Mấy ngày lễ vừa rồi, chạy kiếm mua vé xe cho con về nhà cũng là một cuộc... thể hiện mình rất ghê của các ông bố bà mẹ, dù bây giờ toàn xe xịn, hay còn gọi là xe thương hiệu. Từ xe ghế ngồi tiến lên giường nằm, và giờ là buồng nằm, được mệnh danh là hàng không mặt đất, hoặc chuyên cơ mặt đất. Trên xe mỗi người một buồng, có chăn gối, nước, khăn, tai nghe nhạc, có ti vi, có đèn đọc sách, đóng cửa lại là một thế giới riêng. Xe xịn, chạy êm như ru nhưng ai cũng muốn mua vé buồng dưới, phía đầu xe, bảo ở đấy... êm hơn.
Tôi nhớ mãi những ngày sau 30/4/1975. Hàng đoàn xe Phi Long, loại xe rất lạ ở miền Bắc vì miền Bắc hồi ấy toàn xe Hải Âu của Liên Xô hoặc xe Ba Đình gì đó, ngắn tũn. Đằng này cái xe Desoto của hãng Phi Long dài thoòng, ống khói ngất nghểu trên đầu, chạy nhanh như gió trên đường. Trên xe đầy bộ đội. Và mỗi khi xe dừng, một vài chú bộ đội bước xuống, ba lô trên vai, thể nào cũng có một con búp bê trên ấy, ai xịn hơn thì có cái khung xe đạp. Thứ khung và cả xe xách về cho vui chứ rất nhanh hỏng. Chả biết những ai mang được nhiều hàng trong Nam về để hồi ấy phải có câu "Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng", chứ tôi thấy phần lớn là chỉ lủng lẳng một ba lô. Có một thứ nữa mà trong túi ai cũng có, là cái quyển Album bìa có cô gái biết nháy mắt. Phải có thứ ấy mới gọi là từ miền Nam về.
Dân hồi đầu chưa được đi suốt như bây giờ. Muốn từ Bắc vào Nam và ngược lại phải có giấy phép, đi hai ba chặng mới tới, cực khổ, ăn uống vạ vật, hàng quán chưa nhiều như bây giờ. Và, ai cũng mang rất nhiều hàng... thế nhưng ít thấy kêu...
Nhà tôi cũng có người của hai phía. Ba và chú tôi ra miền Bắc, các cô ở lại, bốn cô cả thảy, là cô ruột, rồi còn chú bác, họ hàng nữa, nhà ai cũng có hai phe. Ngay năm 75 tôi về, gặp ngay mấy ông em con cô là "lính ngụy" nhưng rất vui, anh em ngủ chung với nhau, chuyện trò suốt đêm. Tôi nhớ, mấy bà cô may cho hai anh em tôi mấy bộ quần áo, hồi ấy ngoài bắc gọi là quần Si áo Lon, là rất oách. Ba tôi bắt vò cho nó cũ đi rồi bỏ ba lô đeo ra, để lỡ bị kiểm tra thì nói là quần áo cũ. Cái món quần áo may trong miền Nam hồi ấy nó hơn ở miền Bắc là đã dùng dây kéo (phẹc mơ tuya) chứ không xài khuy như quần bộ đội. Thế mà oai lắm, tôi nhớ mỗi lần đi vệ sinh, cố tình kéo cho nó kêu soạt soạt cho bọn bạn lác mắt. Có khi kéo lên rồi chưa ai để ý lại lôi xuống kéo lại. Chỉ thế thôi. Hàng của miền Nam xuất hiện ở nhà tôi còn thêm cái radio (đài) National cũ, ra miền Bắc ngốn pin như thuồng luồng uống nước mía, tôi phải nối 6 cục pin cũ, thay vì 2 viên, vào một ống nứa rồi đấu ở ngoài cho nó nói, tiếng được tiếng mất...
Lâu lắm rồi, giờ về quê thì tôi lái xe về. Và những đứa em cùng lứa, con các cô, các chú tôi đều đã già, đã có đến mấy thế hệ mới ra đời, mà con của các em tôi ấy, giờ đa phần là giáo viên, là cán bộ, ngồi với ba mẹ chúng, nhắc đến năm 1975, chúng nghe như... vịt nghe sấm, cứ ồ à như kể về một thời lạ hoắc nào.
Tôi mừng về điều ấy. Quá khứ thì không được quên, dù là quá khứ buồn, nhưng cũng không nên khơi gợi lại mãi. Cứ nhìn lại và nhìn xuống thì làm sao mà đi tới. Cái gì ngủ yên được thì hãy để nó ngủ, dẫu là giấc ngủ mỏi mệt. Thì ai vào đấy, toàn anh em bà con chúng ta cả. Liệu có gia đình nào trên nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi sự liên can của cuộc chiến vừa qua?...
Nhưng vẫn canh cánh, mỗi kỳ nghỉ như thế, tai nạn giao thông nhiều quá. Dù xe rất xịn, dù đường đã ngon, hơn ngày xưa, khác ngày xưa... nhưng số người chết vẫn nhiều. Như ra trận. Có người ví von thế. Mà, 1975 đã qua rất lâu rồi, nhiều người đã quên nó rồi...