Aa

Giữ đẹp cho mỗi miền đất

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Hai, 06/03/2023 - 08:00

Những giá trị hữu hình và vô hình đã trở nên nét đẹp của văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên những vùng đất thì cần được giữ gìn, bảo vệ với sự chân thực của nó.

Không lâu trước, trở lại vùng đất huyền thoại của một thời xanh mát tuổi trẻ chúng tôi hồi nào đôi mươi. Bùi ngùi mà nhớ, vẫn núi đấy, chùa đây, vẫn nước, vẫn hồ, vẫn quanh quanh đồng thửa ruộng vườn cùng đôi ba quán nhỏ đơn sơ nép mình bên chân đá… nhưng cả không gian cứ mù mù, bàng bạc màu bụi đá. Đó là vì cả vùng danh lam thắng tích của chùa Trầm, núi Trầm, chùa Vô Vi… miền Chương Mỹ tiên cảnh này như đang trở nên một công trường đá lớn với nhiều doanh nghiệp thi công chế tác đá, cơ sở sản xuất đá, nào những là tượng Phật, đèn đá, tượng nghê, sư tử, phù điêu và nhiều vật dụng trang trí cung cấp cho các di tích, điểm thờ tự, vườn cảnh tư gia. 

Nghề đá, thì vốn là truyền thống của đất Phụng Châu (Chương Mỹ - Hà Nội) này. Sau nhiều năm mở mang đường sá, đi lại thuận tiện, nhờ nhu cầu xã hội tăng lên, dịch vụ thiết kế, tạo tác sản phẩm mỹ nghệ đá càng phát triển, thì trên đất đai đồng quê thôn xã, người ta mở rộng quy mô sản xuất, giao dịch, cung cấp sản phẩm. Thế là la liệt đá, bừa bộn đá chuyên chở về vây quanh núi đẹp, hồ xanh, tiếng máy cắt xẻ, màu bụi và mùi bụi đá phủ mờ trắng. Những con đường nhỏ uốn mềm mại quanh danh thắng dưới bóng cây rợp bị những lượt xe tải trọng lớn vào nhận hàng “băm” cho lồi lõm, lở lói lỗ chỗ. Và không thể tránh được, đời sống khá lên, những là nhà xây mới chen nhau trong bụi. Lại nữa, rất đáng buồn, đó là rác, từ bao giờ đã trở nên cả những bãi rác tập kết bừa bộn ngay gần chân các di tích nổi tiếng. 

Cổng chùa Vô Vi với vẻ đẹp bình yên. (Ảnh: Linh Tâm/Báo Hà Nội mới)

Bâng khuâng chẳng phải cảnh đấy người đâu, mà cảnh đấy nhưng nét thanh sạch, vẻ chất phác, hoang sơ của cụm núi cổ, chùa xưa, hang động bí hiểm, ruộng đồng xanh mát đã như phai nhạt đi hồn vía. 

Lại nôn nao nghĩ câu chuyện nóng bao năm nay không phải khi nào cũng tìm được lời giải đáp thỏa đáng hay việc xử lý trong thực tế được rốt ráo, hiệu quả. Đấy là mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Cái vế phát triển thường tập trung vào sản xuất, xây dựng, mở đường sá, đô thị hóa nông thôn… Còn cái sự bảo tồn thì hay được nói đến để tượng trưng cho việc giữ di sản văn hóa, danh lam, thắng tích, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nôn nao nghĩ, và cũng ngậm ngùi tiếc thương khi trong mối mâu thuẫn dai dẳng ấy, nhiều phần văn hóa đặc sắc, di tích giàu nghệ thuật, cảnh quan thoáng đãng, kỳ thú đã phải… nhường bước. Hoặc không… nhường, thì cũng dần dần bị gặm nhấm, bị xô đẩy đến không còn giữ được nguyên vẻ uy nghi, uyển chuyển, thắm tươi, thanh sạch trước đó. 

