Aa

Gió vẫn thổi trên đầu quang gánh

Thứ Năm, 03/09/2020 - 14:30

Chỉ khi nào rời xa Hà Nội, bạn mới thấm thía và thương nhớ mùa thu Hà Nội, nơi xứ sở nhiệt đới gió mùa, nơi có vị của món ngon đọng trên môi người xa xứ. Hà Nội gần ngay hơi thở trên ngực áo ta thôi.

Mặc dù đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn nhớ có một bức ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng chớp được trong mưa. Trong bức ảnh đen trắng ấy, gió tạt mưa nghiêng trên đầu chiếc đòn gánh của thiếu phụ gánh hàng rong trên phố. Cơn mưa vắt chéo trên phố cổ, Hà Nội còn đó một ô Quan chưởng rêu phong, nơi ấy là cửa ô duy nhất sang ngang với phố Bờ Sông và có con đê chạy sát mép bờ sông Hồng. Mùa thu cỏ may tím rợp chân đê. Bãi giữa cỏ lau trắng bạc như trăng hiện ban ngày và bên sông còn nguyên một lũy tre già kẽo kẹt bên đình Chèm cổ. Hồn quê Bắc Bộ vẫn còn neo trong phố. 

Trong con ngõ nhỏ ở phố Hàng Giầy có một ông giáo già dạy văn, thầy có tên Tô Trực, năm nay đã gần 90 tuổi, chiều chiều vẫn ngồi lật lại những quyển album đen trắng, nơi ngôi nhà của thầy chỉ cách đường tàu hỏa một chiếc đòn gánh cong. Những bức ảnh giấy lụa, in ở hiệu ảnh Quốc tế số 11 phố Hàng Khay, nay đã được hơn nửa thế kỷ. Thời ấy, ông Phan Thúy làm chủ cửa hiệu ảnh, rồi sau chuyển sang công ty hợp doanh thì hiệu ảnh quốc tế trở thành công ty nhiếp ảnh Hà Nội. Ảnh đen trắng, không màu, như một giấc mơ xưa khiến tuổi thanh xuân đời người sững lại. 

hiệu ảnh quốc tế hơn nửa thế kỷ nhìn sang Hồ Gươm nay đã di dời về 21 Hàng Khay.
Hiệu ảnh quốc tế hơn nửa thế kỷ nhìn sang Hồ Gươm nay đã di dời về 21 Hàng Khay.

Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh ghi nhớ ngày thi đỗ đại học, được ông Phan Thúy chụp cho từ năm 1974. Khi ấy, tôi mới chạm tuổi hai mươi, đang là công nhân nhà máy Trần Hưng Đạo rồi bỏ việc để đi học đại học. Chỉ là một tấm ảnh đen trắng nhưng khi lật lại thì là cả một quãng đời, lúc gấp khúc, khi bước trượt, nổi chìm, dù thời gian có xóa đi nhiều ký ức lãng quên.

Tôi nhớ thầy giáo Tô Trực hay kể lại câu chuyện những năm đi sơ tán từ làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức. Rồi mỗi ngày cuối tuần, thầy về nhà mua gạo tem phiếu mang đi, thầy vẫn nhớ người vợ quá cố của mình hay đi mua hoa gói ở góc phố Hàng Khoai để dâng ông bà tổ tiên. Thời đó là năm 1972, chỉ mong tránh được bom đạn dưới gầm trời phố Khâm Thiên, sống sót đã là mừng. Sát phố Hàng Khoai đối mặt với chợ Đồng Xuân là bến đỗ của xe điện bao năm từng đón kẻ Mơ lên Bưởi, đón kẻ Bưởi xuống Mơ; là nơi quang gánh ngược xuôi phận người chạy chợ, lam lũ thức giấc từ 2 - 3 giờ sáng, từ hàng khô đến hàng tươi. Nơi thức giấc phố thị đầy mùi vị đời sống của đất kinh kỳ. 

Bến đỗ xe điện của chợ Đồng Xuân như một chiếc đòn gánh cong nối liền hai chợ phiên ngày xưa nổi tiếng ở Thăng long: Chợ phiên Bưởi ngày 4 - 9 rồi 24 - 29; chợ phiên Mơ ngày 2 - 7 và 22 - 27. Những năm 1960 của thế kỷ XX, từ bến xe điện Đồng Xuân xuống tới Bờ Hồ, người kẻ chợ đất kinh kỳ, họ ngồi tàu điện nhìn xuống phố Hoàn Kiếm lúc nhập nhoạng chiều, nhớ phở gánh, nhớ chiếc xe đẩy món nộm thịt bò khô cực ngon của ông Tầu áo đen và tiếng kéo va vào nhau, tiếng xoẹt xoẹt xoẹt, lạnh sắc ám ảnh cho đến bây giờ. 

