Giá trị truyền thống giữ vai trò rất quan trọng
Từ xa xưa, ngôi nhà ở nông thôn Việt Nam với kiến trúc xây dựng và cách sắp xếp, bài trí không gian sống mang những nét độc đáo, phản ánh một phần văn hóa truyền thống dân tộc. Mỗi vùng miền, các ngôi nhà mang dáng dấp khác nhau được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt của con người, tạo nên những cảnh sắc, biểu trưng riêng của mỗi làng quê.
Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam đã có những biến đổi dần theo năm tháng. Nhìn chung, nhà ở thôn quê đã khang trang hơn, bền vững hơn, đa dạng về hình thức, thế nhưng, lại ít kế thừa kinh nghiệm xây dựng nhà truyền thống, khiến cho bộ mặt đô thị trở nên hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh làng quê.
Chia sẻ tại Hội thảo “Vận dụng giá trị truyền thống trong nhà ở nông thôn đương đại” mới đây, KTS. Nguyễn Văn Tất, Ủy viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc Nhà đẹp chia sẻ: “Kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại không đặt ra một thang giá trị gì khác biệt mà cần phải đáp ứng cân bằng 4 yếu tố: Công năng (đương đại), bền vững, kinh tế và đẹp từ mỹ quan đến mỹ cảm. Trong sự thành công ở các thể loại kiến trúc thì nhà ở mang dấu ấn cá nhân của người sử dụng nhiều nhất và đa dạng nhất. Con người nông thôn hiện đại có quyền khẳng định nhu cầu đương đại của họ trong ngôi nhà của chính mình”.
Nói về “chỗ đứng” của giá trị truyền thống, ông Nguyễn Văn Tất cho biết thêm, trong xu thế toàn cầu hóa hiện đại, sự chi phối của xã hội đương đại lớn dần và lấn át mọi thứ. Điều này khiến những ngôi nhà ở các quốc gia trên thế giới trước đây khác nhau đến 90%, thì ngày nay lại giống nhau đến 90% từ vật liệu, thiết bị, phong tục tập quán… dần dần cái khác nhau chỉ còn lại 10%. Điều này làm mọi thứ có "gương mặt" trở nên giống nhau mà không để lại dấu ấn, bản sắc nào cả.
Thực tế, tất cả những tiên tiến về vật liệu, thiết bị, công nghệ bất kể ai cũng có quyền được hưởng, chứ không bó buộc phải theo một cái gì đó mà từ chối sự tiện lợi của thời đại. Đồng thời, truyền thống cũng ảnh hưởng đến cảm thụ, tập quán sinh sống của con người. Vì vậy, nếu tận dụng những gì đã có về mặt truyền thống vận dụng vào trong xã hội đương đại sẽ là một thành công lớn.
Vận dụng giá trị truyền thống vào kiến trúc nông thôn đương đại
Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường... Bên cạnh những nghiên cứu, biện pháp quy hoạch kiến trúc khu vực này hợp lý, thì cần tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự cho nông thôn hiện tại ở mỗi vùng miền không chỉ giúp phát huy hết công năng ngôi nhà, đáp ứng tốt hơn nhu cầu con người, mà còn làm cho không gian làng quê vẫn có những có đặc trưng riêng, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được những nét đẹp ngàn đời.
Để có thể giữ được nét truyền thống trong nhà nông đương đại, KTS. Trần Thị Ngụ Ngôn, Đồng sáng lập Tropical Space chia sẻ: “Trước đây, khi thiết kế các công trình nhà ở, các vật liệu bản địa, truyền thống sẽ được ông cha ta vận dụng đến từng chi tiết. Tuy nhiên, ngày nay để thích ứng với xã hội đương đại, khi thiết kế các công trình sử dụng các vật liệu truyền thống này cần phải vận dụng theo một cách mới mẻ hơn, mang màu sắc đương đại hơn”.
Về góc nhìn bao quát nhà ở ven đô, KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sáng lập và KTS trưởng văn phòng kiến trúc 1+1>2 cho rằng, thiết kế cần dựa trên bối cảnh khu vực, cảnh quan thiên nhiên, sinh vật, khí hậu, yếu tố xã hội. Đặc biệt, với các khu vực ven đô, ranh giới của đô thị hóa cần làm tốt, điều này sẽ tăng giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, để làm được diều này, cần sự chung tay đóng góp của người dân.
KTS. Đoàn Bằng Giang, Trưởng văn phòng G+ Architectes chia sẻ, một số công trình nhà nông thôn trong 3 năm gần đây, đa số các chủ đầu tư thường những người con sống ở thành phố đang muốn về quê, tạo nét nhà truyền thống nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hiện đại. Dù là những người trẻ nhưng họ rất thích gian nhà truyền thống nhưng bố mẹ họ lại thích những kiến trúc hiện đại. Điều này cho thấy những người trẻ bắt đầu quan tâm đến giá trị nhà truyền thống nhiều hơn là những người lớn tuổi.
Qua quá trình quan sát, ông Giang cho biết, những nét nhà truyền thống đang dần bị mất đi, những nhà gỗ hầu như bị bỏ trống, không được sử dụng thay vào đó là nhà bê tông, đắp phào chỉ, gạch men. Những người trẻ cảm thấy bố mẹ mình bị ảnh hưởng từ đô thị, từ hàng xóm dẫn tới làm những thiết kế không phù hợp, làm mất đi sự thoải mái, bản chất của truyền thống vốn có lâu đời.
“Thông qua quá trình xây dựng và phát triển, hy vọng sẽ có sự thay đổi dần từ nhận thức của những người trẻ tác động đến mọi người trong gia đình, cộng đồng. Từ đó, kiến trúc cảnh quan đô thị có những nét truyền thống nhà ở nông thôn được nhân rộng và làm cho bối cảnh đô thị sẽ ngày càng hài hòa hơn”, KTS. Đoàn Bằng Giang kỳ vọng.
Nói về xu hướng thiết kế nhà trong điều kiện thời tiết, mưa bão tại Việt Nam, kỹ sư Hồ Thịnh khẳng định: “Trong suy nghĩ của người Việt, nhà thép thường tốn kém mà không sang trọng, dễ bị nóng, kém bền vững. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, độ bền của tôn thép ngày càng được nâng cao, kết cấu cũng ngày càng được cải thiện, đảm bảo tính bền vững cho công trình, các đặc tính cách âm cách nhiệt cũng tương đương với vật liệu mái ngói, bê tông, chi phí cũng ở mức ngang bằng, tuy nhiên, vật liệu thép có rất nhiều lợi thế về tính gọn nhẹ, giải phóng không gian”.
“Giữ giá trị truyền thống là điều chúng ta cần phải làm tốt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, giá trị truyền thống cần làm mới một cách sáng tạo, chứ không bê y nguyên một khuôn mẫu nào đó”, ông Nguyễn Văn Tất khẳng định./.