Aa

Giữa cao điểm vận chuyển, Viettel Post lại tự làm xấu mình

Thứ Hai, 06/04/2020 - 14:52

Để hàng loạt vụ việc xảy ra, dù chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai nhưng hình ảnh của Viettel Post đã "xấu xí" trong mắt khách hàng. Rõ ràng, Viettel Post cần có những động thái tích cực hơn để giữ uy tín thương hiệu.

Như chúng tôi đã thông tin trước đó, nhằm hưởng ứng tích cực khi cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, các Công ty TNHH Việt Nam PROJECT; Công ty Công nghệ Hồng Cơ; Công ty Cổ phần TM-DV Du lịch Vịnh San Hô Đỏ đã thực hiện chương trình tặng 1 triệu khẩu trang Liz’N Health cho bà con ở các vùng sâu, vùng xa.

Thông qua Viettel Post, đại diện nhà tài trợ đã gửi 8 thùng khẩu trang Liz’N Health đến tay ông Lê Thanh Bình có địa chỉ ở thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế để làm thiện nguyện. Thế nhưng khi nhận hàng, ông Bình phát hiện phát hiện các thùng hàng có biến dạng. Bưu tá của Viettel Post tiến hành lập biên bản cùng khách hàng mở kiểm đếm thì phát hiện mất 85 hộp khẩu trang (hơn 4.000 chiếc - PV).

Ngay sau khi sự việc hơn 4.000 chiếc khẩu trang tự nhiên “không cánh mà bay”, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã phối hợp cùng khách hàng để thực hiện điều tra quá trình bị cho là thiếu hụt của số khẩu trang vận chuyển cho khách; Đồng thời đơn vị này không dung túng cá nhân vi phạm cũng như các hành động được cho là gian lận sau quá trình điều tra.

Để khắc phục tình trạng này trước mắt và để khách hàng kịp thời thực hiện ý nguyện cao đẹp tặng khẩu trang cho các tổ chức, đơn vị, Viettel Post đã lập tức mua khẩu trang từ nhà cung cấp do khách hàng giới thiệu và vận chuyển, bàn giao với số lượng khách hàng đề nghị.

Vô tình tạo kẽ hở để “kẻ gian” lợi dụng

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối thuộc đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, về mặt pháp lý kể từ thời điểm chuyển hàng, bên vận chuyển phải chịu toàn bộ trách nhiệm từ an toàn, tới giao đúng nơi, đúng địa chỉ và đúng số lượng tới cho người nhận. Nếu có rủi ro thì phải bồi thường.

Nhưng chúng ta cũng thấy một kẽ hở giữa hai bên là khi giao hàng thông thường bên vận chuyển không thực hiện đối chiếu xem số lượng, khối lượng,… như thế nào, mà thường người gửi gói sẵn hàng rồi đem ra khai báo là xong. Đây chính là kẽ hở để một số cá nhân trong chuỗi vận chuyển đó lợi dụng, chứ không phải lỗi do cả hệ thống.

Ở đây có hai vấn đề trong việc giao nhận hàng hóa. Đó là, các bên không kiểm tra việc giao nhận hàng hóa về số lượng, chất lượng, chủng loại, cũng như hàng hóa là cái gì. Hai bên chỉ giao với nhau là một kiện hàng được đóng gói rất kỹ, bên vận chuyển cũng không biết trong đó có cái gì để khi phát sinh vấn đề còn đối chiếu lại một cách chính xác để chịu trách nhiệm hay không.

"Chính những kẻ hở như vậy, dẫn tới việc một số cá nhân trong giao nhận hàng hóa đã lợi dụng vào để thực hiện hành vi trái pháp luật là ăn trộm hoặc làm hư hại hàng hóa” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết.

Vì vậy, trách nhiệm của Viettel Post là phải xử lý đối với những cá thể hóa đã ăn trộm, vi phạm, phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ cần 5 triệu trở lên là có thể truy cứu trách nhiệm trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, đơn vị này phải bồi thường thiệt hại. Nếu như đơn vị, chủ sở hữu công ty không chứng minh được sự thiếu sót, hàng hóa giao không đủ thì họ phải đền bù theo luật dân sự.

