Địa đạo Phú Thọ Hòa là một trong những công trình quân sự ngầm đầu tiên được xây dựng ở phía Tây Sài Gòn, có từ năm 1947, sớm hơn cả địa đạo Củ Chi. Tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM, địa đạo này được xem là "căn cứ lòng đất" tiêu biểu của quân và dân Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời là điểm đến giáo dục truyền thống và du lịch văn hóa giàu giá trị hiện nay.

Mô hình địa đạo Phú Thọ Hòa. Ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Phú
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go, từ năm 1945, thực dân Pháp liên tục mở các đợt càn quét nhằm xóa sổ lực lượng cách mạng quanh vành đai Sài Gòn. Nhận định đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, lực lượng cách mạng tại xã Phú Thọ Hòa đã chủ trương xây dựng hệ thống đường hào, địa đạo để bảo toàn lực lượng, bám đất, bám dân, làm bàn đạp tấn công vào thành phố. Lợi dụng địa hình đất cao, cây cối rậm rạp và hệ thống lũy phòng thủ tự nhiên dày đặc như Lũy Ông Dầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa..., hệ thống địa đạo bắt đầu được đào tại thôn Lộc Hòa, kéo dài qua các ấp Bình Long, Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu (Tân Sơn Nhì) với chiều dài ban đầu hơn 10km.
Địa đạo ban đầu chỉ là những hầm ếch nhỏ, ngõ cụt và khó thoát hiểm, sau đó được cải tiến thành "hầm xe lửa" gồm hai ngăn nối tiếp, mỗi đoạn cách nhau khoảng 20m được ngăn bởi một vách đất có khoét lỗ tròn đường kính 0,5m – vừa đủ để một người chui qua. Thiết kế này cho phép cán bộ chiến sĩ di chuyển liên tục từ ấp này sang ấp khác, đồng thời khi bị phát hiện có thể nhanh chóng vượt sang ngăn tiếp theo và bít lối, khiến địch tưởng đó là đường cụt.

Du khách nước ngoài tìm hiểu về hệ thống địa đạo. Ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Phú
Một điểm đặc biệt là cách thức đào hầm thời kỳ đó không có công nghệ hỗ trợ định hướng, nhưng người dân đã nghĩ ra cách vô cùng sáng tạo: người ngồi trước cầm cuốc, người sau cầm đèn chiếu bóng người lên vách hầm, từ đó giữ đúng hướng và kích thước lòng hầm. Trên mặt đất, người ở trên áp tai xuống đất nhận tín hiệu vỗ từ bên dưới để phối hợp định vị chính xác. Nhờ vậy, hai tổ đào hầm từ hai đầu có thể gặp nhau đúng điểm trung tâm một cách kỳ diệu.
Toàn bộ địa đạo có 2 tầng, sâu 3–4m dưới lòng đất, với nhiều ngách nhỏ thông nhau. Có ba khoang hầm lớn đủ chỗ cho 7 người ngồi hoặc chứa lương thực, vũ khí. Lòng hầm cao khoảng 1 mét, rộng 0,6–0,8m, tổng chiều dài gần 700m trong đoạn phục dựng. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, đây là nơi trú ẩn, hội họp và chiến đấu của nhiều đơn vị như Chi đội 12, Tiểu đoàn Ký Con, Ngô Gia Tự, lực lượng biệt động thành... Địa đạo cũng là điểm dừng chân, liên lạc của cán bộ các cấp khi vào nội thành hoạt động.

Nơi đây là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Phú
Sau năm 1954, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa tiếp tục bị quân đội Mỹ ráo riết truy quét. Dù không còn là nơi ém quân chính thức từ năm 1967, nhiều hầm bí mật trong khu vực vẫn được duy trì như cơ sở hoạt động ngầm. Đến năm 1985, quận Tân Bình đã phục dựng lại một đoạn địa đạo dài khoảng 100m trên khuôn viên hơn 4.000m2. Năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày nay, Địa đạo Phú Thọ Hòa đã được chỉnh trang khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến ý nghĩa cho du khách và người dân muốn tìm hiểu lịch sử chiến đấu kiên cường của quân dân Sài Gòn – Gia Định. Là biểu tượng của tinh thần sáng tạo, tự lực, bất khuất, địa đạo Phú Thọ Hòa chính là minh chứng sống động cho trí tuệ và lòng yêu nước bất diệt của nhân dân Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.