Aa

Gò bó với trần tăng trưởng tín dụng

Thứ Tư, 30/06/2021 - 06:30

Đã có nhìn nhận rằng đây là một công cụ mang tính hành chính, Ngân hàng Nhà nước không cần dùng trần mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ...

tăng trưởng tín dụng
Ảnh minh họa.

Tại Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 21/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,47% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,45%).

Cập nhật trước đó ít ngày, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 5,5 - 6%. 

Trước đó, từ đầu năm, NHNN đề ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Kịch bản 1, nếu việc tiêm vaccine đại trà và dịch Covid-19 được kiểm soát, tín dụng sẽ tăng 12% đến 13%, có thể đạt 14%. 

Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 7% đến 8%. 

Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt. Với mức tín dụng gần 5,5% ở thời điểm giữa tháng 6, theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vào cuối năm nay sẽ đạt được, thậm chí nếu thuận lợi có thể mở rộng tín dụng cao hơn con số này.

Bắt đầu khó xoay xở?

Từ đầu năm, NHNN đã giao xong chỉ tiêu tín dụng lần một đến các TCTD trong hệ thống. Nhóm “Big4” gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số NHTMCP như VIB, ACB, Sacombank được giao là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%. 

Một tổ chức nghiên cứu thị trường đánh giá, mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể các năm trước. “Do NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, những năm gần đây, NHNN thường cấp hạn mức này ban đầu ở mức thấp. Sau đó, thường là trong nửa cuối năm, NHNN sẽ mở rộng hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng khi có nhu cầu”, tổ chức này cho biết.

Năm nay, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, tín dụng khởi sắc ngay từ những quý đầu năm. Vì vậy, số ngân hàng sắp hết “room” tín dụng xuất hiện nhiều hơn và sớm hơn những năm trước. Ngay từ tháng 4/2021, nhiều ngân hàng buộc phải hạn chế giải ngân vì đã tiệm cận hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao như MSB, MB, Sacombank... Hiện đã có khoảng 10 NHTM đã gửi đề nghị xin NHNN sớm nới “room”.

Cũng vì nhiều NHTM đã sớm dùng hết "room" tăng trưởng tín dụng giao bước đầu, hoạt động hiện nay lại trở nên gò bó và thụ động khi tiếp tục chờ đợi cơ chế xét duyệt mới của NHNN. Vừa qua, một số nhà đầu tư chứng khoán cũng có đồn đoán một số trường hợp thậm chí phải cắt tăng trưởng tín dụng do sớm vượt chỉ tiêu được giao, phải hối thúc khách hàng nộp các khoản thấu chi...

Tại mùa ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, hầu hết các NHTM cũng đều nhấn mạnh đến sự lệ thuộc vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao để tính toán kế hoạch kinh doanh, khi trả lời chất vấn cổ đông.

Về cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm của NHNN cho các NHTM, thời gian qua các chuyên gia cũng đưa ra những ý kiến trái chiều. Ý kiến phản đối cho rằng, đây là một công cụ mang tính hành chính. NHNN không cần dùng trần tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát và lưu lượng tiền tệ như chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, hệ số an toàn vốn. Mỗi ngân hàng tự điều chỉnh tăng trưởng tín dụng theo khả năng kinh doanh của mình.

Không chỉ các chuyên gia trong nước, Moody’s từng nhận định hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi.

Tương tự, IMF cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng; đồng thời, nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. 

Tuy nhiên, NHNN vẫn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, yêu cầu quan trọng của Chính phủ đang là ổn định vĩ mô, trước hết phải ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ hiệu quả để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ.  

"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng một cách hài hòa, hợp lý, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm mới đây.

Dù vậy, đại diện NHNN cũng cho biết, trong tương lai, NHNN có thể xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng như hiện nay với điều kiện vốn trung, dài hạn chủ yếu huy động qua thị trường tài chính, chứng khoán, thị trường vốn chứ không phải qua thị trường tiền tệ; các ngân hàng không phải huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top