Aa

Nghĩ từ mơ ước

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Sáu, 13/01/2023 - 06:12

Chúng ta khi trồng một cái cây đều mong đến ngày cây ra hoa kết trái. Việc nuôi dạy một đứa con còn sâu sắc ngàn lần hơn thế, bởi sinh thể một con người liên quan đặc biệt đến cảm xúc cá nhân, tình cảm...

Đã khi nào bạn nghĩ về quyền được tôn trọng của ước mơ, và nói với con: Mọi ước mơ hướng thiện đều đẹp và đáng được trân trọng?!

“Mẹ, hôm qua sinh hoạt lớp, cô giáo con cho phép mọi người nói về ước mơ của mình. Bạn P. nói, bạn ý mơ ước lớn lên trở thành bác thợ mộc làm cả lớp cười ồ”.

Rất nhiều đứa trẻ có những câu chuyện tương tự như thế để kể với mẹ của chúng, như cô bé con của nhà thơ Bình Nguyên Trang vừa kể. Nhưng mỗi bà mẹ lại có phản ứng khác nhau với câu chuyện có vẻ ngây thơ này.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang hỏi: “Thế con có cười không?”. “Lúc đầu con cười theo các bạn, nhưng sau con thôi, không cười nữa. Con nghĩ, làm bác thợ mộc thì có gì là xấu”. “Mẹ cảm ơn vì con đã không cười”. “Mẹ cảm ơn con á?”. “Ừ, mẹ cảm ơn, vì con đã không cười vào bất kỳ một ước mơ nào đó, của bất kỳ một ai đó. Nhất là với một ước mơ đẹp như của bạn P. trở thành bác thợ mộc, ước mơ đó quá tuyệt vời. Để mẹ nói cho con nghe vì sao ước mơ trở thành bác thợ mộc của bạn P. lại đẹp tuyệt vời như vậy. Bác thợ mộc là một người có phép màu trên đôi bàn tay khéo léo. Bác ấy sẽ biến những khúc gỗ vô tri vô giác trở thành những vật dụng tinh xảo, có linh hồn để chúng ta sử dụng. Chiếc bàn để con viết, chiếc ghế để con ngồi, chiếc tủ để con treo quần áo, chiếc giường để con nằm, chiếc hộp để con cất đồ chơi, gương lược, đều từ bàn tay phép màu của bác thợ mộc mà ra. Bác thợ mộc chính là một nghệ sĩ...”. “Con tưởng chỉ có nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ mới được gọi là nghệ sĩ chứ ạ?”. “Không con ạ. Có nhà văn, ca sĩ không phải là nghệ sĩ, và có bác thợ mộc nghệ sĩ hơn cả một nhà văn, một nhạc sĩ...”

Đã khi nào bạn nghĩ về quyền được tôn trọng của ước mơ? (Nguồn: Internet)

Có một điều đáng buồn vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta: Không phải người lớn nào cũng biết dạy trẻ về những điều nhân văn, nhân ái. Trong xã hội vẫn còn nhiều câu chuyện mang tính miệt thị: Nghề này cao quý, nghề kia không tốt, kiểu như quét rác, đạp xích lô ba gác là hèn mọn, và bác sĩ, nhà giáo, luật sư mới là cao quý, sang trọng...

Tôi có nghe một chuyện rằng, để khiến cả lớp đạt điểm cao trong tập làm văn, cô giáo dạy học sinh mơ ước theo… khuôn mẫu. Viết văn theo bài mẫu đã buồn lắm rồi. Trẻ em mà “bị dạy” mơ theo khuôn mẫu nữa thì sẽ biến các em thành những người máy mất! Thế nên có một em bé lớp hai đi học về khóc hu hu nói với mẹ, rằng con chỉ muốn sau này lớn lên làm nghề bán rau như bác hàng xóm nhà mình, vì mẹ bảo bác ấy bán toàn rau ngon, sạch, con cũng muốn mang đến điều tốt cho sức khỏe của mọi người. Nhưng hôm nay cô dạy chúng con phải mơ trở thành doanh nhân, nhà báo, cô giáo, nhà văn..., cô bảo bán rau là nghề thấp kém trong xã hội.