Phở gánh Hà Nội xưa.
Phở gánh Hà Nội xưa được tái hiện. 

Đó là khu phố ước mơ của nhiều đứa trẻ thích món nộm thịt bò khô đầu hồ Hoàn Kiếm. Cả cái quán hoa bên hồ Gươm với cái tháp rùa xiêu vẹo. Một ông lão ngồi khắc tên trên bút máy, đầu cúi như một dấu hỏi gần bên Tháp Bút, nó mãi như đóng chiếc bút máy vào tim từ lúc nào không hay. Đến lúc tôi dừng chân ở một chiếc cầu cong cũng sơn đỏ phía đảo Totori (Nhật Bản) mới bất chợt nhớ, nỗi thăm thẳm hình bóng cái cầu Thê Húc hồ Gươm, bao năm rồi từng theo mẹ đi lễ trong đền. 

Nỗi nhớ Hà Nội chợt lay thức trong con người kể cả khi người ta ở trong nước, không hẳn ra nước ngoài mới nhớ về Hà Nội. Phố cổ hắt lên mùi bánh cuốn cà cuống vào mỗi chiều đông ở góc phố Hàng Cân nơi gần đình Đông môn và phổ cổ nhớ khói thuốc lào vỉa hè. Nhớ cả cửa hàng thuốc lào, có cửa sổ cũ kỹ phố Hàng Cân. Giờ thì cửa hàng làm cân tiểu li của ông Nguyễn Đình Dũng cũng không còn. Cả phố Hàng Cân, nay cũng đã không còn bán cân.

Đến một ngày, tấm ảnh đen trắng như đánh thức tôi, không chỉ mùa đông đến phố Lò Rèn, hiện hữu hình ảnh cái bếp lửa của ông cụ quần áo lem nhem. Ngơ ngẩn phố cổ, không thể dỡ đi ngay các con ngõ có bóng dáng của nhà văn Trọng Hứa vẫn luôn sống nghèo khổ, vẫn ngồi uống rượu ở góc phố Thể Giao. Nhớ phố chợ Gạo, gần làng Hoàng Mai nay đã không còn bán gạo. Từng có một thời nhà thơ Tạ Vũ cơ hàn liêu xiêu trong chén rượu suông. Nhớ phố Huế với căn phòng có 8m2 mà nhà thơ Xuân Quỳnh ngày nào còn sấp ngửa xếp hàng dài dặc mua đậu phụ và cá nhi đồng ở mé chợ Hôm? 

“Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác”, (Lưu Quang Vũ). 

Hà Nội xưa.
Hà Nội xưa.

Nhớ quán bia góc hồ Thiền Quang, ông Tô Hoài đi bên nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã bị lòa mắt; ông Bổng vịn tay Tô Hoài đi dạo; nhớ trục đường Nguyễn Công Trứ, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát hay đi từ khu tập thể nhà mình xuống phố Tô Hiến Thành để gọi nhà thơ Quang Dũng đi bộ trong công viên Thống Nhất. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát đang nói say sưa về bộ gõ của mình, còn Quang Dũng trầm ngâm lắng nghe. Nhà thơ của “Tây tiến”, của đoàn quân không mọc tóc, vừa đủ thấm nỗi truân chuyên trận mạc, vừa đủ đi qua đói khát của hậu chiến, ông Quang Dũng cao lớn, hào hiệp đi ngang qua phố. 

Nhớ lời dặn của nhạc sỹ với tôi: “Cháu hãy lắng nghe trên phố có lời của lá cây, cần học ngoại ngữ qua cách người dịch, dịch tác phẩm hay, bạn muốn chia sẻ, ta hãy học bạn qua cách chia sẻ là hiệu quả nhất”. Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát đứng sau vòm lá, với nhạc cụ của gió cùng giai điệu của bài thơ Quang Dũng vẫn hành quân trên phố Tô Hiến Thành. Trên phố vẫn còn những dấu chân của người nghệ sỹ, dù đã chống gậy nhưng nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn chụp hồ Gươm, ông chụp góc nhìn từ cái mũi kim tiêm đến sự tiện tay người dân vứt cả bát hương xuống ven hồ. Vấn đề của môi trường hồ đã cải thiện, bát hương được vớt lên, xóa đi một nét Hà Nội còn chưa đẹp. 

Để hôm nay, môi trường hồ Gươm đẹp hơn, sạch hơn rất nhiều như để nhắc nhở con người hãy sống văn hóa hơn, vì môi trường hơn. Trong tư liệu của nhà nhiếp ảnh còn có một góc chợ Đuổi xưa kia mà bây giờ đã là một tòa nhà hiện đại bầy bán các sản phẩm thời trang cao cấp và một trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ. Ngay cả tòa nhà VinCom Centex cao và hiện đại chất ngất đã mọc lên từ nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (vốn là nhà máy Diêm cũ) cũng đã không còn nữa. 