Dư luận thỉnh thoảng dào dạt lên khi một con đường lớn đi qua một đàn tế, một đoạn tường thành cổ mới được phát hiện, đào bới; một công trình to xây ngay kề một di tích nho nhỏ; những quán hàng lập lòe, xập xình và ồn ã xúm xít quanh các đình chùa miếu mạo thanh vắng, u trầm… Thực tế, chẳng riêng những gì có thể đếm được mà ta đọc thấy trên báo đài đâu. Bao nhiêu những khắc nghiệt lạnh lùng và cấp tập của sự va đập giữa phát triển và bảo tồn ấy xuất hiện, phát sinh ở rất nhiều nơi chúng ta đi qua, nơi ta có thể đến, nhìn thấy, nghe được và rất nhiều nơi ta chưa biết. Khi ta không biết, không nghe, không thấy, những gặm nhấm, xô đẩy đó vẫn diễn ra, đến một ngày rộ lên rất đông người cùng biết, thì có những điều đã mai một, đã khó lòng cứu vãn, phục hưng.

Con sông Ngũ Huyện Khê đẹp mảnh mai, nhỏ nhắn, uốn lượn qua những làng quê quan họ miền Yên Phong - Bắc Ninh một thời, làm duyên cho những di tích, những con đường hội lễ, chỉ bởi tại những khu sản xuất mọc lên liên tiếp xả thải thẳng vào nguồn nước mà đã đã trở thành con sông chết. Núi rừng Tam Đảo bề thế, lộng lẫy và hoang sơ nhờ dáng hùng vĩ trong không gian sương gió cỏ cây xanh mát, qua nhiều năm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cũng đang ngày càng thêm cằn cỗi, xù xì bởi tình trạng xây dựng nhà nghỉ, khách sạn ồ ạt, thiếu điều tiết và nghiên cứu thiết kế phù hợp.

Núi rừng Tam Đảo đang ngày càng thêm xù xì bởi tình trạng xây dựng nhà nghỉ, khách sạn ồ ạt, thiếu điều tiết và nghiên cứu phù hợp. (Ảnh: Tùng Dương)

Đã đến di tích, danh thắng Bạch Đằng ở Thủy Nguyên - Hải Phòng, tôi lấy làm tiếc khi ngay đằng sau những khối núi nhỏ thanh thoát, tạo thế tựa lưng cho đền miếu thờ các bậc anh hùng giữ nước năm xưa, lại nhô vọt lên mấy cái “thùng phuy” khổng lồ của nhà máy xi măng gần kề. Tiếng máy ì ầm dai dẳng không thể nào không “bổ” sang không gian huyền thoại xưa vốn nhiều năm yên ắng, bình lặng. Lại thêm lạ lùng biết công ty xi măng có công đức lớn trong việc tôn tạo khu danh thắng lưu dấu tích oai hùng này. 

Qua nhiều nơi, không khó để gặp những tình cảnh như thế. Nhà cửa xây mới, thôi thì “thi đua” chen chúc hết cả với đền chùa. Những khối nhà xây lên cho công nhân khu công nghiệp thuê trọ, loi cha loi choi đủ kiểu dạng, màu sắc, ngày càng làm lộn xộn khung cảnh ven quả núi sừng sững một thôn quê trung du nọ. Thật đáng nghĩ ngợi khi có những điều kiện được đủ đầy hơn, sung túc lên như nơi ăn, chốn ở, không gian làm việc, đi lại, mức sống, thu nhập của con người ta, thì một số yếu tố tinh thần mà cụ thể là giá trị văn hóa, dòng chảy truyền thống, thẩm mĩ cộng đồng bị xô đẩy, rơi rụng. Mà vốn, những cái đáng quý ấy rất cần được khơi mở tiếp lên để làm đầy, làu giàu cho tâm hồn con người ta trong cái đời sống vật chất đang ngày càng khấm khá đó. 