Sự thật thì mỗi nghề đều quan trọng trong phạm vi vai trò của nó đối với đời sống. Không có bác thợ mộc thì không có đồ nội thất cho chúng ta dùng hàng ngày. Ngôi nhà ta ở cần có bàn tay của các kỹ sư xây dựng, các bác thợ nề, cẩn trọng, tỉ mỉ xây đắp từng viên gạch nhỏ mà nên. Phố phường, nhà cửa của chúng ta, nếu thiếu đi vai trò của người công nhân môi trường mà chúng ta vẫn quen gọi là người quét rác với thái độ không lấy gì làm thân thiện, thì chúng ta sẽ sống trong ngập ngụa ô nhiễm.

Trong bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”? Chúng ta tỏ ra miệt thị đối với những nghề mà người làm nó là phải chịu gian khổ, nhếch nhác như quét rác? Chúng ta lựa chọn những nghề mà cho rằng sự nhàn hạ, sạch sẽ của nó sẽ khiến chúng ta trở nên những con người cao quý? Nhưng sự cao quý thật ra nó lại nằm ở chỗ, lòng chúng ta có trong sáng, tử tế, không dối lừa, không vụ lợi khi làm cái việc đang làm hay không. Sự cao quý không nằm ở chỗ chúng ta làm nghề gì mà nằm ở chỗ chúng ta làm như thế nào, và sống trong nghề ấy với nhân cách nào. Một nhà văn mà đạo văn chẳng hạn, thì có còn là sang, quý?! Một người quét rác chịu sự nhếch nhác nhọc nhằn để chúng ta được hưởng bầu không khí trong sạch, nếu khi đi qua họ chúng ta tỏ ra khinh khỉnh, xem thường, thì ai cao thượng hơn ai?

Con trai tôi khi 3 tuổi cũng mơ sau này trở thành chú lái xe tải chở rác, vì “xe tải chở rác đi thì sạch đường phố mẹ nhỉ”. Rồi chỉ ít ngày sau con lại mơ trở thành chú lái máy cẩu, vì mê “cái xe cẩu nó có tài năng đẩy chú lái xe lên trời cao”. Tôi nghĩ rằng ,người lớn chúng ta khó mà nghĩ ra câu nói đầy hình ảnh, đầy ẩn dụ như vậy. Bởi vì, câu ấy được nói ra bởi một đứa trẻ lên ba hoàn toàn trong vắt như giọt nước. Một giọt nước phóng đại sẽ là một tấm gương trong. Có ai soi trong gương mà không thấy hình ảnh thật nhất của chính mình?

Trẻ con vô cùng trong sáng và mọi mơ ước của trẻ cần được tôn trọng. (Nguồn: Internet)

Trẻ con vô cùng trong sáng và mọi mơ ước của trẻ cần được tôn trọng. Nói với con như thế nào để qua đó dạy con, truyền cho con thông điệp lành mạnh, đẹp đẽ về cuộc sống là thể hiện thái độ sống, tấm lòng, trí tuệ và tầm vóc của cha mẹ.

Bác sĩ, nhà giáo, người quét rác, ai là người quan trọng hơn trong cuộc sống của chúng ta? Chân lý thật chẳng có gì rối rắm: Không có bác sĩ, sức khỏe, tính mạng chúng ta sẽ bị đe dọa. Không có nhà giáo, chúng ta gặp khó khăn trong việc học kiến thức. Không có bác bán thịt, chúng ta đói dinh dưỡng. Không có cô quét rác, chúng ta phải ở bẩn. Nếu chúng ta đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này mà xuất phát từ thái độ so sánh hơn thua, tức là tâm chúng ta sẵn mang lòng phân biệt, thì e rằng, cái đáp án tìm ra sẽ chỉ mang đầy màu sắc áp đặt, định kiến.  