Trong mắt các bạn trẻ, thế hệ của thập kỷ XXI đứng trước sự đổi thay của đất kinh kỳ, bạn nhập cuộc đời mình với ngõ phố thời gian thăng hoa hay tàn lụi nhưng có được mấy người ngoảnh lại. 

Ngay cả hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu được nạo vét tới đáy hồ, để làm trong môi trường mặt nước vào những năm cuối của thế kỷ trước XX. Và hồ Gươm trong dịch giã côvít, những người công nhân vẫn cần mẫn lát đá ven hồ. Đất không có chỗ thở, hèn nào ngực hồ phập phồng trong cơn mưa ngập nặng, khiến bao chiếc xe máy cũng nổi như bèo? Ước gì trở về Hà Nội của ngày xưa, không xe máy, không dịch giã cũng không phải đeo khẩu trang. Ước được trở về Hà Nội xưa có nhà một tầng, có cổng và còn nghe thấy tiếng người gọi cửa. Tiếng của hơi thở con người gọi cửa vẫn ấm hơn, máu thịt hơn và gần gũi hơn tiếng chuông của chung cư cao tầng. 

18527565_922751331201470_645463214099763019_n

Hình như cái gì hiện đại cũng có hai mặt của nó. Con người không được gần với quang gánh, tre nứa và thiên nhiên, xem ra cũng như lệch đi một bên người. Tôi thích nhất đi là chợ Bưởi mua cây vào ngày phiên. Vì mình tha hồ mặc cả, mặc cả cho bằng thích với từng đồng tiền lẻ, kỳ kèo với một bà già đáng tuổi mẹ mình, để thôi cơn cớ nhớ mẹ. Rồi khi tôi mua, tôi tặng lại bà cụ nguyên số tiền mà bà cụ nói thách và cười chua xót nhớ mẹ ta xưa. Mặc cả để nhớ mẹ, chứ đâu phải chỉ có chuyện thêm bớt một vài đồng. 

Chợ phiên có găm vào trái tim phụ nữ cả nỗi nhớ mẹ và nhớ cả nếp Hà Nội cũ. Gia đình nề nếp, giỗ chạp nề nếp từ cung cách món ăn đến mâm bát ngày xưa cũng mang đậm nét truyền thống Hà Nội. Mâm cỗ cũng không giống các địa phương khác, cỗ có 4 bát 6 đĩa mà đủ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ trong món ăn. Vị thanh, vị ngon còn lặng đến sau này. 

Không phải cái mới nào cũng thay thế cho được cái cũ. Cũ như vị của bún thang Hà Nội, bún ốc nguội trong vò nấu bằng nước mưa ở gần ô Quan Chưởng; cũ như phở Thìn bờ hồ, cũ như chè hoa cau chùa Võng Thị ngày xưa… Chẳng có viên sỏi nào vừa ném xuống hồ còn mãi sủi tăm lâu, nhưng Hà Nội vẫn ngời ngợi hiện lên sau những tấm ảnh đen trắng, những khoảnh khắc đời thường không màu. 

Không có các nốt nhạc du dương của vĩ cầm nhưng Hà Nội vẫn mãi là dấu lặng đơn trong cuộc đời của những người từng trải. Không phải nghệ sỹ chơi đàn dương cầm hay vĩ cầm, cũng không phải họa sỹ hay điêu khắc, mùa thu Hà Nội tự mang trong mình những rung cảm của lá đổ, của hoa sữa, của hoa ban thức giấc trên đường Thanh Niên và mùa của tam giác mạch bên triền sông bãi giữa. 

Hà Nội vẫn gió, vẫn cơn cớ hương vị riêng. Trái tim tôi yếu đuối, từng xuộm lại tấm ảnh đen trắng không phai theo năm tháng. Tôi vẫn tiêu thời gian trong đêm với những tấm ảnh, những phận người đen trắng trong một cửa ô duy nhất của Hà Nội với những cơn gió thổi trên quang gánh, với phận hàng rong và phận những nghệ sỹ nghèo tài hoa mà bạc phận. Họ vẫn lừng lững tạt trong mưa, họ đã giúp tôi can đảm hơn trước vẻ đẹp u buồn của chân tháp rùa với cây cầu Thê Húc đỏ. Chỉ khi nào rời xa Hà Nội, bạn mới thấm thía và thương nhớ mùa thu Hà Nội, nơi xứ sở nhiệt đới gió mùa, nơi có vị của món ngon đọng trên môi người xa xứ. Hà Nội gần ngay hơi thở trên ngực áo ta thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top