Bỗng nhớ đến bài viết trong cuốn sách mới ra của nhà báo lão thành Phạm Thanh, từng là một phóng viên nhiệt huyết của Báo Nhân Dân, hơn nửa thế kỷ trước năng nổ xông xáo vào những tuyến lửa miền Trung, những địa bàn Hà Nội bị B52 đánh phá. Bài báo ông đã viết và đăng nửa thế kỷ trước, nay tập hợp vào cuốn sách này, kể nỗi xót xa của người dân xã Cổ Loa - Đông Anh, Hà Nội khi bom Mỹ đánh sạt của một đoạn thành tương truyền chính là thành ốc - thành Cổ Loa được xây dựng thời An Dương Vương. Người dân địa phương hồi đó vốn quý trọng, gìn giữ mấy vòng thành còn lại lắm, không chăn trâu bò trên mặt thành, có cần vỡ miếng đất để trồng ít ngô ít đậu cũng không đào vào chân thành. Có đơn vị bộ đội định lập trận địa ở sát chân thành, cũng được lãnh đạo cấp cao đề nghị nghiên cứu chuyển sang vị trí khác xa hơn nhằm tránh nguy cơ khi chiến đấu bom đạn phá hoại công trình cổ xưa. Nay thành bị sạt cả đoạn lớn, chính quyền và bà con hối hả tổ chức đào đất đắp lại… Ngẫm từ đoạn viết mô tả chi tiết cảm động ấy nửa thế kỷ trước ấy, khi cuộc sống còn khó khăn, cam go, đến giờ, kinh tế phát triển, mức sống nâng lên “tơi tới” thì chúng ta chỉ còn lại vài dấu vết những đoạn thành ngắn, bị cắt khúc, bị bào mòn, sạt lở dần theo thời gian, theo nhu cầu sống và canh tác của những thế hệ người mới, và cũng bởi… ít được ngó ngàng.        

Cần giữ gìn, bảo vệ nét đẹp văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên của mỗi vùng đất. (Ảnh: Tùng Dương)

Lại ngẫm về một bài báo mới đọc được của GS.TSKH.KTS. Hoàng Đạo Kính khi ông lo lắng về cái “mốt” trùng tu, “trào lưu” công nhận di tích, di sản tràn lan, “mục tiêu” phong tặng danh hiệu di sản để rồi dẫn tới những chủ trương bảo tồn ôm đồm và cuối cùng lại chẳng bảo tồn được gì cho hiệu quả, thậm chí lại còn làm hỏng di tích, gây biến dạng di sản. GS. Hoàng Đạo Kính đặt vấn đề chọn lọc, chắt lọc để bảo tồn, phát huy cho nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ. Có lẽ đây là ý tưởng chìa khóa cho sự dung hòa phát triển - bảo tồn vốn đang va đập gay gắt trong hiện tại và sẽ tiếp tục ở tương lai. Cần phải chọn để gìn giữ, và đã giữ thì làm cho… ra hồn! Ấy là một gợi ý về định hướng đáng trở nên chính sách khả thi cho sự bảo vệ, làm đọng lại, làm nổi bật vẻ đẹp di tích, di sản và liền với đó là giá trị văn hóa, nét đặc sắc cảnh quan một không gian, vẻ đẹp tự nhiên một địa bàn. Và đằng sau địa bàn ấy, là cả dòng chảy văn hóa, truyền thống dày dặn, phong phú của vùng đất.

Theo cái ý ấy, thì phải chấp nhận rằng không phải cái gì cũng giữ được. Nhưng những cái quý giá thì rất cần giữ lấy. Liên tưởng rộng ra, những giá trị hữu hình và vô hình đã trở nên nét đẹp của văn hóa, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên những vùng đất thì cần được giữ gìn, bảo vệ với sự chân thực của nó. Đặc biệt, là với hình thức và không gian phù hợp cho sự chân thực, thanh sạch, bảo đảm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, sinh thái, môi trường cần thiết và như vốn có. Nó không những giữ đẹp cho mỗi địa bàn, mỗi miền đất mà còn lưu giữ, làm sinh sôi những giá trị tinh thần tích cực, mạnh mẽ và nhân văn cho miền đất đó. Và đương nhiên, những giá trị đó sẽ được thể hiện một cách sinh động, tự hào qua những con người sinh sống ở miền đất này. Chính những con người đó, nhờ có di tích, di sản, có văn hóa, có vẻ đẹp cảnh quan, tinh thần tự nhiên của quê hương mình mà tâm hồn họ được giàu có. Để từ ấy, mà bồi đắp cho đời sống vật chất dù còn thiếu thốn hay đang khấm khá, đủ đầy lên những thanh âm của các giá trị thẩm mỹ, của nhân văn, lành thiện./.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top