Hai chữ “Vô Ngã” trong đạo Phật được phân tích rất kỹ, rất dài, tựu trung nó muốn nói rằng, không có gì là cốt lõi cả, mọi thứ tồn tại được là nhờ vào sự tương hỗ lẫn nhau của nhiều yếu tố, nếu tách rời các yếu tố ra thì ý niệm về toàn khối sẽ bị phá vỡ. 

Trên cơ thể sống của chúng ta, không thể nói rằng da là quan trọng, cốt lõi nhất, vì da bao bọc, bảo vệ toàn bộ cơ thể. Cũng không thể nói rằng não là quan trọng nhất, vì não là trung ương thần kinh chỉ huy mọi hoạt động của con người. Tương tự, cũng không thể nói rằng tim là cốt lõi nhất vì tim bơm máu nuôi cơ thể chúng ta. Mọi bộ phận phải tồn tại trong mối liên kết chặt chẽ tương hỗ lẫn nhau, tách rời ra thì chúng không còn vai trò gì nữa.

Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác… (Nguồn: Internet)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn sách “Không diệt không sinh không sợ hãi”, khi nói về Vô Ngã, thầy đã phân tích: “Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác… Bông hoa không thể tự nó hiện diện được, nó phải tương tức với đất, mưa, cỏ dại và côn trùng. Không có sự hiện hữu độc lập, chỉ có sự tương tức, sự liên quan mật thiết giữa mọi sự vật… Bông hoa không thể tự mình là hoa. Nó phải hiện hữu tương tức cùng với mặt trời, đám mây và mọi thứ khác trong vũ trụ. Nếu ta hiểu nghĩa chữ hiện hữu là cùng hiện diện với các thứ khác, thì ta đã tới gần chân lý hơn”.

Trong nhà tôi mới đây có một câu chuyện vui vui khi tôi bỗng bảo, sau khi mẹ đọc cuốn sách “Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng” của Nhà Nhiều Cột (Một chiến dịch truyền thông xã hội vì mục tiêu bình đẳng giới, hướng đến xây dựng một môi trường phát triển tự do, bình đẳng và lành mạnh. Cuốn sách cung cấp những thông tin hữu ích về bình đẳng giới, cho cả nam, nữ và những người thuộc cộng đồng LGBT), mẹ thấy mẹ chẳng còn là người quan trọng nhất nhà. Các con tôi tỏ vẻ kinh ngạc: Mẹ luôn nói mẹ quan trọng nhất nhà mà?! Nhưng, nếu không có các con thì mẹ làm mẹ của ai cho được? Trong nhà mình, từ nay, cũng sẽ chẳng riêng ai là trụ cột, vì nhà phải có nhiều cột kèo nối kết với nhiều bộ phận nữa thì nhà mới vững. Nên giữa chúng ta là bình đẳng, bình quyền, giới tính nào cũng đẹp, ai cũng quan trọng trong vai trò của mình. Các con tôi hỉ hả như vừa được mẹ nâng lên mấy bậc, được chắp thêm đôi cánh…

Tôi nói thêm, nếu có thể, thì mẹ sẽ đổi tên cuốn sách ấy là “Nghĩ bình đẳng, sống bình quyền”. Hai điều này đang là mơ ước lớn trong xã hội chúng ta. Suy cho cùng, bình đẳng giới tức là hướng đến nhân quyền, quyền của con người. Trong quyền con người thì có quyền mơ ước.  

“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?/ Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/ Quen với cái lặng thinh, không tô vẽ cho mình/ Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/ Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh”! (Evgheni A. Evtushenko - Bằng Việt dịch).

Tôi chẳng biết mình có lãng mạn quá không, khi đọc cho các con nghe đoạn thơ ấy. Tôi muốn nói với các con, hãy cứ sống đúng với con người của mình, cứ ước mơ và tự tin bước đi trên con đường mình lựa chọn. Trở thành người quét rác, bác thợ mộc hay chú lái máy cẩu, đều vô cùng tốt đẹp. Mọi ước mơ trong sáng, hướng thiện đều đẹp và đáng được trân trọng! Đáng buồn, thậm chí đáng sợ, nếu bên trong chúng ta là một trái tim thờ ơ, một cái đầu lạnh lẽo, chúng ta không còn ước mơ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top