Hiện nay, tất cả những bên đơn vị giao nhận hàng đều thực hiện nhận các bưu kiện của khách hàng mà không hề biết hàng hóa đó như thế nào. Mặc nhiên khách hàng ghi trong biên lai ra sao thì nhận như vậy mà không kiểm tra. Chi khi xảy ra mất, thấc lạc những bưu kiện có giá trị vật chất lớn thì mới nảy sinh việc đổ lỗi trách nhiệm, thiếu sót giữa các bên.

Những lùm xùm của Viettel Post

Sự việc diễn ra vừa qua của Viettel Post không phải là lần đầu. Cũng rất nhiều khách hàng từng phản ánh về tình trạng “hỏa tốc rùa bò”, mất đồ, thất lạc bưu kiện mà họ gặp phải khi sử dụng hình thức chuyển phát qua đơn vị này.

Khoảng tháng 7/2019, một khách bày tỏ sự thất vọng khi sử dụng vận chuyển của Viettel Post. Cụ thể, khách hàng có sử dụng dịch vụ gửi thư hỏa tốc của hãng vận chuyển của đơn vị này với mức phí hỏa tốc lên tới hơn 113 ngàn đồng. Tuy nhiên sau hơn 30h, bưu kiện nặng 60g của vị khách này vẫn trong tình trạng "đang chuyển”.

Hay như một trường hợp khác sử dụng chuyển phát nhanh bên Viettel Post vào Sài Gòn. Nhưng đơn vị này lại đưa hàng ra... Hà Nội. May mắn là sau đó, phát hiện nhầm nên đơn vị đã chuyển phát nhanh ngược lại Sài Gòn. Tuy nhiên, mặt hàng mà người dùng này gửi là đồ điện tử và khi tới tay người nhận thì hàng đã... méo.

Rồi có những trường hợp gửi hàng thông qua Viettel Post còn bị mất hàng. Dù đã liên hệ phản ánh nhưng đơn vị lại thiếu hợp tác. Vì số hàng cũng nhỏ nên thay vì tạo ra cuộc tranh luận gây bức xúc vào người, vị khách hàng này đã “cạch” sử dụng dịch vụ.

Không những thế, cuối tháng 2/2018, khách hàng phản ánh việc lô hàng đông trùng hạ thảo gửi sang Canada qua Viettel Post bị đánh tráo nhãn sản phẩm cả ruột lẫn nhãn mác.

Hay điển hình như những bưu kiện của khách hàng gửi 06 chiếc đồng hồ khi nhận chỉ còn 02 chiếc; Khách hàng gửi 03 đồng hồ khi nhận được vỏ hộp; Khách gửi vòng phong thủy trị giá 6.000.000 VNĐ vào TP.HCM cũng đã bị mất… cho thấy kẽ hở trong khâu vận chuyển hàng hóa của hoạt động doanh nghiệp và vô tình để kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Hà Thành chia sẻ,  dù Viettel Post đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý vụ việc khi thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì rõ ràng hình ảnh thương hiệu của Viettel Post đã "tuột dốc không phanh" trong mắt khách hàng.

Đặc biệt, khi cả nước đang trong thời gian hạn chế tối đa chuyển để phòng chống dịch Covid-19 thì các kênh vận chuyển như Viettel Post đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống người dân, và đây là thời điểm tuyệt vời để Viettel Post khẳng định giá trị thương hiệu. Nhưng Viettel Post lại gây ra hiệu ứng truyền thông tiêu cực khi tự hủy hoại danh tiếng của mình.  

Quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định

Điều 534. Nghĩa vụ của bên vận chuyển

1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 535. Quyền của bên vận chuyển

1. Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.

2. Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng.

3. Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.

4. Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

Điều 540. Quyền của bên nhận tài sản

1. Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến.

2. Nhận tài sản được vận chuyển đến.

3. Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao.

4. Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng.

Điều 541. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top