kê hoành hành, có sự tiếp tay của ban quản lý chợ mà nghe nghẹn lòng, tạo nên cảm giác đứng bên này sông thương bên kia sông, quằn quại nỗi đau về sự bất công, nghèo tạo nên cái nghèo khó cứ đeo đẳng…

Ấy thế mà kỷ niệm 3 năm đời lính đã gần trôi qua. Căn nhà công vụ tập thể của mấy chục anh em lính cứu hoả đã trở thành một đại gia đình ấm áp, nhưng qua mỗi năm lại có người ra quân người nhập đội. Lứa lứa kế tiếp nhau, từ hồi là tân binh lóng ngóng chào hỏi nhau, phân công nấu cơm rửa bát nay tôi sắp rời xa nơi đây với các anh em ngày nào xông vào trận khói lửa chữa cơn cháy đang mê man.

Nhớ những đêm mệt nhoài nằm dài trên phố sau trận cứu hoả, ăn vội cái bánh mỳ và nghe râm ran giọng của người dân “may quá không ai thiệt mạng” là trong lòng lại mừng vui khôn xiết. Hôm sau, anh em xả hơi kể lại lúc lâm trận lửa mà tự hào thái quá về sự can trường của mình. Chính sự can trường đó đã gây dựng nên hình ảnh người lính phòng cháy, gây dựng được niềm tin trong nhân dân. Sau này, tôi nhất định sẽ tự hào mà kể lại với vợ con tôi rằng tôi đã sống một thời thanh niên ở đó, lúc đó và như thế bên dòng sông mang một vùng văn hoá xứ sở….

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top